Thứ tư, 1/10/2014, 09h10

Ở nơi được mệnh danh là “cửa tử”

Nhờ tư duy tôn trọng thiên nhiên, người Vân Kiều ở thung lũng Cù Bai có những mùa vàng
Hướng Lập, vùng đất điệp trùng núi non bên dòng Sê Băng Hiêng (tỉnh Quảng Trị) - trong chiến tranh được mệnh danh là “cửa tử” đạn bom mù trời, mặt đất không còn bóng cây, ngọn cỏ. Hòa bình lập lại, dù cùng chung sống bên một dòng sông, nhưng cuộc sống của người dân hai bản Cuôi và bản Cù Bai lại chẳng hề giống nhau…
Từ thị trấn Khe Sanh, chúng tôi ngược lên phía Bắc theo nhánh Tây đường Hồ Chí Minh, con đường dài hơn 70 cây số. Điểm dừng chân của chúng tôi là những vùng đất, tên làng từng đi vào trang sử oai hùng của dân tộc như Cù Bai, Cuôi của xã Hướng Lập (huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị).
Nằm về phía Bắc dòng Sê Băng Hiêng, Hướng Lập từng bị bom đạn tàn phá hủy diệt. Những cung đường 16A, 16B, đường 10, đường Thống Nhất, “Cửa tử Cù Bai” vẫn mãi hằn sâu trong ký ức của những người lính một thuở “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”. Đi qua chiến tranh, nhiều bản làng ở Hướng Lập giờ đã hồi sinh, nhưng vẫn còn đó những vùng đất như ốc đảo cô đơn giữa chốn thâm sơn cùng cốc…
Tan tác bản Cuôi
Cách nay hơn 10 năm, chúng tôi đã đến với bản Cuôi. Ngày ấy, đường vào Cuôi dù trắc trở khó đi nhưng vẫn thuận theo lẽ tự nhiên, cuộc sống dân bản dù khó khăn thiếu thốn nhưng yên bình và hồn hậu. Đến bản Cuôi hôm nay không còn phải đi bộ 4-5 giờ như trước, thay vào đó mọi người có thể đi nhờ xe ba cầu chở hàng vào Cuôi, thậm chí một số thanh niên có thể sử dụng xe máy để đi lại dọc theo dòng sông. Từ trên thùng xe ba cầu chúng tôi ngược dòng Sê Băng Hiêng, suốt cả chiều dài con sông hơn 15 cây số ngày nào còn trong xanh thơ mộng nay bị lật tung, đất đá ngổn ngang và hàng trăm cái hố sâu gần cả chục mét. Cơn lốc vàng cuối năm 2011 và đầu năm 2012 tràn qua đây đã phá hủy hệ sinh thái của dòng sông, làm đảo lộn cuộc sống của dân bản. Ông Hồ Văn Thong, Trưởng bản Cuôi, chùng giọng: “Vào mùa mưa, người Vân Kiều ở bản Cuôi chỉ biết bó gối nhìn mưa rơi cùng dòng Sê Băng Hiêng cuồn cuộn chảy. Cuộc sống ở đây gần như biệt lập, chủ yếu chỉ biết dựa vào nương rẫy và sự che chở của thiên nhiên. Từ ngày xảy ra tình trạng đào đãi vàng ở đây thì nguồn nước sinh hoạt hết sức khó khăn. Môi trường nước ô nhiễm ảnh hưởng đến sức khỏe con người, bệnh ngoài da do hóa chất xyanua trong nước, cá tôm dưới suối chết sạch…”.
Nhớ lại 10 năm trước, dân bản đã từng chia sẻ mơ ước, nếu có đường giao thông và thủy lợi thì cuộc sống ở Cuôi nhất định sẽ đổi thay tiến bộ. Thực tế bây giờ khi ruộng vườn, nương rẫy đều bị bán hết cho vàng tặc vì cái lợi trước mắt, khi không còn trong tay tư liệu sản xuất thì dân bản lại phải đi bộ xa và phá nốt những cánh rừng sót lại để trồng ngô, trồng lúa đắp đổi qua ngày. Dòng Sê Băng Hiêng trong xanh uốn lượn quanh bản Cuôi đã bị bức tử. Nỗi lo về một cuộc sống đầy khốn khó do hậu quả từ nạn đào vàng trên dòng sông này đối với dân bản ngày càng hiện hữu rõ rệt với những tâm sự đầy lo âu nhưng đành bất lực.
Nhiều người ở Cuôi vẫn còn hoài niệm về những lớp học tre nứa tạm bợ ngày ấy, với nhiệt huyết của những người lính biên phòng và khát vọng con chữ của người dân. Có lẽ không ở đâu như lớp học ở Cuôi, ngày ấy, lớp 1 không chỉ dành riêng cho các em vừa tròn 6 tuổi mà còn dành cho cả những học sinh đã bước qua tuổi 40 với quyết tâm biết chữ để làm kinh tế và… viết thư cho người yêu! Bản Cuôi hôm nay đã có trường lớp khá kiên cố, lớp học được tổ chức cả ngày với 4 giáo viên cắm bản, thế nhưng niềm đam mê học tập của các em đã không còn như xưa. Cơn lốc vàng tràn qua ngay trước ngôi trường với tiếng máy nổ và ánh điệp lấp lánh suốt ngày đêm, khiến không ít học sinh vốn dĩ học hành chăm chỉ vội vã xa lìa trường lớp, thầy cô, bạn bè để gia nhập vào đội quân đào vàng. Sau cơn lốc vàng, các em đối diện với một tương lai bất định mà không hề hay biết. Ông trưởng bản Hồ Văn Hạnh - niềm tự hào, điểm tựa của người dân ngày đó - vì bất lực trước cái đói nghèo đã bỏ Cuôi để ra đi, mang theo cả ước mơ dang dở của người dân về đời sống kinh tế khá giả và cả con đường thông nối từ thôn ra trung tâm xã.
Xanh rờn thung lũng Cù Bai

Vợ chồng cựu chiến binh Hồ Xừng làm giàu từ ao cá
Ngậm ngùi với cái khó của bản Cuôi, day dứt với cuộc sống của người Vân Kiều nơi đầu nguồn con nước, chúng tôi xuôi theo dòng Sê Băng Hiêng, tìm đến bản Cù Bai - vùng đất vốn gắn với Đồn biên phòng Cù Bai hai lần được Nhà nước phong anh hùng. Địa đạo Cù Bai, bến đò Sê Băng Hiêng và con đường độc đạo đi qua thung lũng Cù Bai đã đưa hàng vạn bước chân người lính xuôi Nam đi đánh Mỹ. Con đường đã trở thành nỗi nhớ khôn nguôi trong ký ức những chứng nhân lịch sử giữa đại ngàn Trường Sơn. Già làng Hồ Xừng nói: “Những năm chiến tranh, Cù Bai là “cửa tử”, đạn bom mù trời, mặt đất không còn bóng cây, ngọn cỏ. Đây cũng là điểm huyết mạch trên con đường vào Nam chiến đấu của quân ta”.
Hòa bình trở lại, người Cù Bai dìu nhau về dựng lại bản làng. Chuyện về cây lúa nước với bao nỗi gian truân đã bén rễ, nảy hạt đem lại ngày no ấm nhờ vào bản lĩnh của nữ cựu chiến binh dũng cảm bước qua lời nguyền Hồ Thị Oi. Cùng với đó, hàng chục hécta nuôi cá, hàng trăm hécta bời lời, tràm hoa vàng của người dân cũng mang lại nguồn thu khổng lồ. Cù Bai bây giờ, bốn phía đều là ruộng lúa xanh tốt, ao cá rộn rã tiếng quẫy nước. Già làng Hồ Thứ phấn khởi nói: “Thời ấy dân bản Cù Bai đều lũ lượt kéo nhau vào rừng “phát, cốt, đốt, trỉa” gieo cây lúa rẫy, nhưng đến mùa thu hoạch cũng chỉ đủ ăn được vài ba tháng, sau đó lại phải chạy ăn từng bữa, người lớn héo hon già trước tuổi, con trẻ xanh xao vàng võ. Giờ đây chẳng cần phải đi xa, người ở Cù Bai vẫn có đủ cơm trắng quanh năm. Con cái đều được đến trường”.
Chúng tôi rời mảnh đất Hướng Lập khi những tia nắng cuối ngày sà xuống dòng Sê Băng Hiêng đẹp như một bức tranh thủy mặc. Bức tranh đối lập của hai bản làng nơi đầu nguồn con nước làm chúng tôi mãi băn khoăn, phải chăng thiên nhiên luôn biết cách đối xử công bằng và ưu ái với những ai biết trân trọng nó?
Bài, ảnh: Phan Vĩnh Yên
Không ít người lính hành quân đi qua Cù Bai, đi qua ký ức của Hồ Xừng ngày ấy đã không trở về. Gần 40 năm sau chiến tranh, trở lại thung lũng Cù Bai, gặp những đoàn người lặng lẽ đi tìm người thân đâu đó giữa núi cao, suối sâu. Những người con mải miết đi tìm cha, những người lính tóc trắng lặn lội đi tìm đồng đội.