Thứ tư, 24/12/2014, 14h12

Phòng và chống hàng giả, hàng nhái dịp Tết cần quyết liệt hơn

Ngày 23/12, tại TP. Hồ Chí Minh, Hiệp hội Chống hàng giả và Bảo vệ thương hiệu Việt Nam (VATAP) đã tổ chức hội thảo cập nhật tình hình đấu tranh chống hàng giả, hàng nhái khi đến Tết Nguyên đán.

Ông Lê Thế Bảo, Chủ tịch VATAP, cho biết, nạn buôn lậu, hàng giả, gian lận thương mại và vi phạm an toàn thực phẩm tiếp tục diễn biến phức tạp, đặc biệt vào thời gian trước, trong và sau Tết Nguyên đán. Vì vậy, VATAP phối hợp với Cục Quản lý thị trường bám sát chỉ đạo của Chính phủ, Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia và chỉ đạo của Bộ Công Thương, nhằm thực hiện các nhiệm vụ về tăng cường công tác đấu tranh, nâng cao hiệu quả công tác quản lý thị trường, chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng nhái và hàng giả. “Tại Việt Nam, vấn nạn hàng giả, hàng nhái cũng khá nghiêm trọng. Theo chúng tôi tính toán, trị giá hàng giả, hàng nhái, hàng buôn lậu, hàng gian lận thương mại, trốn thuế là nghiêm trọng, là vấn nạn của đất nước”, ông Bảo nói.


Ông Lê Thế Bảo, Chủ tịch VATAP,  phát biểu tại hội thảo
 Về tình hình hàng giả, hàng nhái, nhất là rượu ngoại nhập – mặt hàng phổ biến trong dịp Tết, ông Bảo cho biết, trước đây có thông tin tỷ lệ rượu giả, rượu nhái đạt tới 40 - 50% là không đúng bản chất, bởi vì ở thời đó, những loại rượu nào Nhà nước quy định dán tem mà không có tem theo quy định đều bị liệt vào hàng giả. Tuy nhiên, hiện nay trên thị trường có nhiều loại rượu mua từ các cửa hàng miễn thuế, xách tay từ nước ngoài đem về không nộp thuế, sau đó đem bán ra thị trường. Đây không phải là hàng giả.
Theo ông Bảo, không chỉ rượu, các mặt hàng giả, hàng nhái, hàng trốn thuế cần được giải quyết triệt nhằm bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và các doanh nghiệp chân chính.
Trong cuộc đấu tranh gay go phức tạp này, lực lượng thực thi của Nhà nước như Công an, QLTT, Hải Quan, Thanh tra chuyên ngành của các bộ Khoa học - Công nghệ, Y tế, Công Thương, Nông nghiệp và PTNT... đóng vai trò chủ đạo. Bên cạnh đó, một lực lượng cực kỳ quan trọng khác là đội ngũ doanh nghiệp, trong đó vai trò doanh nghiệp có thương hiệu đóng vai trò rất quan trọng. Một số doanh nghiệp thiết lập hẳn bộ phận chuyên trách chuyên theo dõi hàng giả, hàng nhái trên thị trường và phối hợp khá tốt với lực lượng thực thi tổ chức phá nhiều vụ hàng giả, hàng nhái, thậm chí có vụ còn tổ chức với lực lượng thực thi ở nước ngoài để triệt phá các ổ nhóm làm hàng lậu, hàng giả.
Theo ông Đỗ Hồng Chính, Phó tổng Thư ký Hiệp hội Bia – Rượu – Nước Giải Khát Việt Nam (VBA), rượu là mặt hàng được chọn làm quà tặng phổ biến nhất trong dịp lễ Tết cuối năm, vì vậy, đây là thời gian hàng giả, hàng giả hoành hành. Để phòng chống hiệu quả, đòi hỏi sự hợp tác chặt chẽ của các doanh nghiệp và cơ quan chức năng, đặc biệt các doanh nghiệp kinh doanh rượu. “Thành công chỉ có khi có sự phối hợp đồng bộ của 3 bên: Cơ quan chức năng, hiệp hội và doanh nghiệp”, ông Chính nói.
Ông Chính cho biết thêm, để tránh mua nhầm và ủng hộ các nỗ lực chống hàng giả của Chính phủ, người tiêu dùng nên lựa chọn mua sắm ở các cửa hàng uy tín, được tuyển chọn hay ủy quyền bởi nhà sản xuất.
Trước đó, Thủ tướng Chính phủ đã lấy ngày 29/11 hàng năm là “Ngày phòng chống hàng giả, hàng nhái” nhằm đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân, doanh nghiệp đối với công tác này. Bên cạnh đó, để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 389/QĐ -TTg thành lập Ban Chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên cơ sở củng cố Ban Chỉ đạo 127. Các ban ngành, địa phương đã tích cực chủ động thực hiện các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo 389 quốc gia, tích cực truy quét, bắt giữ nhiều vụ buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả có giá trị lên đến hàng nghìn tỷ đồng.
Theo luật sư Bùi Quang Nghiêm, hành vi sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng nhái và hàng nhập lậu đang làm ảnh hưởng xấu đến nền sản xuất hàng hóa trong nước, làm rối loạn thị trường dẫn đến sai lệch các chỉ số thống kê của nhà nước về cung cầu trên thị trường, gây thiệt hại không chỉ về kinh tế mà còn ảnh hưởng đến sức khỏe, thậm chí là tính mạng của người tiêu dùng. Chính vì vậy, việc xử lý các hành vi sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng nhái và hàng nhập lậu cần phải được chú trọng hơn bao giờ hết, nhất là trong những ngày cận Tết.
Hàng giả, hàng nhái vi phạm quyền sở hữu trí tuệ (quyền sở hữu công nghiệp) của cá nhân, tổ chức kinh doanh thì các cá nhân, tổ chức bị vi phạm có quyền khởi kiện ra Tòa án có thẩm quyền để yêu cầu chấm dứt hành vi vi phạm và bồi thường dân sự. Đặc điểm của chế tài này là Tòa án chỉ xử lý khi có đơn khởi kiện của cá nhân, tổ chức có quyền sở hữu trí tuệ bị xâm phạm do hành vi sản xuất và buôn bán hàng giả, hàng nhái, hàng nhập lậu.
Trong quá trình tố tụng tại Tòa án có thể áp dụng các biện pháp khẩn cấp tạm thời, các quyết định và phán quyết buộc chấm dứt hành vi vi phạm và bồi thường thiệt hại cho chủ sở hữu trí tuệ có quyền và lợi ích bị xâm phạm do hành vi sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng nhái, hàng nhập lậu gây nên. Chủ thể vi phạm còn phải chịu trách nhiệm chi trả chi phí pháp lý (thuê luật sư, tạm ứng án phí, phí áp dụng các biệp pháp khẩn cấp tạm thời) cho chủ thể có quyền sở hữu trí tuệ bị xâm phạm.   
  PV (KTNT)