Thứ hai, 18/5/2015, 10h05

Tháng 5, về với Làng Sen

Di tích giếng Cốc - nơi gắn với tuổi thơ của Bác
“Mỗi năm, cứ vào dịp tháng 5 là tui lại sắp xếp về Làng Sen thăm quê Bác một lần để nhớ người cha già vĩ đại của dân tộc. Được ngắm khung cảnh thanh bình của Làng Sen, ngắm đồng lúa xanh trải dài ngút tầm mắt…, tui thấy thật ấm lòng và tự hào lắm!”. Ông Nguyễn Ngọc Đại, một cựu chiến binh quê ở Hà Tĩnh, trải lòng.
Những cuộc hành hương
Tháng 5, trên con đường rợp bóng xà cừ cổ thụ vào Làng Sen quê Bác tấp nập du khách hành hương tìm về. Hai bên đường vào làng, những đầm sen vào mùa khoe sắc rực rỡ. Những ruộng lúa vàng ươm hứa hẹn một vụ mùa bội thu. “Tui dự định mấy năm rồi, nay mới được về Làng Sen quê Bác đó bà!”, một bà cụ tầm 80 tuổi, đầu quấn khăn mỏ quạ đen vừa tản bộ vừa nói với người bên cạnh. Dường như họ vừa mới quen ngay lối vào làng. “Cụ về làng được mấy lần rồi?”, cụ bà quấn khăn mỏ quạ tên Lan cất giọng hỏi thân mật người bên cạnh như những đứa con xa lâu ngày về quê mẹ. Ngần ngừ giây lát, người kia cất giọng trả lời: “Bây giờ con cái đã lớn, lập gia đình hết rồi nên tui mới rảnh rỗi thu xếp về được cụ ạ!”. Nói rồi, cả hai người đều bước chậm lại trên đường dẫn vào nhà lưu niệm Bác Hồ. Những bước đi có cảm giác như thật quen, thật gần, như tuổi thơ của họ đánh mất đâu đó lại ùa về trong kí ức với mái nhà tranh tre nứa lá. Không ai bảo ai, cả hai đều rơm rớm nước mắt, đưa hai bàn tay chai sần nắm lấy nhau cùng cất bước vào nhà.
Trong số những du khách hành hương về đây, chúng tôi để ý thấy nhiều cựu chiến binh tóc trắng, bộ quân phục đã sờn bạc. Ông Nguyễn Ngọc Đại xúc động nói: “Bác đã hy sinh trọn cả cuộc đời vì dân vì nước. Hôm nay, nhân dân được cơm no áo ấm, lũ trẻ được ngày hai buổi tới trường, quê hương đổi mới rồi. Việc hành hương về quê Bác như là mỗi người con đất Việt về với cội nguồn của mình vậy”. Trong khi đó ông Nguyễn Văn Cang, cựu chiến binh cùng quê Hà Tĩnh với ông Đại, chia sẻ: “Mỗi lần về quê Bác, với những kỷ vật gợi nhớ đến kí ức một thời khiến tui càng thấy mình sống phải có trách nhiệm hơn, để chung tay đoàn kết xây dựng quê hương giàu đẹp như tâm nguyện của Người”.

Chiếc chõng tre - vật dụng thân thuộc của gia đình Bác

Cái nắng tháng 5 rát bỏng vẫn không ngăn dòng người nườm nượp đổ về Làng Sen. Suốt 40 năm qua, kể từ ngày quê hương im tiếng súng, những con ngõ nhỏ ở Làng Sen đã in biết bao triệu dấu chân người. Những người con đất Việt từng nhiều lần hay một lần đặt chân trở về đây vẫn thuộc lòng lối vào làng, đường ra giếng Cốc, ngôi nhà đơn sơ của gia đình Bác giữa làng mạc rợp bóng cây cối xanh tươi…
Điểm đến giáo dục truyền thống
Nằm trong Khu di tích Kim Liên, cùng với cụm di tích Hoàng Trù (quê ngoại Bác Hồ) - nơi có nhà thờ cụ Hoàng Xuân Đường (ông ngoại Bác Hồ) và nhà thờ họ Hoàng Xuân -  cụm di tích Làng Sen nằm giữa bốn bề đồng ruộng xanh tươi và làng mạc quê kiểng. Với điểm nhấn chính là ngôi nhà lá 5 gian nơi gia đình ông Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc sinh sống quây quần đầm ấm năm xưa. Trong ngôi nhà ấy có gian rộng đặt bàn thờ và tiếp khách. Một gian là nơi nghỉ ngơi của cụ Phó bảng, ở đây vẫn còn bộ phản gỗ kê bên cửa sổ chính, bên cạnh có chiếc án thư nơi cụ dạy các con học chữ và cũng chính là nơi vào buổi tối, cụ bày ấm chè xanh trò chuyện cùng bà con lối xóm. Ở một gian khác, chiếc chõng tre lên màu nước láng bóng được trải trên đó chiếc chiếu cói không nhuộm màu. Rồi chiếc rương đựng lương thực, chiếc tủ đứng hai ngăn đựng đồ dùng, chiếc mâm bằng gỗ sơn đen. Trong gian bếp có lu nước, cái gáo dừa, cối xay. Phía sau nhà còn đó cái gàu tát nước, chiếc cày chìa vôi treo trên vách… Mọi thứ trong ngôi nhà ấy vẫn y nguyên, nền đất nện sạch bóng như còn nguyên nếp sinh hoạt hằng ngày thuở ấy.

Ngôi nhà thân sinh Bác Hồ ở Làng Sen bốn mùa rợp bóng cây xanh

Cách ngôi nhà của cụ Phó bảng không xa là một khoảng không gian rợp bóng cây xanh, có nhiều lối mòn dẫn đến di tích giếng Cốc. Nơi đây, tuổi ấu thơ, Bác Hồ thường cùng bạn bè ra lấy nước sinh hoạt. Bên cạnh, đầm sen vào mùa khoe sắc hồng. Cũng trên lối mòn ấy dẫn sang các nhà hàng xóm của gia đình Người, như: Lò rèn Cố Điền; nhà cụ cử Vương Thúc Quý; nhà cụ đồ Nho; nhà của một lương y bốc thuốc nam với dao cầu, thuyền tán và vườn cây thuốc quanh nhà, hay nhà một người dân khác với cuốc cày, chõng tre, nồi đất, cối xay lúa, giã gạo…; nhà thờ họ Nguyễn Sinh; nhà cụ Nguyễn Sinh Nhậm, ông nội của Bác; các di tích cây đa, Sân vận động Làng Sen; khu trưng bày các hiện vật, tài liệu và Nhà Tưởng niệm Bác Hồ. Một cảnh quan làng mạc hiện dần lên theo bước chân du khách thập phương rất đỗi thân quen, dung dị. Kí ức tuổi thơ gợi về với lũy tre làng, con đường đất mòn dấu chân, với khung cửi, bờ dâu.

Bác Hồ một lần về thăm Làng Sen (ảnh tư liệu)

Ông Nguyễn Bá Hòe, Giám đốc Ban quản lý Khu di tích Kim Liên, cho biết đời sống kinh tế của bà con hôm nay tuy đã phát triển rất nhiều, nhưng Làng Sen vẫn giữ được những giá trị văn hóa truyền thống. Hiện chính quyền và nhân dân xã Kim Liên đã thành lập một trung tâm hát ví phường vải xã với Câu lạc bộ Hát phường vải Kim Liên và Đội hát phường vải Hoàng Thị An (tên chị ruột thân mẫu Bác Hồ, một nghệ nhân hát phường vải) ở các thôn, xóm. Tương lai, trung tâm hát ví phường vải xã có kế hoạch xây dựng điểm giới thiệu hát ví phường vải kết hợp trình diễn dệt vải, quay tơ bên khung cửi tại làng Hoàng Trù phục vụ du khách tham quan. Đây là hình thức bảo tồn và phát huy hiệu quả loại hình diễn xướng độc đáo này của xã Kim Liên. Bên cạnh đó, Lễ hội Làng Sen được tổ chức vào dịp kỷ niệm ngày sinh nhật Bác 19-5 góp phần tạo nên sự đa dạng của các hoạt động văn hóa, nghệ thuật. 
 
Tháng 5, con đường rợp bóng cây cổ thụ vào Làng Sen đẹp như trong mộng. Ruộng lúa vàng ươm mật. Hoa sen ngời sáng trên những chiếc lá xanh nõn nà, trên màu xanh muôn thuở của quê hương. Làng Sen thật sự là nơi trở về của nhân dân cả nước!
Bài, ảnh: Phan Vĩnh Yên      
 
 
“Tại Khu di tích Kim Liên, hàng năm còn là nơi diễn ra các hoạt động ý nghĩa như lễ kết nạp đảng viên, tuyên dương các điển hình tiên tiến, tổ chức các triển lãm về Bác, về Đảng Cộng sản Việt Nam...”, ông Nguyễn Bá Hòe cho biết.
 
TP.HCM tổ chức dâng hương, dâng hoa Bác Hồ
Nhân kỷ niệm 125 ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19-5-1890/19-5-2015), lãnh đạo TP.HCM sẽ tổ chức lễ dâng hương, dâng hoa Chủ tịch Hồ Chí Minh vào sáng ngày 19-5 tại Bảo tàng Hồ Chí Minh (chi nhánh TP.HCM). Theo đó, trong ngày này, thành phố sẽ miễn phí vé vào cửa cho các đoàn đại biểu và nhân dân đến tham quan, dâng hương Bác Hồ.
N.N