Thứ ba, 29/7/2014, 22h07

Gian nan khám bảo hiểm y tế

Cảnh bệnh nhân chờ đợi khám bảo hiểm ở Viện Tim TP.HCM
Thực hiện bảo hiểm y tế (BHYT) với mục đích tạo điều kiện tốt nhất để mọi người dân được khám và chữa bệnh đến nơi đến chốn. Tuy nhiên, BHYT cũng còn những bất cập tồn tại làm ảnh hưởng đến quyền lợi hợp pháp của bệnh nhân.
Mệt mỏi vì chờ đợi 
Mỗi lần chuẩn bị cầm thẻ BHYT để đi khám bệnh là chị Lê Thị Hà, nhà ở Q.Phú Nhuận, TP.HCM ngồi thở dài. Không phải lo lắng chuyện đi lại mà người phụ nữ gần 40 tuổi này ngán ngẩm cảnh ngồi cả buổi xếp hàng bắt số để vào phòng khám tại bệnh viện. Cũng là “người đồng hành” mấy năm liền với chị Hà, tôi rất hiểu tâm trạng của những bệnh nhân khi bước chân vào bệnh viện để khám bệnh bằng thẻ BHYT. Mặc dù 7 giờ sáng mới mở cửa và 7 giờ 30 phút mới làm việc nhưng bắt đầu từ 5 giờ khuya tại Bệnh viện Nhân dân Gia Định đã có đông người đến xếp hàng, nộp sổ. Tuy nhiên, đây chưa phải là cửa ải khó khăn nhất của công đoạn khám thẻ BHYT. Mặc dù đã có số để vào phòng khám lúc 9 giờ sáng nhưng bà Trần Thị Liên, ngụ ở Bảo Lộc, Lâm Đồng cũng phải chờ đến đầu giờ chiều ngày hôm đó mới đến lượt sang khu B xạ trị để tầm soát bệnh theo định kỳ. Tuy nhiên, đã từng đi khám BHYT nhiều lần, chúng tôi thấy gian truân nhất vẫn là khâu làm thủ tục và chờ nhận thuốc. Trong thời gian chờ ít nhất không dưới 1 tiếng đồng hồ hoặc có khi “choàng” sang buổi chiều, phòng phát thuốc là nơi “đo” sự kiên nhẫn của con người.
Chính vì thế, hiện nay khách hàng ruột của BHYT chủ yếu là những bệnh nhân mắc bệnh nan y hoặc mạn tính phải điều trị “dài hơi”. Thế nhưng, cũng do từ khâu thủ tục rườm rà mà hầu hết không có được những quyền lợi hưởng thụ chính đáng. Khám mất thời gian chờ đợi nhưng nhiều bệnh nhân tại Bệnh viện Ung bướu TP.HCM vẫn tay không ra về vì kết quả giám định của BS chuyên khoa là bệnh ổn định. Nếu cần đơn thuốc thì BS cũng chỉ kê vài loại thuốc bổ và nước vệ sinh theo kiểu “vô thưởng vô phạt”. Đây cũng là lý do làm cho các bệnh nhân “đoạn tuyệt” với sổ BHYT để ra khám dịch vụ.
Những tia hy vọng mới
Từ những khó khăn trên, không ít khách hàng BHYT đã linh hoạt trong khâu khám bệnh. Nếu trước đây, BHYT quy định số lượng thuốc điều trị trong 2 tháng thì 2 năm lại đây BHYT quy định BS chỉ phát thuốc điều trị trong thời gian 1 tháng. Thay vì mỗi tháng đi khám một lần thì họ lại kéo dài thời gian bằng cách uống thêm một toa thuốc mua ngoài. Tuy nhiên, theo khuyến cáo của BS, bệnh nhân không nên tự ý mua thuốc tự điều trị cho mình theo toa cũ mà không có sự chỉ định của bệnh viện. Cũng có một vài bệnh viện thương bệnh nhân phải đi lại nhiều lần và muốn giảm áp lực số lượng người tái khám nên đã “lách luật” bằng cách cho thuốc trong một tháng nhưng liều tăng gấp đôi để bệnh nhân uống trong 2 tháng. Thế nhưng, điều mà hiện nay mọi người quan tâm và dư luận bức xúc chính là sự lạm dụng, trục lợi quỹ khám và chữa bệnh BHYT của một số “sâu mọt” trong ngành y đã được đưa ra ánh sáng làm mất lòng tin của xã hội. Câu chuyện nhân bản “tày đình” phiếu xét nghiệm tại Bệnh viện Hoài Đức (Hà Nội) và lập khống hồ sơ bệnh án để bỏ túi 23 tỷ đồng của lãnh đạo Bệnh viện Đa khoa Bưu điện (TP.HCM ) là những ví dụ điển hình. 
Nói như vậy, không phải khám bệnh bằng thẻ BHYT chỉ có chuyện buồn. Bên cạnh khó khăn và cả tiêu cực, BHYT cũng đã có những cố gắng lớn để giảm bớt hệ lụy không cần thiết cho khách hàng. So với trước đây, một số bệnh viện đã bỏ bớt những thủ tục hành chính khá rườm rà như lưu hồ sơ qua hệ thống máy vi tính, số hóa các thông tin bệnh nhân, không cần nhiều chữ ký phê duyệt, hệ thống hiện số tự động tại trước cửa phòng khám, nơi phát thuốc để khách hàng hạn chế nhầm lẫn và mất ít thời gian chờ đợi hơn. Bên cạnh đó, một số bệnh viện quá tải đã hạn chế đăng ký thẻ BHYT mới bằng cách chia đều “khẩu phần” cho các bệnh viện vệ tinh. Một số trung tâm y tế quận huyện vốn trước đây bỏ không, nay cũng được nâng cấp, chuyển sang bệnh viện quận huyện để tạo niềm tin và thu hút khách hàng BHYT tự nguyện.
Bài, ảnh: Quang Phan
Nỗ lực trong việc vận động người dân tham gia BHYT tự nguyện cũng là một giải pháp tốt để cho BHYT phát huy được nội lực. Đặc biệt, sau khi Quốc hội có luật sửa đổi và bổ sung một số điều của Luật BHYT vào ngày 13-6-2014 các đối tượng tham gia BHYT thật sự yên tâm hơn khi ốm đau đã có chỗ dựa tin cậy là BHYT. Theo TS. Nguyễn Thị Minh - Tổng giám đốc Bảo hiểm Xã hội Việt Nam, luật sửa đổi và bổ sung này sẽ đảm bảo được sự điều tiết, chia sẻ rủi ro về bệnh tật nhất là khi người tham gia bị đau ốm lúc về già. “Không chỉ đảm bảo quyền lợi hợp pháp của người có thẻ BHYT, bằng mọi biện pháp chúng ta phải tìm cách ngăn chặn các hiện tượng tiêu cực lạm dụng, trục lợi từ quỹ khám và chữa bệnh BHYT” - TS. Minh đề nghị.