Thứ ba, 22/4/2014, 22h04

Tuyển sinh ĐH, CĐ 2014: Băn khoăn sàn mới

Thí sinh nộp hồ sơ thi ĐH tại TP.HCM. Ảnh: A.K

Bộ GD-ĐT vừa công bố 3-4 mức điểm sàn trong mùa tuyển sinh năm nay. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia giáo dục vẫn còn băn khoăn vấn đề này.
Bình mới rượu cũ
Theo quy định mới của Bộ GD-ĐT, mùa tuyển sinh ĐH, CĐ 2014, những trường tuyển sinh theo kỳ thi chung của Bộ GD-ĐT sẽ xét tuyển trên cơ sở quy định “sàn” mới. Theo đó, hằng năm, hội đồng xác định điều kiện bảo đảm chất lượng đầu vào của Bộ GD-ĐT căn cứ kết quả thi của thí sinh trong cả nước đề xuất Bộ trưởng xem xét công bố một số mức (3-4 mức) điểm xét tuyển cơ bản (tổng điểm 3 môn thi không nhân hệ số) cho từng khối thi, trong đó có mức điểm tối thiểu xét tuyển vào ĐH và mức điểm tối thiểu xét tuyển vào CĐ. Lý giải về lựa chọn phương án trên, Bộ GD-ĐT cho rằng, mục đích của quy định xét tuyển nhằm bảo đảm chất lượng đầu vào, tạo sự công bằng, minh bạch trong tuyển sinh; từng bước thực hiện phân tầng cơ sở giáo dục ĐH; giúp cho thí sinh chọn trường, chọn ngành phù hợp với năng lực. Quy định mới như trên so với quy định về điểm sàn trước đây có sự khác biệt khi phân chia phổ điểm thành nhiều mức theo tỉ lệ thí sinh đạt yêu cầu.
Tuy nhiên, theo PGS.TS Lê Hữu Lập, Phó giám đốc Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông, quy định xét tuyển của bộ không ảnh hưởng đến các trường có điểm xét trúng tuyển hàng năm cao hơn sàn, hoặc cao hơn sàn nhiều. Vậy quy định mới chỉ điều chỉnh cho các trường tốp dưới (tốp lấy xuống sàn).Việc đưa ra nhiều mức điểm cơ bản cho công tác xét tuyển không giải quyết vấn đề gì. Quan trọng là mức điểm cơ bản thấp nhất được xây dựng trên quan điểm nào, khác với việc xây dựng sàn các năm trước ra sao? Nếu cùng các tiêu chí xây dựng điểm sàn như các năm trước mà năm nay hạ thấp điểm sàn (mức cơ bản thấp nhất) hơn nữa thì thực chất là để tháo gỡ khó khăn của một số trường tốp dưới trong tuyển sinh, kéo theo chất lượng đầu vào thấp xuống. Cũng theo ông Lập, trong quy định mới vấn đề nhân hệ số 2 với môn chính có ưu điểm nhất định, một số trường cũng đã áp dụng tuyển sinh trong những năm qua. Tuy nhiên, một khối thi xét cho nhiều ngành, một ngành tuyển ở nhiều khối và vấn đề cộng điểm ưu tiên nữa sẽ làm phức tạp thêm khâu quản lý tuyển sinh. Tóm lại ông Lập khẳng định chỉ cần 1 mức điểm cơ bản tối thiểu để đảm bảo chất lượng đầu vào, có thể nhân hệ số 2 với môn chính, tùy từng trường. Còn theo ông Nguyễn Văn Nhã, Hiệu trưởng ĐH Nguyễn Trãi, mức điểm xét tuyển theo kỳ thi chung của Bộ GD-ĐT dự kiến 3-4 mức, lại phân chia loại trường, ngành không có (hoặc có) môn thi chính, có hệ số… là khá phức tạp; khó hiểu đối với cả phụ huynh và thí sinh. Thực chất các mức này cũng là các sàn cao thấp khác nhau. Ông Nhã kiến nghị nên chỉ quy định 1 mức điểm tối thiểu phải đạt qua ngưỡng kỳ thi năm 2014; căn cứ mức điểm đó cho phép hiệu trưởng các ĐH, CĐ tự xác định điểm chuẩn trúng tuyển vào ngành học, trường mình. Phổ điểm chuẩn của các trường đã nói lên chất lượng đầu vào của mỗi trường (cũng là một dấu hiệu cho phân tầng các ĐH, CĐ chứ không phải là một tiêu chí duy nhất). Bên cạnh đó, TS. Lê Viết Khuyến, nguyên Phó vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH cho rằng: Dự thảo quy định như trên để xác định ngưỡng chất lượng đầu vào thực chất là một việc mang tính chất ngụy tạo. Vì có 3 hay 4 mức điểm thì điểm cơ bản tối thiểu vẫn là “ngưỡng” thấp nhất phải đạt được. Dự thảo quy định vẫn tính trên tổng điểm 3 môn thi, không khác gì so với cách tính của những năm trước đây. Cũng theo ông Khuyến thì có chăng chỉ khác nhau cách gọi.
Lấy phổ điểm theo từng môn
Phân tích về những quy định mới của bộ, PGS.TS Lê Hữu Lập cho biết việc đưa ra nhiều mức điểm cơ bản, không giải quyết vấn đề phân tầng các trường vì đa số các trường tốp dưới đều phải tuyển nhiều đợt, hồ sơ ảo là khá nhiều (do thí sinh có nhiều phiếu xét tuyển). Nên các trường này phải nhận hồ sơ thí sinh với điểm cơ bản thấp nhất. Quan trọng là điểm trúng tuyển nhà trường công bố là bao nhiêu, lúc đó mới phân tầng được đầu vào của trường đó, hoặc ngành học đó trong trường. Như vậy không thể dựa vào tiêu chí điểm công bố nhận hồ sơ để phân tầng được. Vài năm nữa bỏ thi “3 chung”, cũng như hiện nay nhiều trường đã tuyển sinh riêng, nên lấy tiêu chí điểm đầu vào để phân tầng cũng sẽ nhanh lạc hậu. Phân tầng trường ĐH phải dựa trên các tiêu chí kiểm định chất lượng trường ĐH mà bộ đã công bố. Còn theo TS. Lê Viết Khuyến, nhược điểm của điểm sàn cũ là tính khoa học không có khi lấy tổng điểm của 3 môn để tính. Phổ điểm của tổng 3 môn gần như không có ý nghĩa mà phải phổ điểm của từng môn mới có ý nghĩa. Từ phổ điểm của từng môn thi để các trường quyết định lấy mức nào và dựa trên phổ điểm từng môn thi. Quy định mới vẫn tính trên tổng điểm 3 môn nên không có tính khoa học. Năm 2013 đã áp dụng căn cứ vào phổ điểm là bước thay đổi đáng kể. Còn năm nay phương án mới quá rối.
Theo ông Khuyến, trong 5 phương án của Bộ GD-ĐT thì phương án có 4 mức căn cứ vào phổ điểm cho mỗi môn thi và có thể tính đến vùng miền để xét theo từng khu vực là khả thi. Như vậy tính công bằng sẽ cao hơn. Thực tế hiện nay đã có điểm ưu tiên theo khu vực nhưng thiếu cơ sở khoa học. Trên thế giới cũng có nhiều mô hình thực hiện như vậy, phải làm cho từng khu vực thì mới bảo đảm công bằng. Phổ điểm đã áp dụng từ năm 2013 để tính điểm sàn nhưng cần thêm một bước là phổ điểm cho từng môn thi. Có thể lấy 20% là cấp 1, 40% cấp 2, 60% cấp 3 và 80% cấp 4… Lấy theo phổ điểm từng môn tính khoa học cao hơn và tính theo vùng lãnh thổ. Có làm như vậy mới phân tầng, xếp hạng được các trường. Cũng theo ông Khuyến, nếu đã có phổ điểm từng môn thì cần gì phải hội đồng xét điểm sàn. Hội đồng cũng có người không chuyên sâu, không phân tích thì chỉ là lấy số đông để biểu quyết giơ tay là chính. Điều đó chẳng khác nào thông qua đề tài nghiên cứu khoa học mà đưa ra Quốc hội trong khi Quốc hội có nhiệm vụ thông qua những vấn đề đại sự. Mặt khác, PGS.TS Lê Hữu Lập cũng đề xuất sau kỳ thi tuyển sinh “3 chung” xong, bộ nên công bố công khai thông tin điểm xét tuyển đầu vào của từng ngành, từng trường, theo một số mức điểm và kèm theo số lượng tuyển được theo mức điểm đó. Lúc ấy, xã hội sẽ biết đầu vào của từng ngành, từng khối, từng trường ra sao.
Nghiêm Huê