Thứ năm, 17/4/2014, 22h04

Vỡ cơ cấu nhân lực, do đâu?

Đầu tư quá nhiều cho ĐH, CĐ bỏ lỡ học nghề dẫn đến phá vỡ cơ cấu nhân lực như hiện nay. Ảnh: A.K

Theo thống kê cả nước hiện có 72.000 cử nhân thất nghiệp và con số ấy đang đứng trước tình trạng ngày càng tăng cao hơn do mỗi năm số sinh viên (SV) tốt nghiệp ĐH ra trường càng nhiều. Thế nhưng có một nghịch lý rằng, ai cũng muốn được học ĐH mà hiếm người chịu đi học nghề để có việc làm ổn định. Đó là tình trạng bất cập khó tìm lời giải thỏa đáng trong công tác phân luồng học nghề sau trung học…
Đó là khẳng định của TS. Nguyễn Đắc Hưng - Vụ trưởng Vụ Giáo dục đào tạo, Dạy nghề, Ban Tuyên giáo Trung ương. Theo ông Hưng, hiện chủ trương phân luồng cho học sinh (HS) sau THCS chưa thực hiện được, công tác tư vấn hướng nghiệp cho thanh thiếu niên còn kém, tâm lý chạy theo bằng cấp còn nặng nề dẫn đến tình trạng mở quá nhiều trường ĐH thu hút HS. 
Năng suất lao động quá thấp
Tính đến cuối năm 2010, cả nước có 123 trường CĐ nghề, 303 trường TC nghề; 228 trường TCCN; 86 trường ĐH đào tạo TCCN và 34 cơ sở khác đào tạo TCCN. Tỷ lệ HS tốt nghiệp THCS và THPT vào học nghề năm 2006 chiếm 9,3%. Năm 2011, tỷ lệ vào TCCN chiếm 16,1%. Kết quả khảo sát phân luồng HS sau THPT của Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam năm 2011, cho thấy có tới 97,7% trong tổng số 1.737 HS của 20 trường THPT thuộc 10 tỉnh thành đại diện 3 vùng Bắc - Trung - Nam trả lời sẽ thi vào ĐH sau khi tốt nghiệp THPT. Như vậy xu hướng vào ĐH vẫn rất cao. Theo Trung tâm Hỗ trợ đào tạo và cung ứng nhân lực (Bộ GD-ĐT), hậu quả của sự phân luồng không hợp lý là từ mất cân đối về cơ cấu tuyển sinh, cơ cấu đào tạo và số lượng cơ sở đào tạo. Vì vậy, tỷ lệ lao động được đào tạo nghề và TCCN đã giảm từ 5,3% (2007) xuống còn 3,5% (năm 2010). Trong khi đó tỷ lệ lao động có trình độ ĐH tăng từ 4,9% (2007) lên 6,1% (2011)…
Riêng TP.Đà Nẵng, có 5 trường TCCN tư thục, 3 trường TCCN thuộc bộ, ngành và 13 trường ĐH, CĐ có đào tạo hệ TCCN đang hoạt động, với gần 15.000 HS. Mỗi năm có 7.000 HS ra trường. Ngoài ra Đà Nẵng có hơn 30 trường ĐH, CĐ công lập, tư thục mỗi năm tuyển khoảng 50.000 SV… Những con số khô khan này là minh chứng cụ thể nhất cho tình trạng thiếu thợ thừa thầy hiện nay trong cơ cấu lao động. Theo Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Nguyễn Ngọc Phi, tình trạng lãng phí của cải vật chất trong quá trình đào tạo rất lớn. Tuy nhiên sự lãng phí về nguồn nhân lực còn lớn hơn khi mà người lao động tiếp tục phải đi học nghề để tìm việc làm, làm việc trái nghề và công sức sau cả quãng thời gian dài 4 năm học ĐH đành bỏ phí. Bên cạnh đó, năng suất lao động Việt Nam quá thấp so với các nước. Đơn cử như thấp hơn 36 lần so với Thái Lan và 132 lần so với Nhật Bản… Mặc dù, tính đến năng suất lao động phải phụ thuộc nhiều yếu tố nhưng ở Việt Nam, năng suất lao động liên quan chủ yếu đến chất lượng đào tạo nguồn nhân lực.
TS. Nguyễn Đắc Hưng cũng cho rằng, cơ cấu nguồn nhân lực hiện đã vỡ. Chính bất cập trong phân luồng đã làm cơ cấu nhân lực không đáp ứng được yêu cầu phát triển của nền kinh tế. Vì vậy, tốc độ tăng trưởng của chúng ta đang chậm dần, tụt hậu so với khu vực và trên thế giới. Nguyên nhân rõ nhất là thiếu chính sách đối với HS học nghề nên khó thu hút các em vào học. Hệ thống giáo dục cứng nhắc, chương trình đào tạo TC và CĐ đều khó liên thông…
“Bó tay” với phân luồng?
Theo số liệu của Viện Nghiên cứu khoa học dạy nghề, hiện mỗi năm nước ta có khoảng hơn 1,2 triệu HS tốt nghiệp THCS nhưng có đến 90-95% HS tốt nghiệp THCS vào học THPT. Con số học nghề chỉ 5-10%. Bên cạnh đó, gần 1 triệu HS tốt nghiệp THPT mỗi năm thì khoảng hơn 80% tham gia thi ĐH, CĐ, TCCN, chỉ 10% học nghề; còn lại là tham gia thị trường lao động hoặc ở nhà chờ thi tiếp. Với con số ấy đặt ra yêu cầu phân luồng một cách cấp bách hơn bao giờ hết.
Ông Phạm Ngọc Thanh, Phó giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM đề xuất, cần phải phát triển hệ thống giáo dục nghề nghiệp với quy mô rộng khắp hơn hệ thống ĐH và CĐ. Nâng cao vị thế người lao động có trình độ TC trong xã hội cũng như cần có giải pháp tư vấn hướng nghiệp cho HS xác định nghề nghiệp phù hợp với bản thân. Cụ thể là cần có bộ phận chuyên công tác hướng nghiệp bao gồm chuyên gia tâm lý, về xã hội học, giáo dục, sức khỏe; phải có sự gắn kết thông tin giữa gia đình, nhà trường, tổ chức Đoàn hội, trung tâm dự báo nguồn nhân lực…
Về vấn đề này, ông Phan Tiềm, Hiệu trưởng Trường CĐ Nghề Chu Lai - Trường Hải, cho rằng cần thực hiện một cách nghiêm túc tỷ lệ chỉ tiêu tuyển sinh hàng năm vào các trường THPT cũng như ĐH. Ví dụ nếu muốn 30% HS học xong bậc THCS vào học trường nghề thì chỉ tiêu tuyển của các trường THPT trên địa bàn tỉnh, thành phố chỉ nên nhận 70%. Nếu muốn khoảng 50% HS sau tốt nghiệp THPT vào học nghề thì chỉ tiêu tuyển các trường ĐH chỉ nên dừng ở mức 50%...
Mổ xẻ nguyên nhân, đưa ra giải pháp đa số các nhà quản lý đều thống nhất quan điểm muốn phân luồng hiệu quả thì Bộ LĐ-TB&XH và Bộ GD-ĐT phải tham mưu cho Chính phủ về chính sách phân luồng cụ thể. “Để thực hiện tốt công tác phân luồng trong thời gian tới cần phải có sự kết hợp đồng bộ giữa các ngành trong đó ngành giáo dục và LĐ-TB&XH; đổi mới chính sách, cơ chế để hỗ trợ kinh phí đào tạo nghề theo hướng Nhà nước cấp trực tiếp cho người học nghề nhằm tránh tình trạng cấp ngân sách cho những cơ sở đào tạo không đảm bảo chất lượng; chính sách khuyến khích các cơ sở sản xuất, kinh doanh sử dụng lao động là công nhân được đào tạo sau THCS”, TS. Nguyễn Đắc Hưng nhấn mạnh.
Phan Vĩnh Yên