Chủ nhật, 6/7/2014, 17h07

1.500 thí sinh rời “cuộc chơi”

TS thuộc Hội đồng thi Trường ĐH Quốc tế (TP.HCM) xem bài giải môn toán trên Báo Giáo dục TP.HCM sau giờ thi ngày 5-7.  Ảnh: M.Tâm
Có 73 thí sinh (TS) bị kỷ luật và 2 giám thị bị khiển trách do gạch nhầm tên TS trong đợt thi đầu. Bên cạnh lỗi “cố hữu” là mang điện thoại di động (ĐTDĐ) vào phòng thi, TS năm nay còn viết tài liệu lên tay, mang vào phòng thi bảng tuần hoàn nguyên tố hóa học…
Theo thống kê của Bộ GD-ĐT, toàn đợt 1 cả nước có trên 591.400 TS dự thi (đạt khoảng 77%). Khoảng 1.500 TS bỏ thi môn cuối.
Nhiều TS bị cấp cứu
Đợt thi đầu tiên kết thúc với đánh giá của Bộ GD-ĐT là an toàn, nghiêm túc, đề vừa sức, phân loại cao. Dù vậy, những “chuyện buồn” cũ về TS bị đình chỉ do điện thoại từ các năm trước đến nay vẫn tiếp tục lặp lại. Đáng nói, một bộ phận TS vẫn còn “lờ” quy chế, cố tình mang vào phòng thi bảng tuần hoàn nguyên tố hóa học, chép công thức, tài liệu trên tay… Cụ thể, Trường ĐH Giao thông vận tải TP.HCM đình chỉ 1 TS vì nhìn bài của bạn. TS bị kỷ luật vì mang bảng tuần hoàn nguyên tố hóa học vào phòng thi thuộc Hội đồng thi Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM. Trường ĐH Khoa học Tự nhiên TP.HCM kỷ luật TS mang tài liệu vào phòng thi, chép công thức lên tay để sử dụng. Chưa kể, cả nước còn có đến 7 trường hợp TS mất quyền dự thi do đi trễ.
Năm nay, 2 cán bộ coi thi Trường ĐH Bách khoa TP.HCM bị khiển trách vì lỗi đáng tiếc, gạch nhầm tên của TS có mặt dự thi. So với các mùa thi trước, đợt thi này có ít số lượng cán bộ coi thi vi phạm.
Dù thời tiết các buổi thi khá thuận lợi, mưa chỉ xuất hiện sau thời gian TS hoàn thành bài làm. Tuy nhiên, trên cả nước xuất hiện nhiều trường hợp TS bất ngờ đổ bệnh. Điển hình, Trường ĐH Ngân hàng TP.HCM trong ngày đầu tiên, 1 TS ngất xỉu ngay tại phòng thi dù chưa đến giờ phát đề. Sau khi được bộ phận y tế sơ cứu, chăm sóc, em này đã được cách ly tại phòng thi riêng và tính bù giờ để hoàn thành môn thi. Cũng bất ngờ bị trúng gió vào thời điểm sau 2/3 thời gian làm bài, một TS khác ở Trường ĐH Phú Yên đã được lực lượng công an hộ tống đi cấp cứu. Em này cũng đã kịp hoàn thành và nộp bài thi trước khi được chuyển đến bệnh viện. Trường ĐH Nông lâm TP.HCM cũng có 1 TS (điểm thi THCS Phước Bình) bị cấp cứu do trong quá trình thi đã bị ói, xuất huyết.
Khu vực TP.HCM, mặc dù các điểm thi tại trường tiểu học giảm hẳn nhưng cá biệt tại một số hội đồng thi, TS vẫn thi trong điều kiện chật chội, có tiếng ồn. Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM có khoảng 20 phòng được ngăn nhỏ bằng màn trắng. Dù vẫn đảm bảo số lượng 39 TS/phòng và đúng khoảng cách giữa các em tuy nhiên do cách âm chưa tốt nên tiếng động của phòng này vẫn bị lẫn sang phòng kia. Ông Hà Hữu Phúc (Giám đốc Cơ quan đại diện Bộ GD-ĐT tại TP.HCM) cũng cho biết, Hội đồng thi Trường ĐH Tôn Đức Thắng có vài phòng thi chịu ảnh hưởng tiếng ồn từ công trình xây dựng sát đó. Để hạn chế tiếng ồn, trường đóng tất cả cửa nhưng TS lại… mồ hôi nhễ nhại vì nóng. Ở những môn thi tiếp theo, công trình này đã được chỉ đạo tạm ngưng hoạt động. Được biết, cũng tại hội đồng thi này, có một số phòng thi chỉ 32 đến 33 TS nhưng vẫn rất chật chội, không đảm bảo đúng khoảng cách. Theo lý giải của nhà trường, do lượng TS đăng ký dự thi vượt dự kiến khiến trường không kịp thuê mướn, bố trí thêm địa điểm.
Đà Nẵng: Nhiều “sự cố” trong đợt thi thứ nhất

Thí sinh tại Hội đồng thi Trường ĐH Luật TP.HCM rời phòng thi ngày 4-7. Ảnh: Lộc Sâm
Báo cáo nhanh của ĐH Đà Nẵng cho biết, trong buổi thi đầu tiên, đã có 1 TS bị đình chỉ thi do mang ĐTDĐ vào phòng thi. Cũng trong buổi sáng này (4-7), vào lúc 7 giờ 30, tại Hội đồng thi Trường ĐH Kiến trúc Đà Nẵng, TS Lê Thị Thùy Trang (sinh năm 1996), trú tại Thừa Thiên - Huế đã ngất xỉu khi vừa vào đến phòng thi, phải đưa đi cấp cứu. Bác sĩ Phạm Đình Minh, Khoa Cấp cứu - Hồi sức Bệnh viện Tâm Trí Đà Nẵng cho biết, Trang bị chứng hạ canxi và rối loạn tâm lý nhẹ do căng thẳng trước giờ thi. Sau khi cấp cứu, tình trạng sức khỏe của Trang đã ổn định, và có nguyện vọng xin được quay trở lại hội đồng thi để làm bài. Nguyện vọng của em đã được hội đồng thi chấp nhận.
Không may mắn như Trang, TS Nguyễn Anh Dũng, dự thi tại Hội đồng thi Trường ĐH Đông Á đã không thể dự thi ngay buổi đầu tiên vì đến muộn so với giờ quy định. Đến 7 giờ 20 sáng, Dũng mới có mặt tại trường thi do bị thủng lốp xe máy.
Tại buổi thi môn vật lý, Đà Nẵng có 114 TS bỏ thi. Ở buổi thi môn hóa và ngoại ngữ vào sáng 5-7, có thêm 53 TS tiếp tục rời bỏ “cuộc chơi”.
Về đề thi, ở môn toán chung cho khối A và A1, nhiều TS cho rằng đề hay, không khó hơn mấy so với kỳ thi năm trước nhưng khó đạt điểm cao tuyệt đối. TS Lưu Đức Khôi, ở Hội đồng thi Trường CĐ Công nghệ cho biết: “So với đề năm ngoái, năm nay có khó hơn. Đề thi mang tính phân hóa cao. Sự thay đổi cấu trúc đề thi là một điểm khá bất ngờ cho những bạn dự thi năm 2, năm 3 vì ngay ở các trung tâm luyện thi, khi làm đề thi thử vẫn có phần căn bản và nâng cao”.
Đối với đề thi môn lý, hóa, ngoại ngữ nhiều TS đều cho rằng đề năm nay khó hơn so với năm trước. TS Lê Văn Trí, dự thi tại Hội đồng thi THCS Kim Đồng (Hải Châu) cho biết: “Đề thi năm nay khó hơn năm ngoái. Nhất là phần điện xoay chiều. Ngoài ra đề thi có câu tính tần số của các nốt nhạc Do, Re, Mi, Sol… là khó nhất. Câu hỏi này em chưa hề học trên lớp, trong quá trình ôn tập cũng không thấy xuất hiện, nó chỉ là một phần nhỏ in nghiêng trong SGK, nên ít bạn để ý”. Nhận xét môn ngoại ngữ (khối A1), TS Trần Thúy An, tại Hội đồng thi Trần Phú cho biết: “Năm nay em thi lại năm 2, đề khó hơn năm ngoái. Phần đọc hiểu dài và nhiều từ mới. Đề thi có 80 câu, trắc nghiệm. Nhiều câu em cứ nhắm mắt đánh lô tô”…
Cần Thơ: Lên phương án chặn ĐTDĐ vào phòng thi
Điểm nổi bật trong đợt thi này là đa số TS cụm thi Cần Thơ nhận định đề vừa sức, có nhiều câu dễ hơn đề thi khối A và A1 năm vừa qua. Nhiều em lạc quan cho biết: Rất hy vọng đạt tổng điểm 3 môn cao.
TS Phan Trúc Nhã, quê ở tỉnh Cà Mau, Hội đồng thi THCS Lương Thế Vinh, thi vào ĐH Cần Thơ, phân tích: “Môn toán em làm được hơn 60%. Môn lý và hóa làm được khoảng 50%. Trong phòng thi cũng có nhiều bạn không làm được bài và bỏ về sớm, nhất là môn toán. Theo em, nếu nắm vững kiến thức cơ bản, ôn luyện kỹ, làm nhiều bài tập thì chỉ cần làm tốt phần câu hỏi lý thuyết, TS cũng dễ đạt điểm 5 cho các môn thi vì bên cạnh những câu hỏi khó mang tính phân loại cao, thì cũng có nhiều câu rất dễ, dạng thuộc bài là làm được”… Đề thi môn Anh văn cũng được nhiều TS cho là vừa sức. TS Nguyền Thị Thu Phương, quê tỉnh Bạc Liêu, thi tại Hội đồng thi ĐH Cần Thơ, cho biết: “Nội dung đề nằm trong chương trình lớp 11 và 12.  Phần đọc hiểu dễ hơn đề năm vừa rồi. Chỉ khó ở phần yêu cầu viết một đoạn văn. Theo em, đạt điểm cao thì rất khó”.
Trong buổi thi môn hóa, tại điểm thi THCS Lương Thế Vinh, bắt đầu làm bài được vài phút, 1 TS nữ bị xỉu do hạ canxi. Em được đưa vào phòng y tế chăm sóc. Cán bộ y tế cho em uống canxi, sau 5 phút thì tỉnh dậy, trở lên phòng thi tiếp tục làm bài…
Kết thúc đợt 1, cụm Cần Thơ có 5 trường hợp bị đình chỉ thi do mang ĐTDĐ vào phòng thi. 2 trường hợp bị cảnh cáo do trao đổi bài. PGS.TS Hà Thanh Toàn, Chủ tịch Hội đồng coi thi liên trường cụm thi Cần Thơ, cho biết: “Đợt 2 tuyển sinh, chúng tôi sẽ lưu ý chủ tịch các điểm thi đẩy mạnh hơn nữa việc nhắc TS không mang điện thoại vào phòng thi. Trước khi phát đề, các giám thị sẽ nhắc thêm lần nữa, để không xảy ra trường hợp TS bị đình chỉ thi chỉ vì lơ đãng mang theo điện thoại trong người”.
M.Tâm - V.Yên - Đ.Phượng
 
Đề thi theo hướng kiểm tra năng lực
Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga khẳng định đề thi năm nay định hướng kiểm tra năng lực, không kiểm tra theo kiểu HS nhớ được gì. Đề thi kiểm tra kiến thức như trước đây là chủ yếu đánh giá mức độ học thuộc lòng ở các môn. Còn kiểm tra năng lực là từ kiến thức kiểm tra khả năng vận dụng vào thực tiễn. Đề thi năm nay theo hướng tiếp cận mới hơn. Nhưng đây là năm đầu cho nên không thể thay đổi hoàn toàn ngay lập tức.
Cũng theo Thứ trưởng Bùi Văn Ga, theo quy chế thi, đề thi có thể ra phần tự chọn hoặc không chứ không bắt buộc ra phần tự chọn như những năm trước. Vì vậy tùy theo hội đồng ra đề có thể ra phần tự chọn hoặc không, tùy theo môn. Môn ngoại ngữ chỉ có thi trắc nghiệm chưa có phần viết luận do chưa bảo đảm các điều kiện để thay đổi, nhất là đối với HS. Đề thi theo định hướng kiểm tra năng lực sẽ tiếp tục thực hiện những năm tiếp theo.
N.Huê
 
Môn toán: Dễ có điểm trung bình, khó có điểm cao
(Thầy Nguyễn Hùng Khương, Phó hiệu trưởng Trường THPT Bùi Thị Xuân, TP.HCM)
Đề thi ĐH, CĐ môn toán khối A, A1 năm nay có nội dung sát chương trình phổ thông. Cấu trúc đề thi năm nay đã thay đổi so với năm trước, đề thi không có phần tự chọn, do đó TS không có sự lựa chọn. Điều này sẽ đảm bảo sự cạnh tranh công bằng cho tất cả TS tham gia kỳ thi. Có nhiều câu TS sẽ dễ dàng lấy điểm nếu như nắm vững kiến thức cơ bản và luyện tập nhiều như câu 1 (là dạng toán quen thuộc), câu 4a (dạng số phức, là câu vốn được nhiều TS mong đợi), 4b (chỉ cần xem lại lý thuyết SGK phần xác suất là làm được), câu 5. Câu tính diện tích hình phẳng mọi năm được thay thế bằng bài tích phân (câu 3). Phần tích phân này dễ giải, tuy nhiên TS phải lý luận để bỏ dấu giá trị tuyệt đối. Một số câu gần như “tặng điểm” cho TS như câu 2, câu 6 (ý 1), chỉ cần nắm vững kiến thức cơ bản là TS có thể giải quyết được không quá 5 phút. Riêng câu 6 ý thứ 2 cũng là dạng bài quen thuộc, có thể tính thông qua thể tích hoặc tính qua trung gian khoảng cách từ chân đường vuông góc.
Ngoài những câu mang nội dung cơ bản, bắt đầu từ câu 7 trở đi, TS phải đối mặt với những câu khó hơn mang tính phân loại năng lực, đòi hỏi TS phải có kiến thức vững vàng, tư duy và sự kiên nhẫn. Câu 9 là câu khó nhất đề thi. Để giải được bài này, TS phải có tư chất thông minh và làm nhiều bài tập dạng này. Tuy nhiên, thực tế có rất ít TS tiếp cận được đến bài này. Nhìn chung đề thi năm nay TS dễ lấy điểm 5, 6 hơn đề năm trước, nhưng rất khó đạt được điểm cao.
Môn lý: 80% nằm trong SGK
(ThS. Đào Kim Nguyễn Thụy Nam - Trường THPT Nhân Việt)
Nhìn chung đề thi ĐH, CĐ môn vật lý năm nay dễ hơn so với năm 2013. Đa phần kiến thức đề thi nằm trong chương trình cơ bản, trong đó 80% nằm trong SGK, 20% còn lại lạ, hay và có tính phân loại TS cao. Đề không có phần tự chọn cho nên nhiều TS có thể bất ngờ ở những phút đầu. Phần lý thuyết dễ vì hầu hết nằm trong SGK. Phần dòng điện xoay chiều có 2 câu khó, đòi hỏi TS phải biết tư duy và vận dụng tốt. Câu sóng âm gây bất ngờ vì đòi hỏi TS phải nắm vững áp dụng của sóng âm trong thực tế cuộc sống. Với đề thi này, TS có thể dễ đạt điểm 5, 6. Tuy nhiên, những câu khó đòi hỏi TS phải có tư duy tốt mới hoàn thành đề thi và đạt được điểm cao.
Môn hóa: Khó đạt điểm trung bình
(Trần Đình Độ - Phó hiệu trưởng Trường THPT Thành Nhân)
Đề thi môn hóa năm nay hay và ngắn hơn đề thi mọi năm. Riêng phần lý thuyết có 22 câu nhưng chỉ 2 câu dễ, những câu còn lại không dành cho TS “học thuộc” bài mà đòi hỏi phải có kỹ năng tư duy. Phần bài tập số câu dễ cũng rất ít, đòi hỏi TS phải có tư duy và khả năng tính toán nhanh. Đề thi năm nay có 1 câu sử dụng hình ảnh minh họa phản ứng và 1 câu dùng đồ thị, chỉ những TS nắm vững được tính chất vật lý trong hình vẽ mới biết được phản ứng điều chế khí gì. Có những câu hỏi không còn rập khuôn như trước đây như câu 6 (mã đề 426), đề không đòi hỏi đáp án chính xác mà hỏi đáp án gần đúng; câu 20 (mã đề 426) khí thu được là hỗn hợp khí chứ không phải 1 loại như mọi năm.
Tóm lại, đề thi hóa năm nay tương đối khó, TS trung bình phải gắng sức lắm mới đạt 5-6 điểm, TS khá đạt điểm 7-8 cũng rất khó khăn, dự đoán điểm 10 năm nay cũng rất hiếm.
Ngoại ngữ: 50% câu nằm trong SGK
(Thầy Phạm Xuân Hùng, Trường THPT Anhxtanh, Hà Nội)
50% câu hỏi trong đề hoàn toàn nằm trong SGK, TS dễ dàng được khoảng 6 điểm. Đề bắt đầu khó từ câu 46 khi bài tập không chỉ yêu cầu ngữ pháp mà còn có vốn từ vựng phong phú. Bài tập đọc hiểu là phần hay vì yêu cầu cao về kỹ năng đọc. TS phải biết tổng hợp và phân tích thông tin chứ không đơn thuần là dịch nghĩa. Nhiều câu yêu cầu nhiều về cách diễn đạt theo các cấu trúc khác nhau.

Bên lề

Sĩ tử tí hon và “người khổng lồ”

Vừa ra đến cổng Hội đồng thi Trường ĐH Công nghệ TP.HCM (cơ sở Ung Văn Khiêm), nhiều phụ huynh ngạc nhiên trước hình ảnh một TS cao chỉ bằng HS lớp 3. Đó là TS Nguyễn Trung Hiếu, quê ở Hải Dương, thi khối A vào Khoa Công nghệ thông tin của trường này. Được biết Hiếu chỉ cao 1,28m, chiều cao này là do bẩm sinh chứ Hiếu không hề mắc căn bệnh nào. Hiếu vui vẻ cho biết: “Công nghệ thông tin là ngành yêu thích của em ngay từ nhỏ. Sở dĩ em chọn TP.HCM để thi ĐH trong khi ở miền Bắc cũng có rất nhiều trường đào tạo ngành này bởi đây là TP lớn nhất cả nước, chắc chắn em sẽ có nhiều điều kiện để phát triển tại đây”.

“Người khổng lồ” Đoàn Nhựt Nam cùng mẹ đi thi

Trong khi Nguyễn Trung Hiếu được xếp vào tốp những TS tí hon thì ở Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM lại có một TS cao đến 2m. Đó là TS Đoàn Nhựt Nam, quê ở huyện Gò Công Đông, tỉnh Tiền Giang. Nam bị bệnh tuyến yên, đã mổ hai lần nhưng vẫn chưa khỏi bệnh và người em cứ cao dần. Nam cùng mẹ khăn gói lên Sài Gòn ở trọ từ ngày 2-7. 

Sĩ tử tí hon Nguyễn Trung Hiếu được một SV tình nguyện dẫn sang đường

 

TS tự nhận mình là… giáo sư

TS P.T.V (tại điểm thi Trường THPT Lương Văn Can, Q.8, TP.HCM) có biểu hiện bệnh tâm thần. Trong giấy thi, thay vì điền môn toán vào ô môn thi thì em này lại ghi: “Biết gì thi nấy”. Đồng thời, thay vì điền tên mình, TS này ghi thành: “Giáo sư Lương Văn Can”. Phát hiện TS điền sai thông tin, giám thị cho đổi giấy mới và động viên em làm bài nhưng 30 phút sau đó V. ôm giấy bỏ chạy. Lực lượng an ninh đã giữ TS này lại khu vực thi cho đến hết giờ làm bài thì giao lại cho gia đình.

 

Đi thi chỉ với 40 ngàn đồng

TS Trần Đức Hải (Bình Thuận) sau ngày làm thủ tục dự thi vào Trường ĐH Nguyễn Huệ (Đồng Nai) chỉ còn vỏn vẹn 40 ngàn đồng. Sợ không đủ chi phí cho các buổi thi còn lại nên em tính bỏ thi về quê. Hội đồng tuyển sinh này đã kịp thời động viên, hỗ trợ toàn bộ chi phí ăn ở trong những ngày thi và trao tặng cho em 900 ngàn đồng để chi phí vé xe lượt về.