Thứ sáu, 19/12/2014, 09h12

Cần cấu trúc lại chương trình GDMN mới

Các cháu Trường MN Cửu Long (Lương Sơn, Hòa Bình) trong giờ học chương trình mầm non mới
Sáng 17-12, tại Hà Nội, Bộ GD-ĐT đã tổ chức Hội thảo đánh giá việc thực hiện và định hướng điều chỉnh chuẩn phát triển trẻ 5 tuổi và chương trình giáo dục mầm non (GDMN).
Kết quả như mong đợi
Chương trình GDMN mới và chuẩn phát triển trẻ 5 tuổi được coi là một thành công lớn của ngành giáo dục khi “kéo” được sự đầu tư của Nhà nước về cơ sở vật chất, đội ngũ nhà giáo đối với bậc học đầu tiên. Bà Nguyễn Thị Mỹ Trinh, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu phát triển GDMN, Viện Khoa học giáo dục, Bộ GD-ĐT, cho biết theo báo cáo của 14 tỉnh, thành phố cho thấy nguồn ngân sách Nhà nước là nguồn đầu tư cơ bản cho thực hiện chương trình GDMN mới, chiếm tỷ lệ từ 60% đến 97,5% ngân sách. Tính đến năm học 2013-2014, một số tỉnh có nguồn ngân sách Nhà nước đầu tư chiếm trên 80% như TP.Hà Nội, TP.HCM, Hải Dương, Nam Định. Nguồn ngân sách Nhà nước sử dụng cao nhất là ở Sóc Trăng với 97% và thấp nhất là Bến Tre 30,7%. Bên cạnh sự đầu tư của Nhà nước, trong quá trình triển khai chương trình GDMN, các cơ sở đã nhận được sự quan tâm, ủng hộ tích cực, sự tham gia đóng góp kinh phí của phụ huynh để mua sắm sách vở, đồ dùng học tập, đồ dùng cá nhân cho trẻ. Sau 5 năm thực hiện, tỷ lệ trẻ học 2 buổi/ngày và trẻ học bán trú tăng lên rõ rệt. Lâm Đồng không phải là một tỉnh phát triển về kinh tế nhưng tỷ lệ trẻ được học 2 buổi/ngày của tỉnh đạt 97,88%. Trẻ 5 tuổi được đến lớp ở các tỉnh thành đều đạt tỷ lệ rất cao. Có những tỉnh đạt trên 99% như Hải Phòng đạt 99,3%. Theo bà Trinh, khi thực hiện chương trình GDMN mới và bộ chuẩn phát triển trẻ 5 tuổi, các địa phương đều có thuận lợi đó là chính sách chuyển đổi loại hình trường mầm non bán công sang công lập; quy hoạch gọn các điểm trường mầm non; đầu tư cơ sở vật chất; đảm bảo chế độ chính sách cho giáo viên, cho trẻ. 100% giáo viên được bồi dưỡng, tập huấn về chương trình GDMN mới từ cấp sở.
Bên cạnh thuận lợi cũng còn khó khăn. Đó là hầu hết các tỉnh đều gặp khó khăn về điều kiện cơ sở vật chất trường, lớp vẫn còn thiếu so với nhu cầu, ở các thành phố lớn gặp khó khăn do số trẻ quá đông, thiếu giáo viên. Nhiều nơi còn học nhờ, học tạm; phòng học nhỏ, chật chội, ảnh hưởng đến việc tổ chức dạy 2 buổi/ngày cũng như việc trang trí, bảo quản đồ dùng, đồ chơi. Một số trường chưa đủ điều kiện tổ chức bán trú cho trẻ như ở Khánh Hòa, Ninh Thuận, Nghệ An. Một số trang thiết bị dạy học chưa đồng bộ, thiếu, chưa đáp ứng với yêu cầu đổi mới.
Cần cấu trúc lại chương trình hợp lý hơn

Chương trình giáo dục mầm non mới sau 5 năm triển khai đạt được những tín hiệu tích cực tuy nhiên vẫn còn một số điểm bất cập. Trong ảnh: Giờ vui chơi của các bé Trường Mầm non 19-5 (TP.HCM). Ảnh: N.Trinh

Là những người trực tiếp đứng lớp hàng ngày, các giáo viên mầm non khi thực hiện chương trình GDMN sau 5 năm cũng thấy cần có nhiều thay đổi. Theo bà Trinh, ý kiến của đa số giáo viên cho rằng Bộ GD-ĐT, các sở GD-ĐT tiếp tục tổ chức các đợt tập huấn, hội thảo về chuyên môn. Giáo viên của tỉnh Khánh Hòa đề xuất cần cung cấp đa dạng các tài liệu  tham khảo về cách chơi trò chơi, truyện kể, bài hát… các học liệu, phương tiện hoạt động của trẻ phù hợp với độ tuổi, vùng miền, phù hợp với các chủ đề giúp giáo viên có cơ hội lựa chọn trong các hoạt động giảng dạy của mình.
Về phía các cơ sở đào tạo giáo viên mầm non, Trường CĐ Sư phạm Trung ương cho rằng cần cấu trúc lại chương trình thành 5 phần rõ ràng hơn, khoa học hơn. Phần các hoạt động giáo dục, hình thức tổ chức và phương pháp giáo dục nên đưa vào phần hướng dẫn thực hiện. Còn ý kiến của ĐH Vinh, CĐ Sư phạm Trung ương Nha Trang đưa ra đề xuất nội dung cho trẻ làm quen với chữ cái qua hoạt động đồ chữ và tô chữ là cần thiết, tạo sự thống nhất với chỉ số trong bộ chuẩn phát triển trẻ em 5 tuổi, đồng thời cũng thống nhất trong việc trang bị cho sinh viên kỹ năng hướng dẫn trẻ hành vi “tô, viết” chữ cái tiếng mẹ đẻ…
Ông Nguyễn Bá Minh, Vụ trưởng Vụ GDMN, Bộ GD-ĐT cho rằng chương trình GDMN mới có nhiều ưu việt. Tuy nhiên, để thực hiện được chương trình này thì đòi hỏi con người, cơ sở vật chất cũng như những điều kiện khác để đáp ứng được yêu cầu. Trong thời gian qua, khi triển khai thực hiện chương trình GDMN, ngành giáo dục gặp không ít khó khăn, về tài liệu hướng dẫn, cơ sở vật chất, đặc biệt là đội ngũ cán bộ quản lý và giáo viên. Sau 5 năm thực hiện, chương trình GDMN và bộ chuẩn phát triển trẻ em 5 tuổi được đánh giá cao. Tuy nhiên trong quá trình thực hiện, giáo viên cũng như cán bộ quản lý gặp một số khó khăn. Chương trình có tốt đến mấy thì đến một lúc nào đấy cũng phải rà soát chỉnh sửa cho phù hợp với điều kiện thực tiễn. Chương trình xây dựng mặc dù rất công phu nhưng không tránh khỏi lỗi về mặt kỹ thuật, những đóng góp ý kiến rất quý báu. Vụ GDMN sẽ tiếp thu ý kiến, tiếp tục lấy ý kiến của các đồng chí, chuyên gia để trong thời gian tới, sẽ chỉnh sửa, bổ sung hoàn thiện cũng như làm thế nào để có bộ chương trình tốt để nâng cao chất lượng chăm sóc và giáo dục học sinh.
Bài, ảnh: Nghiêm Huê