Thứ hai, 8/4/2013, 10h04

Đề nghị xây dựng Luật Về phòng, chống lạm dụng rượu, bia

Đó là đề nghị được đưa ra tại Hội thảo nghị sĩ các nước Campuchia, Lào, Thái Lan và Việt Nam về chính sách, pháp luật phòng, chống lạm dụng rượu, bia được Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội phối hợp với Tổ chức quốc tế khuyến khích không sử dụng rượu (IOGT) tổ chức trong hai ngày 6 và 7-4 tại Hà Nội.

Thống nhất nhận định rằng, lợi ích kinh tế trước mắt của ngành sản xuất rượu, bia dù lớn nhưng không thể bù đắp được cho các chi phí mà người sử dụng, gia đình họ và xã hội phải bỏ ra để khắc phục những hậu quả do lạm dụng rượu, bia; nhiều ý kiến tán thành với việc đưa dự án Luật Phòng, chống lạm dụng rượu, bia vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII.

Các đại biểu tham dự Hội nghị cũng cho rằng, dự án Luật cần điều chỉnh đối với cả ba khâu sản xuất, lưu thông và sử dụng rượu, bia, thay vì chỉ điều chỉnh khâu lưu thông như hiện nay. Luật cần quy định cụ thể về tuổi được mua rượu, bia; trách nhiệm của người bán hàng; địa điểm bán, giờ được bán rượu, bia...

Bên cạnh đó, một số ý kiến cũng cho rằng, mức xử phạt hiện hành đối với hành vi điều khiển xe ô tô trong tình trạng dùng rượu, bia hoặc chất kích thích khác quá nồng độ hiện nay còn thấp, chưa đủ sức răn đe. Vì vậy, cần điều chỉnh Bộ luật Hình sự, Pháp lệnh Xử lý hành chính và các nghị định xử phạt hành vi vi phạm quy định về trật tự an toàn giao thông đường bộ, trật tự an toàn giao thông đô thị.

Ở Việt Nam, ngay từ năm 1954, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ban hành Sắc lệnh kiểm soát sản xuất và sử dụng rượu. Và từ đó đến nay QH đã ban hành một số luật có những nội dung quy định trực tiếp hoặc gián tiếp nhằm hạn chế sản xuất, kinh doanh, tiêu thụ và sử dụng rượu, bia; Chính phủ, các bộ, ngành cũng đã ban hành nhiều nghị định, thông tư hướng dẫn, thi hành luật. Tuy nhiên, hiện chưa có một luật riêng về vấn đề này.

ANH PHƯƠNG (SGGP)