Thứ năm, 21/8/2014, 20h08

Giải pháp khắc phục TNGT?

Buôn bán lấn chiếm vỉa hè là nguyên nhân dẫn đến người đi bộ bị TNGT
Mặc dù tình hình tai nạn giao thông (TNGT) của TP có giảm trên cả 3 lĩnh vực nhưng trung bình mỗi ngày vẫn có khoảng 12 vụ tai nạn với 11 người bị thương và 2 người chết. Đó là những con số được đưa ra tại Hội nghị sơ kết công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông (ATGT) 7 tháng đầu năm và nhiệm vụ trọng tâm 5 tháng cuối năm 2014 do UBND TP.HCM tổ chức ngày 20-8. Qua các ý kiến tại hội nghị cho thấy, nguyên nhân chính dẫn đến TNGT là do tình trạng lấn chiếm lòng lề đường khiến cho đường ngày càng nhỏ lại, xe chở quá tải...
Biến vỉa hè chung thành “nồi cơm” riêng
Mặc dù vỉa hè là nơi công cộng dành để đi bộ nhưng đang bị không ít người biến thành “của riêng”. Điều đó không chỉ tạo nên một bức tranh lộn xộn về mỹ quan đô thị mà còn gây mất trật tự ATGT. Kết quả giám sát của Ủy ban MTTQVN TP và Ban ATGT TP về công tác quản lý Nhà nước trên lĩnh vực đảm bảo ATGT những tháng đầu năm 2014 tại 6 quận (Q.1, 2, 5, 10, Phú Nhuận, Tân Bình) đã cho thấy, trung bình mỗi quận có từ 7-12 tuyến đường bị người dân lấn chiếm để kinh doanh, buôn bán.
Nói về hậu quả của tệ nạn này, đại diện Công an Q.Phú Nhuận cho biết: “Trên địa bàn Q.Phú Nhuận có nhiều tuyến đường bị người dân lấn chiếm. Chẳng hạn như tuyến đường Trường Sa, người dân kinh doanh quán nhậu nên lòng, lề bị chiếm làm bãi giữ xe. Bên cạnh đó có một số tuyến đường không có lề, hoặc đoạn có đoạn không nên người đi bộ phải đi xuống lòng đường. Hậu quả là đã xảy ra tai nạn gây chết người”. Tình trạng này cũng xảy ra trên địa bàn Q.1 và nhiều quận, huyện khác.
Tuy vậy, khi lực lượng chức năng làm nghiêm thì người dân lại phản ứng rất dữ dội. Ông Lê Trương Hải Hiếu - Phó chủ tịch UBND Q.1 - kể lại: “Trong 3 ngày từ 21 đến 23-7, lực lượng chức năng của quận tiến hành lập lại trật tự ATGT trên tuyến đường Bùi Viện. Các hộ kinh doanh ở đây đã cất hết bàn ghế và trải bạt xuống đất cho khách ngồi. Đồng thời, họ xúi khách cứ ngồi lì ở đấy. Thậm chí họ còn giăng băng rôn, khẩu hiệu đòi được buôn bán ở vỉa hè. Khi chính quyền địa phương mời lên làm việc, họ nói vỉa hè là “nồi cơm” của họ. Tại một số tuyến đường như Lê Lợi, Nguyễn Huệ do UBND TP quản lý, người dân tỏ ra bức xúc khi không thể sử dụng vỉa hè để buôn bán, để xe cho khách. Họ nói, họ có giấy phép kinh doanh, đóng thuế cho Nhà nước sao lại không được tạo điều kiện để làm ăn...”.
Trước thực trạng này, ông Nguyễn Hữu Tín - Phó chủ tịch UBND TP - nhấn mạnh: “Vấn đề trật tự lòng lề đường đã làm từ nhiều năm, tuy có chuyển biến nhưng rất chậm. Các quận, huyện phải chú ý chọn tuyến đường nào thì phải làm dứt điểm tuyến đường đó. Trong từng phường phải chọn ra một vài chỗ làm nơi giữ xe cho khách. Ở các quận trung tâm tìm những chỗ như vậy thật sự là rất khó nhưng nếu không làm thì không thể giải quyết được tình trạng này”…
Quá khổ vì… xe quá tải

Mặc dù vùng ven và ngoại thành đường sá đã được đầu tư mở rộng nhưng TNGT ở những quận huyện này vẫn xảy ra nhiều. Ảnh: Q.Huy
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và UBND TP về tăng cường kiểm tra, xử lý xe quá tải trên đường bộ, từ 1-4 đến nay, lực lượng liên ngành (Sở GTVT và Công an TP) đã kiểm tra, xử lý 10.322 trường hợp vi phạm. Đồng thời, tước quyền sử dụng giấy phép lái xe có thời hạn của 5.262 trường hợp. Riêng hoạt động của các trạm, chốt cân, từ ngày 15-4 đến nay, lực lượng liên ngành đã kiểm tra trên 15,4 ngàn lượt xe. Theo đó đã xử lý trên 2 ngàn xe vi phạm, xử phạt 1.761 chủ phương tiện và tước giấy phép lái xe của 1.866 trường hợp.
“Trong quá trình kiểm tra, xử lý xe quá tải, lực lượng chức năng gặp không ít khó khăn. Cụ thể, tại các tuyến đường kiểm tra đều có mật độ xe tham gia giao thông cao nên khi dừng xe kiểm tra dễ gây ùn tắc. Do vậy, không thể xử lý hết các xe vi phạm. Xe quá tải thường có đội dẫn đường thăm dò trước, khi phát hiện có lực lượng kiểm tra, những xe này sẽ lưu thông qua các đường nhánh hoặc nằm chờ. Một khó khăn nữa là theo chỉ đạo của TP phải thực hiện lưu động trạm, chốt cân để tạo bất ngờ đối với xe quá tải. Song điều kiện cơ sở vật chất phục vụ cho các cán bộ, chiến sĩ tác nghiệp không đảm bảo (không có chỗ vệ sinh, không có chỗ trú nắng, mưa) nên có hạn chế đến hiệu quả công việc. Ngoài ra, do chưa có bãi hạ tải nên lực lượng chức năng chưa buộc hạ tải đối với xe quá tải”, đại diện Sở GTVT TP cho biết.
“Xe quá tải không chỉ làm hư hỏng đường mà còn gây TNGT, vì vậy cần phải làm quyết liệt. Cảnh sát giao thông khi đi tuần tra trên đường thấy nghi ngờ thì yêu cầu dừng xe để kiểm tra. Nếu có điều kiện thì cho dừng xe tại chỗ, trong trường hợp không thể dừng thì yêu cầu lái xe di chuyển tới một địa điểm gần nhất để lập biên bản xử lý. Xe quá tải thì phải hạ tải, không thể để tiếp tục lưu thông được”, ông Tín chỉ đạo.
Bài, ảnh : Hòa Triều
Tính đến ngày 15-8, toàn TP xảy ra 2.882 vụ TNGT đường bộ (giảm 14,38% so với cùng kỳ năm 2013), trong đó có 452 người chết (giảm 13,08%) và 2.660 người bị thương (giảm 9,71%). Số người chết và bị thương tập trung nhiều nhất ở lứa tuổi từ 19 đến 24. Nhiệm vụ trọng tâm trong những tháng cuối năm của các cơ quan chức năng là tăng cường tuần tra kiểm soát tại các điểm đen, đường đen và giờ đen để kịp thời xử lý các trường hợp tiềm ẩn nguy cơ gây TNGT.