Thứ bảy, 7/2/2015, 22h02

Giảm nghèo nhiều, tái nghèo cũng không ít

Tạo mọi điều về vốn vay để hộ nghèo thoát nghèo bền vững. Trong ảnh người nghèo buôn gánh bán bưng tại TP.HCM
Đến cuối năm 2014, tỷ lệ hộ nghèo cả nước giảm từ 7,8% xuống còn 6%. Riêng hộ nghèo ở các huyện nghèo giảm từ 38,2% xuống còn 33,2%. Tuy nhiên, kết quả này chưa vững chắc, tỷ lệ tái nghèo còn cao... Đó là những thông tin được Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh & Xã hội (LĐ-TB&XH) Phạm Thị Hải Chuyền đưa ra tại “Hội nghị trực tuyến về kết quả thực hiện công tác giảm nghèo năm 2014 và phương hướng nhiệm vụ năm 2015” cuối tuần qua.
“Sướng”… như hộ nghèo
Năm 2014, tổng nguồn vốn để thực hiện mục tiêu giảm nghèo khoảng 34,7 ngàn tỷ đồng. Số tiền khổng lồ này được dùng để thực hiện hàng trăm chính sách hỗ trợ người nghèo. Theo đó, hộ nghèo được hỗ trợ từ tiền điện, tiền nước đến chi phí khám chữa bệnh, học phí học chữ - học nghề, nhà ở, đất sản xuất, vay vốn làm ăn…
Cụ thể, ngân sách TW bố trí hàng chục ngàn tỷ đồng trên để mua thẻ bảo hiểm y tế cho người nghèo, dân tộc thiểu số, người cận nghèo. Bên cạnh đó là bố trí trên 7 ngàntỷ đồng để thực hiện chính sách miễn giảm học phí cho học sinh nghèo, trợ cấp học bổng cho học sinh dân tộc thiểu số. Bình quân mỗi năm có trên 2 triệu lượt học sinh nghèo được miễn giảm học phí, hỗ trợ điều kiện học tập và trợ cấp tiền ăn. Đồng thời, có khoảng 60 ngàn lao động nghèo được đào tạo nghề miễn phí gắn với tạo việc làm.
Riêng với Chính sách tín dụng ưu đãi, trong năm đã có 433.192 lượt hộ nghèo được vay vốn, với số tiền 9.577.443 triệu đồng; 502.420 lượt hộ cận nghèo vay 10.544.862 triệu đồng; 61.500 lượt học sinh sinh viên có hoàn cảnh khó khăn vay 3.410 triệu đồng.
Bên cạnh các chính sách giảm nghèo nói chung, Nhà nước tiếp tục thực hiện các chính sách đặc thù trên địa bàn các huyện nghèo theo nghị quyết 30a/2008/NQ-CP của Chính phủ như Chính sách chăm sóc, giao khoán và bảo vệ rừng; Chính sách khai hoang, phục hóa, tạo ruộng bậc thang; Chính sách tăng cường hỗ trợ cán bộ khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư; Chính sách giáo dục, đào tạo, dạy nghề, nâng cao dân trí; Chính sách cán bộ đối với các huyện nghèo…
Từ những chính sách này cho thấy, hộ nghèo, người nghèo đã được chăm lo từ A tới Z. Theo đó, tỷ lệ hộ nghèo cả nước giảm khoảng 2%/năm; riêng tỷ lệ hộ nghèo ở các huyện nghèo giảm bình quân 5%/năm. Song, “ở các huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào dân tộc nhiều nơi tỷ lệ nghèo vẫn còn trên 50%, cá biệt có nơi còn trên 60-70%. Số hộ nghèo là dân tộc thiểu số chiếm gần 50% tổng số hộ nghèo trong cả nước, thu nhập bình quân của hộ dân tộc thiểu số chỉ bằng 1/6 mức thu nhập bình quân của cả nước”, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH tâm tư.
Đã đến lúc phải giảm “cho không”
Tại hội nghị, Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền đã thừa nhận: “Chính sách giảm nghèo bao trùm mọi mặt đời sống của người nghèo, dân tộc thiểu số”. Phải chăng vì vậy mà hiệu quả giảm nghèo chưa cao. Không ít hộ nghèo không muốn thoát nghèo, thậm chí đã thoát nghèo lại còn tái nghèo…
Trên thực tế, “Qua giám sát tại các địa phương, tôi thấy “công tác giảm nghèo vẫn theo kiểu 3 ra 1 vào”, tức là cứ 3 hộ thoát nghèo thì có 1 hộ tái nghèo”, ông Đỗ Mạnh Hùng - Phó chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội - kể lại.
Từ thực tế này, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu: Các bộ, ngành liên quan cần tập trung rà soát chính sách để loại bỏ những chính sách lạc hậu, không còn phù hợp và bổ sung những chính sách mới, phù hợp. Các chính sách sửa đổi, bổ sung phải hướng vào hỗ trợ hộ nghèo, hỗ trợ vùng có tỷ lệ hộ nghèo cao, nhất là vùng đồng bào dân tộc thiểu số theo 2 hướng là hỗ trợ sản xuất và hỗ trợ tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản. Về hỗ trợ sản xuất, tập trung hỗ trợ người dân trồng cây lương thực, cây công nghiệp, cây ăn quả, chăn nuôi gia súc. Đồng thời giao đất, giao rừng cho người dân gắn với phát triển và bảo vệ rừng; hỗ trợ lương thực, giống, khuyến nông, đào tạo nghề, lãi suất cho vay để người dân phát triển sản xuất. Ngoài ra còn phải hỗ trợ cho các doanh nghiệp đầu tư vào địa bàn khó khăn, qua đó tạo việc làm cho người dân sở tại. Về hỗ trợ tiếp cận các dịch vụ cơ bản, phải tăng khả năng tiếp cận các dịch vụ y tế, giáo dục, điều kiện sống cơ bản, thông tin, bảo hiểm, trợ giúp xã hội, đầu tư hạ tầng…
Xung quanh vấn đề này, bà Chuyền cho biết: “Hiện các bộ, ngành đang tiến hành sửa đổi, tích hợp chính sách giảm nghèo theo nguyên tắc: Chỉ hỗ trợ những việc người dân không có khả năng làm; Khuyến khích tính chủ động, vươn lên của người nghèo, tăng cường chính sách hỗ trợ cho vay có hoàn trả, lãi suất thấp, giảm dần các chính sách hỗ trợ cho không…”.
“Các bộ, ngành, địa phương phải quán triệt và nhận thức sâu sắc ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác giảm nghèo trong việc thực hiện mục tiêu phát triển bền vững của đất nước. Phải coi công tác giảm nghèo là nhiệm vụ chính trị trọng tâm, là một tiêu chí đánh giá hoàn thành nhiệm vụ của cấp ủy, chính quyền”, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chỉ đạo.
Bài, ảnh: Hòa Triều
TP.HCM không còn hộ nghèo theo chuẩn quốc gia. Tuy nhiên với chuẩn của TP thì đến cuối năm 2014 vẫn còn 28.400 hộ nghèo (thu nhập từ 16 triệu đồng/người/năm trở xuống) - chiếm tỷ lệ 1,45% hộ dân TP; tổng số hộ cận nghèo (thu nhập trên 16 triệu đồng đến 21 triệu đồng/người/năm) là 56.862 hộ - chiếm 2,9% tổng số hộ dân TP.