Chủ nhật, 12/10/2014, 22h10

Giáo dục chính trị tư tưởng bằng việc làm cụ thể

Các trường đã lồng ghép hoạt động ngoại khóa với giáo dục chính trị, tư tưởng cho HSSV (HS Trường TH Nguyễn Bỉnh Khiêm, Q.1 tham gia hoạt động ngoại khóa)
An ninh, trật tự xã hội ngày càng phức tạp, mặt trái của internet đã ít nhiều tác động đến nhận thức của HSSV. Còn giáo viên, tuy đồng lương có cải thiện nhưng vẫn chưa đảm bảo cuộc sống nên một bộ phận ít quan tâm đến “dạy người”…
Đây là những khó khăn được Sở GD-ĐT TP.HCM đưa ra tại Hội nghị tổng kết công tác giáo dục chính trị tư tưởng năm học 2013-2014 và triển khai nhiệm vụ năm học 2014-2015. Song, bằng những việc làm cụ thể, trong năm qua, công tác này đã đạt được kết quả tốt.
Xây dựng môi trường học tập an toàn
Trong nhận thức của các bậc phụ huynh thì trường học chính là nơi an toàn nhất cho con cái họ khi chúng bước ra khỏi nhà. Tuy nhiên, những vụ HSSV đánh lộn, thầy cô giáo dùng vũ lực với HS… đã phần nào làm cho niềm tin này của phụ huynh nói riêng và xã hội nói chung bị lung lay.
Vậy, làm sao để lấy lại niềm tin của phụ huynh và xã hội đối với nhà trường? Đó chắc chắn không phải là những lời nói suông, những câu khẩu hiệu “có cánh” được treo và dán ở xung quanh trường mà phải là những hành động, những việc làm cụ thể của đội ngũ giáo viên từng trường và của toàn ngành giáo dục.
Đơn cử như ở Q.5, với 60 trường từ mầm non đến THCS nhưng nhiều trường nằm cạnh chợ, bệnh viện, một số thì nằm trong khuôn viên nhà thờ, nằm trong khu dân cư… điều này đã ảnh hưởng không nhỏ đến công tác đảm bảo an ninh trật tự trường học. Vì vậy, việc đảm bảo an ninh trật tự và giáo dục pháp luật trong trường học luôn được Phòng GD-ĐT Q.5 đặt lên hàng đầu. Trong đó, đáng chú ý nhất là việc ký kết quy chế phối hợp giữa ngành công an và giáo dục. Theo đó, ngành công an đã tổ chức các buổi tuyên truyền về phòng ngừa tội phạm, tác hại của ma túy, Luật Giao thông đường bộ cho HS, giáo viên. Không những vậy còn thông báo cho HS về các phương thức, thủ đoạn hoạt động của các loại tội phạm như phòng chống cưỡng đoạt tài sản, phòng chống xâm hại tình dục. Công an quận và Phòng GD-ĐT cũng tăng cường kiểm tra các tiệm internet, game, karaoke gần khu vực trường học; các điểm buôn bán hàng rong trước cổng trường… Kết quả, an ninh trật tự tại các trường trên địa bàn đã được giữ vững.
Có thể nói, SV là đối tượng rất dễ bị các phần tử xấu lôi kéo, xúi giục. Do đó, nếu các trường lơ là việc giáo dục tư tưởng, đạo đức thì các em rất dễ bị sa ngã. Song, với lứa tuổi 18-20, các em cũng có chính kiến của mình nên nếu thầy cô chỉ biết áp đặt thì sẽ không có hiệu quả. Hiểu được điều này, “Ban giám hiệu Trường Trung cấp Kỹ thuật và Nghiệp vụ Nam Sài Gòn đã tổ chức những buổi trao đổi thông tin với lớp trưởng, bí thư chi đoàn các lớp mỗi tháng một lần. Qua đó nắm bắt diễn biến tâm lý của SV để có hướng giải quyết phù hợp. Ngoài ra, mỗi khoa đều có một trang mạng xã hội, một hộp thư giúp các em trao đổi, thể hiện chính kiến, tâm tư tình cảm và nguyện vọng… Kết quả, không có SV nào của trường tham gia biểu tình, đánh nhau, gây rối trật tự tại địa phương”, đại diện Ban giám hiệu nhà trường cho biết.
Gắn kết nhà trường và gia đình
Giáo dục tư tưởng cho HS để các em trở thành những công dân tốt, có ích cho xã hội, nếu chỉ nhà trường làm thì khó đạt được kết quả như mong muốn. Vì vậy, không thể thiếu sự gắn kết giữa nhà trường và gia đình.
Trong những năm học vừa qua, sở dĩ ngành GD-ĐT TP đạt được nhiều kết quả tốt đẹp, một phần không nhỏ là có sự đồng thuận, hỗ trợ của phụ huynh. Công trình “Người bạn đồng hành” của Trường Tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm, Q.1 là một điển hình. Với công trình này, “phụ huynh đã đồng hành và chia sẻ khó khăn với nhà trường trong việc chăm lo cho HS có hoàn cảnh khó khăn. Ban đại diện cha mẹ HS từng lớp phối hợp với giáo viên chủ nhiệm tìm hiểu và lập danh sách những HS có hoàn cảnh khó khăn để giúp đỡ các em về vật chất, tinh thần. Đồng thời, ban đại diện cha mẹ HS vận động tất cả phụ huynh cùng tham gia các hoạt động giáo dục của nhà trường, huy động phụ huynh có chuyên môn trong từng lĩnh vực để hỗ trợ nhà trường chăm sóc và giáo dục HS…”, cô Lê Thị Ngọc Điệp - Hiệu trưởng nhà trường - cho biết.
“Trường học “Xanh - sạch - đẹp” đã thật sự góp phần tạo ra môi trường học tập, sinh hoạt, vui chơi an toàn cho HS; giúp các em càng thêm yêu quý trường lớp, thầy cô, bạn bè. Đồng thời, còn có ý nghĩa thiết thực trong việc giáo dục HS có ý thức, hình thành được thói quen giữ gìn bảo vệ môi trường và từ đó lan tỏa đến gia đình, cộng đồng. Đặc biệt, góp phần hình thành nhân cách tốt đẹp và lối sống văn minh cho thế hệ trẻ. Trong quá trình xây dựng trường học “Xanh - sạch - đẹp”, các trường trên địa bàn quận đã nhận được sự đóng góp tích cực của các bậc phụ huynh, trong đó có nhiều mạnh thường quân…”, đại diện Phòng GD-ĐT Q.Thủ Đức cho biết.
Song song đó, phụ huynh cũng đã tích cực ủng hộ các trường thực hiện tốt các chương trình ngoại khóa như “Tìm về địa chỉ đỏ”, “Hành trình đến với bảo tàng”, “Vì người bạn ngoại thành”, “Tấm áo tặng bạn”…
Bài, ảnh: Hòa Triều
“Công tác chính trị tư tưởng là một trong những công tác trọng tâm của ngành, bên cạnh việc giáo dục tư tưởng, đạo đức cho HSSV, Sở GD-ĐT cũng đã chỉ đạo lãnh đạo các đơn vị đẩy mạnh công tác giáo dục đạo đức, định hướng tư tưởng chính trị của nhà giáo và người lao động. Cụ thể tổ chức tuyên truyền nghị quyết, chủ trương của Đảng, các văn bản pháp quy mới ban hành, giáo dục truyền thống, tham gia các hội thi “Chủ tịch Tôn Đức Thắng - Một nhân cách lớn”, hội thi “Sống xanh”. Tuyên tuyền các quan điểm, chủ trương về giải quyết các vấn đề tranh chấp trên biển Đông; ý nghĩa lịch sử, tầm vóc vĩ đại của chiến thắng Điện Biên Phủ… Năm học 2013-2014, toàn ngành có 4.417 cán bộ, giáo viên ưu tú được giới thiệu cho Đảng và đã kết nạp 1.071 đảng viên mới. Hiện nay, toàn ngành có 14.313 đảng viên, đạt tỷ lệ 20,45%”, ông Nguyễn Tiến Đạt - Bí thư Đảng ủy, Phó giám đốc Sở GD-ĐT TP - cho biết.