Thứ bảy, 10/1/2015, 10h01

Khổ cho bệnh nhân trái tuyến

Bệnh nhân khám trái tuyến đều không được BHYT thanh toán. Ảnh chụp tại Bệnh viện Da liễu TP.HCM ngày 7-1-2015
Sau một tuần (từ ngày 1-1-2015), các cơ sở y tế áp dụng quy định của Luật Bảo hiểm y tế (BHYT) (sửa đổi) đã gây ra không ít bức xúc cho bệnh nhân. Nhất là việc từ chối chi trả cho các trường hợp khám, chữa bệnh trái tuyến, vượt tuyến…
Có thẻ cũng như không
Đó là tâm trạng chung của nhiều bệnh nhân đi khám, chữa bệnh không đúng tuyến mà chúng tôi ghi nhận được tại một số bệnh viện.
Sáng 7-1, Mạnh Hùng (sinh viên Trường ĐH Kinh tế TP.HCM) và một người bạn tới Bệnh viện Da liễu TP.HCM khám bệnh. Như thường lệ, Hùng cầm theo sổ khám bệnh và thẻ BHYT đến quầy dành cho bệnh nhân khám chữa bệnh bằng BHYT. Khác với những lần trước, lần này em đã bị từ chối. Hùng bức xúc: “Em bị bệnh chàm, khám ở bệnh viện quận mấy lần nhưng không khỏi nên tự ý chuyển lên đây khám. Hai lần trước, lần nào khám cũng chỉ phải trả 50% chi phí, còn 50% BHYT thanh toán. Vậy mà lần này, y tá nói em không có giấy chuyển viện nên phải thanh toán mọi chi phí khám chữa bệnh, không được hưởng quyền lợi BHYT. Đúng là có thẻ BHYT mà cũng như không”.
Một trường hợp khác là em Vân Trường (học sinh THPT ở Đồng Nai) cũng không được hưởng bất kỳ quyền lợi nào từ chiếc thẻ BHYT học sinh mà em đang cầm trên tay. Ngày 7-1, Trường được ba đưa tới Bệnh viện Bình Dân (TP.HCM) để điều trị bệnh trĩ. Chi phí khám bệnh và lấy thuốc lần này hết gần 2 triệu đồng, trong khi những lần trước cũng với số thuốc như vậy nhưng chỉ mất khoảng 1,3 triệu đồng. Anh Sơn (ba của Trường) cho biết: “Nơi đăng ký khám chữa bệnh ban đầu của con tôi là ở Đồng Nai, trước đây khám trái tuyến thì chỉ đóng 70% nay phải đóng 100%”. Khi tôi thắc mắc tại sao không xin giấy chuyển viện để được hưởng chế độ BHYT, anh Sơn bức xúc: “Xin giấy chuyển viện nhiêu khê lắm, xin năm lần bảy lượt bệnh viện cũng không cho đi. Họ nói bệnh của con tôi bệnh viện điều trị được nên không cần phải chuyển lên tuyến trên. Mình tự ý chuyển thì phải chịu thiệt thòi thôi”.
Tại Bệnh viện Răng hàm mặt TP.HCM, chị Thanh Vân cũng bức xúc: “Thẻ BHYT của tôi đăng ký nơi khám chữa bệnh ban đầu là Bệnh viện Q.3. Lâu nay tôi vẫn sử dụng cái thẻ này đi khám tại Bệnh viện Răng hàm mặt, lần nào cũng được chi trả 30% - dù là cạo vôi răng hay điều trị răng sâu. Tuy nhiên hôm nay (ngày 7-1, PV), tôi phải trả 100% chi phí khám và điều trị như những bệnh nhân không có thẻ BHYT. Y tá còn nói với tôi, theo Luật BHYT (sửa đổi) thì khám vượt tuyến cũng giống như khám dịch vụ, bệnh nhân tự chi trả”…
Bỏ quy định đồng chi trả để giảm tải

Bệnh nhân đến khám trái tuyến tại Bệnh viện Da liễu TP.HCM ngày 7-1-2015

Theo Luật BHYT cũ, người bệnh khi khám, chữa bệnh trái tuyến, vượt tuyến được quỹ BHYT đồng chi trả ở các mức 30%, 50% và 70% chi phí tùy theo hạng bệnh viện. Nhưng với Luật BHYT (sửa đổi) thì các trường hợp này chỉ được hưởng 70% nếu khám, chữa bệnh ở bệnh viện tuyến huyện; còn ở bệnh viện tuyến tỉnh và tuyến Trung ương thì không được hưởng nếu là ngoại trú. Trong trường hợp điều trị nội trú thì hưởng 60% (bệnh viện tỉnh) và 40% (bệnh viện Trung ương).
Lý giải về những quy định mới này, bà Tống Thị Song Hương - Vụ trưởng Vụ BHYT, Bộ Y tế - cho biết: Trên thực tế có khoảng 70% trường hợp bệnh có thể điều trị ở tuyến dưới, không cần thiết phải vượt tuyến gây quá tải cho bệnh viện tuyến trên. Theo đó, việc bãi bỏ quy định đồng chi trả là nhằm giảm tải cho các bệnh viện tuyến tỉnh và tuyến Trung ương.
Báo cáo thống kê của Sở Y tế TP.HCM cũng cho thấy, có khoảng 30%, thậm chí ở một số bệnh viện chuyên khoa như Bệnh viện Ung bướu, Chấn thương chỉnh hình, Nhi đồng 1, Nhi đồng 2, Từ Dũ… có đến 45% là bệnh nhân ở tỉnh. Đặc biệt là Bệnh viện Chợ Rẫy TP.HCM, có tới hơn 60% bệnh nhân từ các tỉnh chuyển về. Trong khi đó, một số bệnh viện ở các tỉnh có đủ bác sĩ, kỹ thuật để điều trị cho bệnh nhân.
Về lý thuyết thì những quy định mới của Luật BHYT (sửa đổi) là hợp lý nhưng nếu cứ siết như vậy thì người dân sẽ không mặn mà với việc tham gia BHYT. Theo đó, Bộ Y tế đã quy định các bệnh viện tuyến dưới phải chuyển bệnh nhân lên tuyến trên trong trường hợp vượt quá khả năng chuyên môn kỹ thuật. Và với những trường hợp này, BHYT thanh toán theo đúng quy định để bảo đảm quyền lợi của người tham gia BHYT. Cụ thể, được thanh toán theo 3 mức: 100%, 95%, 80% tùy theo nhóm đối tượng, cơ sở khám chữa bệnh. Đặc biệt, với Luật BHYT (sửa đổi), giấy chuyển viện có thể được sử dụng tới 1 năm thay vì chỉ 1 lần như trước đây…
Bên cạnh đó, Luật BHYT (sửa đổi) cũng bổ sung một số quyền lợi cho người tham gia BHYT. Chẳng hạn như khám chữa bệnh trong trường hợp tự tử, tự gây thương tích; tổn thương về thể chất, tinh thần do hành vi vi phạm pháp luật của người đó gây ra; khám chữa bệnh đối với bệnh nghề nghiệp, tai nạn lao động. Riêng với trẻ dưới 6 tuổi, bổ sung điều trị lác, cận thị và tật khúc xạ…
Bài, ảnh: Hòa Triều