Thứ hai, 18/8/2014, 06h08

Kỷ niệm 69 năm Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh 2-9: Những con tàu làm nên huyền thoại

Khách tham quan Bia lưu niệm đầu cầu tiếp nhận vũ khí Bắc Nam tại xã Thạnh Phong, Thạnh Phú, Bến Tre

Mảnh đất Bến Tre từng ghi tạc vào trang sử vàng dân tộc bằng những chiến công oanh liệt của phong trào Đồng Khởi quật cường với đội quân tóc dài anh dũng. Cũng tại vùng đất đầu sóng ngọn gió kiên cường này, biết bao chuyến tàu không số chở vũ khí từ Bắc vào Nam đã được chở che trong sự bí mật mà câu chuyện đó đến nay vẫn như một huyền thoại lịch sử mãi lưu truyền… 
Chương trình họp mặt cán bộ tuyên huấn Khu 8 (Trung Nam bộ) năm 2014 thật sự có ý nghĩa khi được tổ chức đúng vào dịp kỷ niệm ngày truyền thống Ban Tuyên huấn Trung ương Đảng (1-8) và 69 năm Cách mạng tháng Tám - Quốc khánh 2-9 tại vùng đất Bến Tre. Cũng trong dịp gặp gỡ hiếm có này, UBND huyện Thạnh Phú đã tổ chức một chuyến về nguồn tại xã Thạnh Phong để mọi người may mắn được một lần đặt chân tới vùng đất hơn nửa thế kỷ trước là bến tập kết những chuyến tàu không số từ Bắc vào Nam.
Chuyến hàng đầu tiên từ sau cách mạng mùa thu
Cuộc sống mới đã lên xanh trên quốc lộ 57 đi qua 2 huyện Mỏ Cày Bắc và Mỏ Cày Nam với những vườn cây sum sê hoa trái. Ít ai ngờ rằng trên mảnh đất thân thương hiền hòa này đã từng xảy ra cuộc chiến tranh diệt sinh, diệt chủng vô cùng khốc liệt kéo dài suốt 2 thời kỳ kháng chiến. Máu của người dân trên quê hương Lãnh Binh Thăng, cụ Đồ Chiểu, Trần Văn Ơn đã nhuộm đỏ luống cày. Vững vàng cứng cáp như thân dừa ngọn đước, tấm lòng những “con người làm nên lịch sử” vẫn hướng về cách mạng kiên trung. Bắt đầu vào địa phận Thạnh Phú, ký ức gian khổ thời đánh Mỹ lại hiện về khi đoàn xe vượt qua những con đường gập ghềnh đầy sỏi đá và cát bụi. Thế nhưng mọi vất vả, mong đợi đã được xua tan khi tấm bia lưu niệm đầu cầu tiếp nhận vũ khí Bắc Nam cao lồng lộng dần dần hiện ra trong mắt chúng tôi. Ngắm nhìn đài tưởng niệm được phác thảo theo hình dáng uy nghi con tàu vượt đại dương, ông Nguyễn Văn Hanh - Khu ủy viên, nguyên Phó ban khu ủy Khu 8 Trung Nam bộ bồi hồi nhớ lại ký ức: “Chuyến tàu bí mật cập bến đầu tiên tại bãi biển Thạnh Phú vào năm 1947 với rất nhiều vũ khí mang về từ tỉnh Phú Yên vì lúc bấy giờ nơi đây vẫn đang còn trong sự kiểm soát của Việt Minh. Thành công từ chuyến thử nghiệm đầu tiên đã đem lại niềm tin cho hành trình vận chuyển vũ khí từ Bắc vào Nam”. Thế nhưng theo ông Hanh, để có được chuyến trở về lịch sử đó thì ngay từ tháng 3-1946 đoàn đại biểu Khu 8 gồm có bà Nguyễn Thị Định, giáo sư Ca Văn Thỉnh (cha của nhà thơ Lê Anh Xuân), ông Đào Công Trường, ông Trần Hữu Nghiệp và một số cán bộ khác đã lên chiếc thuyền từ Cồn Lợi làm một chuyến vượt biển ra Bắc. Mục đích chuyến đi là để báo cáo với Trung ương Đảng về tình hình kháng chiến ở Nam bộ. Khi ra đến Hà Nội, bà Nguyễn Thị Định thiết tha đưa ra nguyện vọng của quân dân miền Nam rất cần vũ khí để đánh giặc. Thế là chuyến tàu bí mật đầu tiên vượt hàng ngàn kilômét đường biển cập bến an toàn. Chuyến đi thắng lợi có ý nghĩa lịch sử mở đường là tiền đề tạo nên hành trình tiếp tế Bắc Nam sau này có tên gọi đường Hồ Chí Minh trên biển. 
Dáng đứng một con tàu
Những năm sau đó cồn Bững đã vinh dự trở thành nơi dừng chân cuối cùng của những chuyến tàu không số bên ngoài ngụy trang tàu thương lái nhưng bên trong lại chứa đầy vũ khí đạn dược để che mắt địch. Biết bao mồ hôi công sức của anh em thủy thủ đoàn ngày đêm chống chọi với bão tố trùng khơi mới có được trong tay những khẩu súng, băng đạn nên dù mới hay cũ anh em đều nâng niu quý trọng coi “súng là vợ, đạn là con”. Sau mỗi chuyến đi do ăn uống thiếu thốn, sinh hoạt trên biển gặp nhiều khó khăn nên sức khỏe mọi người giảm sút. Nhưng nhớ đến tội ác tàn sát dã man của kẻ thù bằng các cuộc càn quét khủng bố đẫm máu, nghĩ đến những gian khổ mà người chiến sĩ phải hy sinh ngoài mặt trận anh em lại càng quyết tâm và bất chấp cả mọi hiểm nguy.
Dù đã mất từ lâu nhưng ông Lê Công - một trong những thủy thủ có mặt trên chuyến tàu không số vẫn được đồng đội nhớ mãi với những câu chuyện về hành trình của các con tàu chở đầy vũ khí. Để đánh lạc hướng địch, tổ cán bộ trong chiến dịch được tổ chức bí mật gọi là “Ban sản xuất tự túc” với mật khẩu: “Đơn vị 106 đi tìm anh 3D”. Mặc dù có số hiệu đầy đủ như Phương Đông 1, Phương Đông 2 nhưng để giữ bí mật các tàu này đều không sơn số hiệu lên thân tàu vì thế chúng được biết đến với tên gọi chung là đoàn tàu không số. Cũng có khi kẻ thù đánh hơi được nên điểm dừng chân phải thay đổi. Có khi cập bến ở Thạnh Phú có khi lại phải chạy tiếp xuống Cà Mau đậu tận bến Vàm Lũng. Bằng sự chỉ đạo thông minh, sáng tạo và lòng trung thành của mọi thành viên mà các chuyến tàu đều đi về trót lọt và an toàn. Thành công đó càng làm nức lòng quân dân và có thêm niềm tin tưởng của Đảng và Bác Hồ. Tuy nhiên không phải lúc nào cũng gặp được may mắn. Ông Nguyễn Sơn - nguyên Chính ủy A 101 - là nhân chứng lịch sử cho biết năm 1963 có một chuyến tàu do chở gần 80 tấn vũ khí nên bị mắc kẹt ngay ngoài Cồn Lớn. Để bảo toàn vũ khí anh em phải huy động lực lượng từ trong đất liền ra tận tàu dỡ hàng xuống các xuồng nhỏ. Cũng có khi sa bàn lạc hướng và không nhìn rõ ngọn hải đăng nên tàu lại trôi lạc sang cửa biển Bình Đại cách vài chục cây số. Có chuyến tàu anh em thủy thủ đoàn phải đứt ruột hủy tàu để cứu người do bị địch phát hiện khi chỉ cách bãi biển Thạnh Phong 20 hải lý. 50 tấn hàng đã vĩnh viễn chìm xuống đáy đại dương. Đó cũng là chuyến tàu cuối cùng của đoàn tàu không số sau gần 25 năm vận chuyển bí mật cùng với những chuyến xe trên bộ giúp quân và dân miền Nam có thêm vũ khí đánh trả lại quân thù, góp phần đem lại mùa xuân chiến thắng - mùa xuân 1975 rạng rỡ. Bia lưu niệm đầu cầu tiếp nhận vũ khí Bắc Nam sẽ mãi mãi ghi nhớ công lao của những con người trên quê hương Đồng Khởi làm nên “Dáng đứng Bến Tre” anh hùng và quả cảm. Đó cũng là dáng đứng của những con tàu không số oai phong dũng mãnh từng xông pha trên mặt biển bất chấp bão tố trùng khơi mà lịch sử không bao giờ quên.
Bài, ảnh: Phan Ngọc Quang