Thứ ba, 26/8/2014, 22h08

Một kỳ thi quốc gia: Vẫn chưa thông

Thí sinh tham dự kỳ thi ĐH-CĐ 2014 tại TP.HCM. Ảnh: Mê Tâm
Năm học mới đã đến rất gần, khi chỉ còn một tuần nữa là các trường bắt đầu khai giảng. Thế nhưng, phương án một kỳ thi quốc gia năm 2015 của Bộ GD-ĐT vẫn chưa đi đến chặng cuối cùng. Các luồng ý kiến chưa có sự thống nhất. Và có lẽ chính vì vậy mà lịch họp báo của bộ trước thềm năm học mới dự kiến ngày 27-8 đã bị hoãn không thời hạn.
Không “kết” phương án nào
Theo NGƯT Hàn Liên Hải, nguyên Trưởng phòng Giáo dục phổ thông, Sở GD-ĐT Hà Nội, năm học 2013-2014, Bộ GD-ĐT đã có những quyết định đổi mới thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH, CĐ được dư luận hoan nghênh. Những đổi mới này đã được thực thi, đã đạt được một số mục tiêu trước mắt và một phần mục tiêu lâu dài của cải cách giáo dục căn bản và toàn diện. Trên tinh thần đó, năm học 2014-2015, Bộ GD-ĐT đưa ra những phương án mới cho kỳ thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH, CĐ. Tuy nhiên, nhà giáo Hàn Liên Hải phân tích với phương án một kỳ thi quốc gia (xét kết quả tốt nghiệp và tuyển sinh ĐH, CĐ) thì không phải là phép cộng toán học đơn thuần. Nhà giáo Hải phân tích cụ thể giả sử chủ thể A (những người quản lý, điều hành…) và chủ thể B (những người đi thi). Đối với chủ thể A, nhà giáo Hải nghĩ kỳ thi quốc gia có nhiều thuận lợi hơn. Việc tổ chức quản lý đã có sẵn kinh nghiệm nhiều năm làm các kỳ thi quốc gia lại có thêm lực lượng hùng hậu gồm giáo viên trung học và ĐH, CĐ tham gia coi thi - chấm thi và thanh - kiểm tra. Do đó có thể kết luận đối với chủ thể A thì 2<1+1, với ý nghĩa là được nhiều thuận lợi hơn khi thực hiện một kỳ thi quốc gia này. Đối với chủ thể B thì sự việc lại hoàn toàn khác. Chắc chắn đề thi sẽ dài hơn, khó hơn đề thi tốt nghiệp THPT. Trước một đề thi như thế, ai đã từng đi thi, đều phải hiểu tâm lý học sinh nhất là đại đa số học sinh từ trung bình khá trở xuống. Trong việc thi đấu, tâm lý sẽ ảnh hưởng đến các yếu tố khác. Như vậy, đối với người đi thi thì 2>1+1, nghĩa là họ sẽ là người thiệt thòi nhất khi thực hiện phương án này.
Cũng liên quan đến kỳ thi quốc gia, NGƯT Hàn Liên Hải cho rằng phương án này còn gián tiếp hạ thấp giá trị của tấm bằng tốt nghiệp THPT vì chưa đủ điều kiện nộp hồ sơ dự tuyển vào các trường ĐH, CĐ. Tuy có đạt cả 2 tiêu chuẩn của kỳ thi quốc gia nhưng đối với các trường có phương án tuyển sinh riêng, học sinh vẫn phải trải qua ít nhất một lần thi nữa. Căn cứ vào những phân tích ở trên, NGƯT Hàn Liên Hải cho rằng thí sinh không có lợi gì so với việc tham gia hai kỳ thi riêng biệt, thậm chí còn gặp nhiều khó khăn và chịu áp lực lớn hơn.
Đồng quan điểm này, TS. Nguyễn Thanh Sơn cũng cho rằng tổ chức một kỳ thi chung là không phù hợp. Vì hai kỳ thi có yêu cầu và mục đích khác nhau, nếu gộp làm một thì mục đích yêu cầu của từng kỳ sẽ bị giảm đi hoặc bị thay đổi. Thi tốt nghiệp THPT là một kỳ thi có tính sát hạch còn thi tuyển sinh ĐH, CĐ là kỳ thi chuyên ngành, tuyển chọn, dù chất lượng đến đâu thì tỷ lệ đỗ cũng chỉ hạn chế trong một giới hạn. Theo TS. Sơn, ở các tỉnh vùng sâu vùng xa, nhiều học sinh khi học hết lớp 12 không có nhu cầu học lên ĐH, CĐ. Việc tổ chức một kỳ thi với những yêu cầu nâng cao hơn, chặt chẽ hơn là tăng thêm khó khăn cho những đối tượng này. Thứ hai là với các trường ĐH, CĐ cũng sẽ thêm khó khăn và khó chọn được những thí sinh tốt nghiệp theo yêu cầu của từng chuyên ngành, từng trường. Ông Sơn cho rằng hãy giữ hai kỳ thi như hiện nay. Nhưng việc tổ chức chỉ đạo các kỳ thi nên thay đổi. Kỳ thi tốt nghiệp THPT nên giao cho các địa phương, trực tiếp là các sở GD-ĐT. Thi tuyển sinh thì giao cho các trường ĐH, CĐ.
Rối các phương án thi
Đối với 3 phương án về môn thi và bài thi được Bộ GD-ĐT đưa ra trong dự thảo đề án một kỳ thi THPT quốc gia, nhiều chuyên gia cho rằng các phương án cần có sự điều chỉnh hợp lý. Theo NGƯT Hàn Liên Hải, phương án 1 đã được thực hiện trong kỳ thi tốt nghiệp THPT 2013-2014. Còn phương án 2, phương án 3 có thể thấy điểm nổi bật của hai phương án này là sự tích hợp của nhiều môn trong các bài thi. Tuy nhiên, NGƯT Hải cho rằng bất kể sự tích hợp nào đã được hình thành rất rõ hay mới chỉ là ý tưởng của các chuyên gia thì khi chưa có chương trình, sách giáo khoa và chưa đưa vào giảng dạy thì không thể yêu cầu thí sinh làm các bài thi kiểu này được. Có thể ví như đem thả thí sinh và giáo viên vào biển cả. Nó phản ánh một kiểu tư duy phản giáo dục. NGƯT Hàn Liên Hải khẳng định: Có cảm giác các nhà giáo dục vạch ra phương án này chưa từng là học sinh đi thi hoặc là tự “trên trời rơi xuống”! Tôi cứ ngỡ đây là những phương án thi cử cho 10 năm sau! Còn TS. Nguyễn Thị Mỹ Lộc lại lăn tăn về môn ngoại ngữ. Theo bà Lộc, cần cân nhắc kỹ khi đưa ra quyết định thi ngoại ngữ bắt buộc với tất cả các vùng miền. Bởi điều kiện học tập môn này đối với học sinh các vùng miền không giống nhau, thậm chí chênh nhau rất lớn. Do đó, nên để ngoại ngữ là môn cộng điểm ưu tiên sẽ hợp lý hơn.
Như vậy, cho đến giờ, một kỳ thi quốc gia của Bộ GD-ĐT vẫn chưa đi đến được quyết định cuối cùng. Học sinh lớp 12 thì đang rất lo lắng, còn các nhà làm quản lý thì cũng đang rối vì chưa chọn được phương án tối ưu.
Nghiêm Huê
Đề xuất phương án thi khác
Không đồng ý với phương án mà Bộ GD-ĐT đưa ra cho một kỳ thi chung, ông Nguyễn Đức Minh, Viện Khoa học giáo dục Việt Nam đã đề xuất 3 phương án khác. Phương án thứ nhất là Bộ GD-ĐT xây dựng ngân hàng đề thi và quy trình tổ chức thi tốt nghiệp THPT. Các sở GD-ĐT tổ chức thi dưới sự giám sát của Bộ GD-ĐT. Các môn thi sẽ gồm ngữ văn, toán và 2 môn tự chọn. Việc cấp bằng được thực hiện dựa trên cả kết quả học tập của các năm THPT và điểm thi tốt nghiệp. Thi tuyển sinh ĐH, CĐ thực hiện riêng theo 3 chung. Phương án 2 là bộ xây dựng ngân hàng đề thi và quy trình tổ chức thi quốc gia. Các môn thi là gồm tất cả các môn đã học, trong đó học sinh thi 4 môn gồm 2 môn bắt buộc là toán, ngữ văn và 2 môn tự chọn. Bộ xác định các mức điểm chuẩn xét tốt nghiệp THPT và các mức điểm sàn để xét tuyển CĐ, ĐH. Phương án 3 là các sở GD-ĐT tổ chức thi hết lớp 12 cho học sinh. Còn Bộ GD-ĐT tổ chức thi quốc gia mỗi năm 2 lần, cách nhau khoảng 6 tháng. Kỳ thi chung này có hai nhiệm vụ, vừa có ngưỡng xét tốt nghiệp, đối với những học sinh chưa đỗ tốt nghiệp do sở GD-ĐT tổ chức và vừa xét tuyển sinh ĐH, CĐ.
T.Lam (ghi)