Thứ tư, 22/10/2014, 10h10

Năm học 2018-2019: Thực hiện đại trà CT-SGK mới

Từ năm học 2018-2019 CT-SGK hiện tại sẽ được thay mới hoàn toàn. Trong ảnh: Giờ học của HS Trường TH Lương Thế Vinh, Q.7, TP.HCM. Ảnh: A.K
Sáng 20-10, tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIII, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận đã đọc tờ trình về việc đổi mới chương trình, sách giáo khoa (CT-SGK) với nhiều nội dung đổi mới quan trọng: Những đánh giá về CT-SGK đang thực hiện so với nghị quyết 40 và nghị quyết 29, những nội dung sẽ được đổi mới trong thời gian tới…
CT giáo dục phổ thông và SGK hiện hành được xây dựng, biên soạn theo nghị quyết số 40/2000/QH10 ngày 9-12-2000 của Quốc hội khóa X về đổi mới CT giáo dục phổ thông (sau đây viết tắt là NQ40) và đã được thực hiện trên phạm vi toàn quốc từ năm học 2002-2003 đến nay (năm 2014). Tuy nhiên, sau bao nhiêu năm thực hiện, CT-SGK hiện hành đã bộc lộ rất nhiều hạn chế. Tại tờ trình, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận đưa ra 5 kết quả đã đạt được của CT-SGK hiện hành so với NQ40 đồng thời cũng đưa ra 7 hạn chế chưa làm được. Trong số những hạn chế được nêu, hạn chế đầu tiên được đề cập tới đó là CT chưa đáp ứng được yêu cầu mới về hình thành và phát triển năng lực của HS. CT các môn học chỉ xây dựng chuẩn kiến thức, kỹ năng và yêu cầu về thái độ mà chưa xây dựng chuẩn đầu ra về phẩm chất và năng lực của HS; chưa đảm bảo sự cân đối giữa “dạy chữ” và “dạy người”. Ngoài ra, so với NQ29 thì CT-SGK hiện hành còn rất nhiều điều bất cập. Chính vì thế nên cần phải đổi mới CT-SGK theo NQ29.
HS học 8 môn
Sau khi nghe tờ trình của Chính phủ, ông Đào Trọng Thi - Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa Giáo dục Thanh thiếu niên và Nhi đồng Quốc hội cho rằng trên thực tiễn CT giáo dục hiện hành nhìn chung vượt quá khả năng đáp ứng về đội ngũ giáo viên và cơ sở vật chất kỹ thuật của nhà trường cũng như khả năng tiếp thu của HS. Mặt khác việc thực hiện cứng nhắc một CT chung không phù hợp đối với HS các địa phương, cơ sở giáo dục với đặc thù và điều kiện kinh tế - xã hội rất khác nhau, hạn chế chất lượng, hiệu quả học tập. Vì vậy, ủy ban đề nghị ban hành một CT giáo dục phổ thông thống nhất nhưng khả thi, mềm dẻo, linh hoạt. CT mới phải phù hợp với điều kiện bảo đảm thực tế của nhà trường, nhất là về đội ngũ giáo viên và cơ sở vật chất kỹ thuật cũng như với khả năng tiếp thu của HS. CT sẽ bao gồm những nội dung cốt lõi, bắt buộc áp dụng trên quy mô toàn quốc và những nội dung bổ sung mang tính đặc thù về lịch sử, văn hóa và kinh tế - xã hội của địa phương. Trong CT-SGK mới, các lĩnh vực giáo dục của CT giáo dục phổ thông bao gồm 8 môn học: Ngôn ngữ: Tiếng Việt, ngoại ngữ, tiếng mẹ đẻ/tiếng dân tộc (nếu có) (trong đó tiếng Việt, ngoại ngữ 1 là bắt buộc, còn tiếng dân tộc là tự chọn 1, ngoại ngữ 2 là tự chọn 2; toán học, đây là môn bắt buộc đối với tất cả HS từ lớp 1 đến lớp 12; đạo đức - công dân cũng là môn học bắt buộc từ lớp 1 đến lớp 12; thể chất bao gồm thể dục là môn bắt buộc với tất cả HS và thể thao là môn tự chọn 2; nghệ thuật gồm mỹ thuật và âm nhạc, hai môn này là hai môn tự chọn 2; khoa học tự nhiên và khoa học xã hội và nhân văn là hai môn có sự khác biệt rất lớn giữa 9 năm học giáo dục cơ bản và 3 năm giáo dục hướng nghiệp. Đối với 9 năm giáo dục cơ bản, khoa học xã hội và khoa học tự nhiên có một bộ phận giao nhau là môn phần cuộc sống quanh ta (từ lớp 1 đến lớp 3), lớp 4, lớp 5 hai môn nay sẽ tách ra thành tìm hiểu xã hội và tìm hiểu tự nhiên. Từ lớp 6 đến lớp 9, HS sẽ học hai môn khoa học xã hội và nhân văn và khoa học tự nhiên. Từ lớp 10 đến lớp 12, khoa học xã hội thành môn tự chọn 3 với các môn: Lịch sử, địa lý và khoa học tự nhiên thành môn tự chọn 3 với các môn: Sinh, hóa, vật lý; môn cuối cùng là môn công nghệ, đây là môn tự chọn 2. Ngoài ra, HS sẽ có phần hoạt động trải nghiệm sáng tạo và chuyên đề, tùy theo từng cấp học.
Trên 46 tỷ đồng thẩm định SGK

Từ năm học 2018-2019, chương trình - sách giáo khoa hiện hành sẽ được thay mới hoàn toàn. Trong ảnh: Giờ học tiếng Anh của Trường TH Nguyễn Bỉnh Khiêm (Q.1, TP.HCM).  Ảnh: A.Khôi

Cũng tại tờ trình, lãnh đạo Bộ GD-ĐT đưa ra các dự toán kinh phí cho việc thực hiện viết SGK mới. Trong đó kinh phí từ ngân sách Trung ương thực hiện các nhiệm vụ: Tập huấn cho đội ngũ biên soạn, thẩm định CT-SGK (bao gồm cả lực lượng biên soạn SGK của các tổ chức, cá nhân đăng ký biên soạn SGK): 13,1 tỷ đồng; Xây dựng, thẩm định CT: 55,2 tỷ đồng; Biên soạn bộ tài liệu hướng dẫn dạy học theo CT mới: 6,1 tỷ đồng; Thẩm định SGK (dự kiến 4 bộ): 46,3 tỷ đồng; Nghiên cứu mô hình SGK điện tử để từng bước biên soạn, thực nghiệm và sử dụng ở những nơi có đủ điều kiện: 10 tỷ đồng; Đánh giá, điều chỉnh, hoàn thiện CT: 7,7 tỷ đồng; Biên soạn một bộ SGK: 321,6 tỷ đồng, bao gồm: Biên soạn bộ đề cương SGK (tổ chức trại viết, thù lao tác giả, thực nghiệm, trưng cầu ý kiến, thẩm định; tiếp thu ý kiến, chỉnh sửa, phê duyệt): 34 tỷ đồng; Biên soạn 1 bộ SGK (tổ chức trại viết, thù lao tác giả, thực nghiệm, trưng cầu ý kiến, thẩm định; Tiếp thu ý kiến, chỉnh sửa, biên tập, thẩm định, phê duyệt): 287,6 tỷ đồng; Biên soạn tài liệu phục vụ tập huấn giáo viên và tổ chức tập huấn cho đội ngũ cốt cán cấp tỉnh về quy trình, kỹ thuật tập huấn qua internet: 2,0 tỷ đồng. Tổng kinh phí dự kiến: 462 tỷ đồng. Nguồn tài chính từ các cá nhân và tổ chức khác để thực hiện các nội dung biên soạn các SGK khác (ngoài bộ SGK do Bộ GD-ĐT tổ chức biên soạn. Bồi dưỡng cho cán bộ quản lý, giáo viên và nhân viên cơ sở giáo dục phổ thông về SGK do cá nhân, tổ chức biên soạn và được phát hành.
2018-2019 thực hiện đại trà
Bộ GD-ĐT dự kiến tiến hành thực hiện CT-SGK mới thành 3 giai đoạn. Giai đoạn 1 từ 2015-2016 với các nội dung phải làm như tổng kết kinh nghiệm của Việt Nam và tổng quan kinh nghiệm quốc tế về phát triển CT, biên soạn SGK; tổ chức nghiên cứu mô hình SGK điện tử để từng bước biên soạn, thực nghiệm và sử dụng ở những nơi có đủ điều kiện. Chuẩn bị các nguồn lực để biên soạn, thẩm định CT-SGK. Biên soạn, thẩm định và ban hành CT mới (CT tổng thể và CT các môn học); Biên soạn bộ tài liệu hướng dẫn dạy học theo CT mới. Giai đoạn này, Bộ GD-ĐT tổ chức biên soạn một bộ SGK; các tổ chức cá nhân biên soạn SGK, tổ chức thẩm định SGK. Giai đoạn 2 từ 2017-2018 với các nội dung tập huấn giáo viên các cơ sở giáo dục phổ thông để thực hiện CT-SGK mới. Xây dựng, điều chỉnh, hoàn thiện, bổ sung chế độ, chính sách liên quan đến việc thực hiện CT-SGK; Thực hiện bán đấu giá bản quyền một bộ SGK do Bộ GD-ĐT tổ chức biên soạn; Tổ chức sơ kết thực hiện đề án. Giai đoạn 3 (7-2018 đến 12-2021), trong đó, từ năm học 2018-2019, triển khai áp dụng CT mới đồng thời từ lớp 1 đến lớp 5; cuốn chiếu theo lớp ở cấp THCS và cấp THPT (từ lớp 6 đến lớp 9; từ lớp 10 đến lớp 12). Tiếp tục xây dựng, điều chỉnh, hoàn thiện, bổ sung chế độ, chính sách liên quan đến việc thực hiện CT-SGK mới; Tổ chức đánh giá, điều chỉnh và hoàn thiện CT; Tiếp tục biên soạn, thẩm định SGK.
Nghiêm Huê