Thứ năm, 26/3/2015, 22h03

Ngành GD-ĐT: Lắng nghe tiếng nói học sinh

Theo ông Lê Hồng Sơn - Giám đốc Sở GD-ĐT, các ý kiến của các em học sinh đều rất sắc sảo, thiết thực
25 lượt phát biểu, gần 50 ý kiến tập trung vào vấn đề mang tính thời sự như an toàn giao thông, giảm tải chương trình học, vấn đề thi cử, đổi mới phương pháp dạy học, trong đó có những vấn đề lên đến tầm… cấp bộ. Đó là những vấn đề  diễn ra tại buổi đối thoại giữa lãnh đạo Sở GD-ĐT với học sinh (HS) TP lần 7 - năm 2015.
Khác với các lần tổ chức trước đây, “Tiếng nói HS TP.HCM” lần 7 năm 2015 ngoài sự có mặt của 110 HS các trường THPT, TTGDTX còn có 48 HS các trường THCS và 7 sinh viên hiện đang theo học tại các trường CĐ, TC trên địa bàn TP.HCM.
HS thoải mái, tự tin
Buổi đối thoại diễn ra trong không khí cởi mở, thẳng thắn, không bị giới hạn nội dung và HS có thể phát biểu bất kỳ vướng mắc, khó khăn mà các em có thể gặp phải trong học tập. Tuy là lần đầu tiên tham dự buổi đối thoại nhưng các em HS THCS tỏ ra rất tự tin khi phát biểu. Ngay từ câu hỏi đầu tiên, em Trịnh Thu Phương, HS lớp 7/3 Trường THCS Nguyễn Gia Thiều (Q.Tân Bình) đã phản ánh thực trạng nhiều HS hay nói tục, chửi thề trong và ngoài trường học và cho rằng nguyên nhân của thực trạng này là bắt đầu từ người lớn. “Các bạn nghe người lớn nói, bắt chước rồi lâu dần tạo thành một thói quen khó sửa. Em từng hỏi một bạn trong lớp tại sao bạn hay nói tục, chửi thề thì bạn ấy cũng không biết vì sao. Bạn nghe người trong nhà nói, hàng xóm nói rồi bắt chước theo họ. Tại sao điều mà người lớn làm được nhưng khi trẻ con làm theo lại bị đánh giá, mắng chửi”, Phương bức xúc.

Em Trịnh Thu Phương - lớp 7/3 Trường THCS Nguyễn Gia Thiều xung phong đối thoại với Sở GD-ĐT đầu tiên
Không cùng ý kiến với bạn nhưng em Nguyễn Thụy Khanh, HS lớp 6 Trường THCS Lạc Hồng đã rất bức xúc khi xem clip về cảnh HS đánh nhau ở 1 trường THCS tại tỉnh Trà Vinh. Khanh cũng tỏ ra lo lắng khi vấn đề này xảy ra trong trường học và đề nghị lãnh đạo nhà trường, Sở GD-ĐT phải có biện pháp răn đe để hạn chế tình trạng này. Tuy nhiên, khi được Giám đốc Sở GD-ĐT Lê Hồng Sơn đề nghị đưa ra dẫn chứng cụ thể tại TP.HCM thì em HS này lại cho biết những thông tin em biết được chỉ là… nghe nói, bản thân em cũng mới chỉ chứng kiến những mâu thuẫn nhỏ trong trường học. Ông Nguyễn Văn Hiếu, Phó giám đốc sở cho rằng, những vấn đề mà HS Trường THCS Lạc Hồng nêu ra chỉ là do tâm lý ảnh hưởng khi xem đoạn clip được tung lên mạng cách đây không lâu. Hiện tượng HS đánh nhau trong trường học đã được sở chỉ đạo các trường theo dõi sát sao để kịp thời phát hiện và xử lý, không để các vụ việc đáng tiếc xảy ra. “Những điều em nhìn thấy chỉ là những mâu thuẫn nhỏ trong nhà trường. Khi phát hiện sự việc này, em nên báo cáo với thầy cô hoặc ban giám hiệu để tìm cách tháo gỡ và xử lý”.
Với ý kiến của HS Trường THPT Nguyễn Gia Thiều, Giám đốc Sở GD-ĐT TP Lê Hồng Sơn cho rằng thực trạng người lớn nói tục chửi thề vốn đã tồn tại từ rất lâu trong xã hội và khó có thể xử lý thực trạng này. “Tuy nhiên, chúng ta phải thay đổi bắt đầu từ thế hệ trẻ. Các em rồi cũng sẽ trở thành người lớn. Việc xử sự, thay đổi như thế nào cho đúng chuẩn mực đều nằm trong khả năng của các em. Vì vậy, ngay từ bây giờ, các em phải làm chủ bản thân mình, cố gắng trở thành người có thói quen tốt, không bắt chước những hành vi xấu để lan tỏa những giá trị tốt đẹp tới bạn bè và những người xung quanh”.
Xung quanh ý kiến của sinh viên Lê Lưu Thanh Vân (Trường CĐ Kinh tế TP.HCM) cho rằng nhiều HS còn yếu các kỹ năng tiếng Anh như nghe, nói; bài kiểm tra tiếng Anh chỉ là hình thức trắc nghiệm, chưa vận dụng được các kỹ năng vào bài thi, ông Sơn cho biết: Chương trình tiếng Anh tăng cường đã được TP.HCM thực hiện 15 năm, tập trung 4 kỹ năng nghe, nói, đọc, viết cho HS ngay từ lớp 1, nhiều trường học hiện đã có giáo viên người nước ngoài trực tiếp giảng dạy. “Năng lực tiếng Anh của HS TP đã được các tổ chức quốc tế đánh giá là đứng đầu cả nước. Tuy nhiên, không phải 100% HS TP đều có năng lực tiếng Anh như mong muốn. Ở một phạm vi nhỏ nào đó vẫn còn một số em yếu một vài kỹ năng. Riêng đối với bài thi tiếng Anh bằng hình thức trắc nghiệm, sở chủ trương học tiếng Anh để vận dụng, giao tiếp, nghe nói thành thạo chứ không phải để thi nhằm giảm bớt áp lực học cho HS”, ông Sơn khẳng định.
“Chúng em có ý kiến…”

Học sinh THCS góp ý cho ngành GD-ĐT tại buổi đối thoại giữa lãnh đạo với HS-SV thành phố
Bên cạnh chỉ ra những vấn đề gắn liền với môi trường học đường, đời sống xung quanh, nhiều HS còn đề xuất nhiều ý kiến hay cho ngành GD-ĐT. Trước ý kiến của bạn mình cho rằng chương trình học còn thiên về lý thuyết hàn lâm, HS chưa được rèn luyện những kỹ năng cần thiết, em Đỗ Nguyễn Thái Minh đề xuất mô hình đã được áp dụng thành công tại trường mình “Em đề xuất thay đổi hình thức kiểm tra 15 phút ở một số môn trước khi vào lớp bằng hình thức thuyết trình, được thầy cô đánh giá và rút kinh nghiệm. Với hình thức này, HS chúng em có thể rèn luyện kỹ năng làm việc nhóm, thuyết trình, kỹ năng tranh luận và rèn luyện tính tự tin trước đám đông”. Cũng chính HS này đề xuất ý kiến mỗi quận huyện nên mua SGK mới và cho HS thuê. Khi thuê, HS sẽ phải đặt cọc một khoản tiền nhỏ cho thư viện và số tiền này sẽ được trả lại cho HS đó nếu bộ sách được giữ gìn cẩn thận, sạch đẹp. Bộ sách này cũng sẽ được sử dụng cho những năm tiếp theo. “Cách này có thể giúp những HS nghèo không phải tốn tiền mua sách, tiết kiệm được cho ngân sách Nhà nước một khoản tiền in sách hàng năm, đồng thời góp phần bảo vệ tài nguyên và môi trường cho đất nước”, Minh góp ý.
Cũng đề xuất ý kiến cho ngành GD-ĐT, em Đặng Khánh Nguyên, HS lớp 12 TTGDTX Lê Quý Đôn cho rằng nên đưa âm nhạc dân tộc vào chương trình học trong nhà trường để HS biết nhiều hơn về văn hóa dân tộc, giáo dục lòng yêu nước thay vì để giới trẻ chạy theo các trào lưu văn hóa ngoại lai. Em Võ Ngọc Nguyên Thảo, HS Trường THPT Đào Sơn Tây đề nghị Sở GD-ĐT nên xây dựng các trang mạng xã hội chính thống để tư vấn tâm lý, giáo dục nghề nghiệp, kỹ năng cho HS thay vì để các em chạy theo thế giới ảo, giá trị ảo trên mạng internet…
Trước những ý kiến đề xuất của các em HS, lãnh đạo Sở GD-ĐT TP đã đánh giá rất cao và sẽ cân nhắc và áp dụng trong thời gian sắp tới. Sở cũng cho biết hiện một số trường học ở TP đã bắt đầu tổ chức đối thoại giữa lãnh đạo nhà trường và HS. Sở sẽ có định hướng để tất cả 24 quận, huyện đều tổ chức các buổi đối thoại với HS để nắm được tâm tư, nguyện vọng của các em HS.
Bài, ảnh: Ngọc Anh