Thứ ba, 22/4/2014, 21h04

Ngành giáo dục TP.HCM: Đổi mới - hội nhập - phát triển

HS TP.HCM đến với Ngày hội giáo dục phát triển sáng 21-4. Ảnh: Q.Huy
Sáng 23-4, Ngày hội giáo dục phát triển TP.HCM năm 2014 với chủ đề “Đổi mới - hội nhập - phát triển” đã chính thức khai mạc tại Hội trường Thống Nhất, thu hút đông đảo học sinh (HS), phụ huynh, các nhà quản lý, đầu tư giáo dục… tham gia.
Ngày hội diễn ra từ ngày 22 đến 24-4 với các hoạt động chính gồm 6 hội thảo chuyên đề, định hướng nghề nghiệp cho HS, giới thiệu những mô hình hợp tác đào tạo với các đơn vị, các nước có nền giáo dục tiên tiến, giới thiệu quy hoạch mạng lưới trường lớp của TP.
Theo ông Lê Hồng Sơn, Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM, Ngày hội giáo dục phát triển năm 2014 được tổ chức nhằm mục đích tuyên truyền, triển khai các nội dung nghị quyết số 29-NQ/TW của Hội nghị TW 8 khóa IX về “Đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng XHCN và hội nhập quốc tế”. Với chủ đề năm nay, ngày hội tập trung giới thiệu những thành tựu mà ngành GD-ĐT TP đã đạt được sau hơn 10 năm thực hiện quy hoạch mạng lưới trường học theo quyết định của UBND TP; những mô hình nhà trường tiên tiến, hiện đại đã được triển khai tại TP.HCM; kết quả gặt hái từ công việc đổi mới công tác quản lý giáo dục, đổi mới phương thức dạy học phát huy được năng khiếu, sở thích, năng lực tự học, tự rèn cho các em HS…
Bức tranh thu nhỏ về ngành GD-ĐT
Có mặt tại Ngày hội giáo dục phát triển năm 2014, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Trần Quang Quý đã đánh giá cao về các hoạt động được tổ chức trong ngày hội. “TP.HCM là đơn vị luôn đi đầu cả nước với nhiều sáng kiến giáo dục nhằm nâng cao kỹ năng thực hành ngoại ngữ và nghiên cứu sáng tạo khoa học kỹ thuật cho HS, trong đó có việc tìm hiểu các chương trình tiên tiến của thế giới để áp dụng thí điểm tại các cơ sở giáo dục có điều kiện. Hiện nay, ngành GD-ĐT TP đang tiếp tục thể hiện tính năng động, sáng tạo khi luôn hướng tới các chuẩn giáo dục tiên tiến, chuẩn tiếng Anh để tạo ra những đột phá trong việc dạy và học tiếng Anh trong khuôn khổ của Đề án ngoại ngữ quốc gia”, ông Quý nói.
Với triển lãm trường học tiên tiến hiện đại đã được triển khai, mô hình giới thiệu trường mầm non cho trẻ 6-12 tháng tuổi, mô hình hợp tác đào tạo với doanh nghiệp và các quốc gia có nền giáo dục tiên tiến trên thế giới, các công trình nghiên cứu khoa học của HS… Ngày hội giáo dục phát triển năm 2014 như một bức tranh thu nhỏ về ngành GD-ĐT với những hoạt động phong phú. Khách đến tham gia ngày hội còn rất quan tâm tới mạng lưới trường lớp được quy hoạch tại các quận/huyện, các công trình dự kiến sẽ xây dựng đáp ứng nhu cầu học tập, sinh hoạt và phát triển của đông đảo HS trên toàn TP. Đặc biệt, để đáp ứng nhu cầu cho con em của đối tượng công nhân lao động, sở đã trình xin UBND TP xây dựng, nâng cấp, sửa chữa hàng ngàn phòng học trong năm 2014 và 2015.
Với hơn 150 gian hàng trưng bày và giới thiệu các sản phẩm, thu hút sự tham gia của hơn 90 công ty, xí nghiệp sản xuất, cung ứng sách giáo khoa, trang thiết bị trường học..., HS và khách tham gia ngày hội đã có cái nhìn tổng thể về các mặt hàng chất lượng, trang thiết bị hiện đại có thể được áp dụng trong các trường học nhằm nâng cao khả năng tự sáng tạo, nghiên cứu tại một số trường học trên địa bàn TP hiện nay. Sự góp mặt của các gian hàng thuộc khối trường ĐH, CĐ, TCCN, các đơn vị có yếu tố nước ngoài, tư vấn du học… cũng góp phần định hướng, phân luồng để các em HS có hướng lựa chọn cho con đường tương lai của mình. Bên cạnh đó, ngày hội cũng bố trí các khu vực tư vấn, hỗ trợ cho các nhà đầu tư về thủ tục đầu tư vào các công trình phục vụ giáo dục, tuyển dụng giáo viên các cấp…
Nhiều hoạt động bổ trợ hấp dẫn

Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM Lê Hồng Sơn báo cáo với Bộ GD-ĐT và UBND TP về quy hoạch trường lớp trong thời gian vừa qua. Ảnh chụp tại Ngày hội phát triển giáo dục sáng 22-4. Ảnh: Q.Huy
Bên cạnh các hoạt động triển lãm, trưng bày các hoạt động, sản phẩm giáo dục, ngày hội còn tổ chức nhiều hoạt động bổ trợ chuyên sâu góp phần định hình nhân cách, tiếp “lửa” đam mê cho các em HS trong học tập, nghiên cứu sáng tạo. Với chuyên đề Xây dựng ước mơ lớn, các em HSSV đã có dịp trao đổi cùng các thành viên thuộc Cộng đồng các nhà kiến tạo toàn cầu Global Shapers Việt Nam (Diễn đàn kinh tế thế giới) về các vấn đề du học, bí quyết biến ý tưởng của HSSV thành sản phẩm thực tế, quá trình quay về nước lập nghiệp, khởi nghiệp công nghệ… Em Đỗ Thụy Quỳnh Liên, HS lớp 10 Trường THPT Đinh Thiện Lý cho biết, em rất thích thú khi biết rằng những HS tham gia ngày hội sẽ có cơ hội được giao lưu với lãnh đạo ngành GD-ĐT, nhà nghiên cứu trẻ và các HS nghiên cứu khoa học từng đạt các giải thưởng Olympic quốc tế, Intel Isef, Robotics quốc tế trong đêm giao lưu với chủ đề Chăm lo công tác hỗ trợ nghiên cứu khoa học cho HS. “Đây là vấn đề không chỉ em mà còn có rất nhiều bạn có ý định thực hiện các dự án nghiên cứu khoa học quan tâm”, Liên khẳng định. Riêng với chuyên đề Tự tin trong học tập và cuộc sống, các em HSSV sẽ được ThS. tâm lý Nguyễn Hoàng Khắc Hiếu chia sẻ những tâm lý tuổi mới lớn, nguyên nhân kìm hãm sự tự tin, cách khắc phục và định hướng giúp HSSV tự tin hơn trong cuộc sống.
Ông Lê Mạnh Hà, Phó chủ tịch UBND TP cho rằng: Ngày hội diễn ra trong thời điểm hết sức ý nghĩa với nhiều hoạt động phong phú, thể hiện rõ nét các chủ trương, chính sách sẽ thực hiện trong thời gian sắp tới. Đây cũng là dịp để ngành GD-ĐT báo cáo các công việc đã thực hiện có hiệu quả tới đông đảo quần chúng nhân dân.
Không chỉ riêng HS, các vị phụ huynh tham gia ngày hội cũng sẽ được hiểu thêm về con cái, những vấn đề, lợi ích khi hợp tác cùng nhà trường trong chủ đề giao lưu “Tầm quan trọng của việc hợp tác của phụ huynh với nhà trường”; ý nghĩa của công tác phát hiện sớm và can thiệp sớm cho trẻ khuyết tật trí tuệ mầm non, các dấu hiệu, quy trình thực hiện can thiệp sớm trong chuyên đề nói chuyện với cô Nguyễn Thị Tường Vân - Phó khoa Giáo dục đặc biệt Trường CĐ Sư phạm TW về chủ đề Phát hiện và can thiệp sớm trẻ khuyết tật trí tuệ mầm non.
Ngọc Anh - Quang Huy
Trao đổi với Giáo dục TP.HCM bên lề ngày hội, ông Lê Hồng Sơn - Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM - cho biết, ngành đang tập trung đào tạo và bồi dưỡng lại tất cả từ cán bộ quản lý, giáo viên và các chức danh khác như: Cán bộ thư viện, cán bộ tư vấn tâm lý, bảo mẫu, cấp dưỡng, bảo vệ, giám thị... để mọi chức danh đều có thể tham gia công tác đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục trong nhà trường. Các trường học trên địa bàn TP cũng đang được đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị hiện đại đáp ứng nhu cầu dạy - học, từ đó phát huy tính sáng tạo, sự say mê trong học tập, nghiên cứu của các em. Bên cạnh đó, ngành cũng sẽ tiếp tục nhân rộng mô hình nhà trường chất lượng cao, tiên tiến, hiện đại, tạo điều kiện cho HS học bổ trợ các môn toán, khoa học bằng tiếng Anh. Đây chính là ba nhiệm vụ để tạo sự đột phá trong đổi mới giáo dục theo nghị quyết số 29-NQ/TW của Hội nghị TW 8 khóa IX.