Thứ ba, 29/7/2014, 21h07

Phương án kỳ thi quốc gia: Công bố trước năm học mới

Phó thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu chỉ đạo tại hội nghị. Ảnh: Đ.Lương
Ngày 29-7, tại Hà Nội, Bộ GD-ĐT đã tổ chức Hội nghị tổng kết năm học 2013-2014 và triển khai nhiệm vụ năm học 2014-2015 đối với các bậc học. Phó thủ tướng Vũ Đức Đam đã tới dự và phát biểu chỉ đạo hội nghị.
Đổi mới thi cử
Điểm nổi bật nhất trong năm học vừa qua đối với ngành GD-ĐT đó là những đổi mới trong công tác kiểm tra, đánh giá thi cử với giáo dục phổ thông. Năm học 2013-2014, Bộ GD-ĐT đã đổi mới công tác tổ chức thi tốt nghiệp THPT theo hướng tăng cường giao quyền chủ động trên cơ sở nâng cao tinh thần tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các sở GD-ĐT, tạo cơ chế giám sát cho xã hội. Việc học sinh được tự chọn môn thi cùng với những đổi mới trong cách ra đề theo hướng đánh giá năng lực, tăng yêu cầu vận dụng kiến thức gắn với các vấn đề thực tiễn đã tạo điều kiện để học sinh bày tỏ tư duy, tình cảm và kỹ năng giải quyết vấn đề. Ngoài ra, việc sử dụng kết quả học tập lớp 12 để tính điểm công nhận tốt nghiệp đã có tác dụng khắc phục tình trạng học lệch, học đối phó. Các vi phạm của học sinh, giáo viên trong kỳ thi đã giảm nhiều. Tỷ lệ bài thi đạt điểm trung bình trở lên ở các môn thi đạt 80%. Tỷ lệ tốt nghiệp của hệ THPT là 99,02% (tăng 0,05% so với năm 2013). Trong đó, đỗ loại khá, giỏi đạt 23,33% (tăng 5,48%). Tỷ lệ tốt nghiệp của hệ GDTX là 98,01% (tăng 10,93%); trong đó đỗ loại khá giỏi đạt 3,9% (tăng 0,06%)…
Chưa chốt phương án thi tốt nghiệp 2015

Thí sinh xem lại đề trong kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2014. Ảnh: Lộc Sâm
Tại hội nghị này, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển đã đưa ra dự thảo phương án tổ chức kỳ thi THPT quốc gia. Theo đó, có 3 phương án tổ chức thi. Tuy nhiên, các sở GD-ĐT chưa đi đến một phương án thống nhất. Ông Lê Hồng Sơn - Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM - cho biết năm 2015 thi theo phương án 1 là hợp lý. Đến năm 2016 thi phương án 2. Còn phương án 3 nên để tổ chức rút kinh nghiệm, ra được bài tích hợp để tích hợp nhiều môn nhưng phương án này thực hiện phải có sự chuẩn bị cụ thể. Nên thực hiện từng bước một. Đồng tình với quan điểm này, ông Nguyễn Thanh Đức - Phó chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang - cho rằng để sau 2020 mới thực hiện phương án 3. Trong khi đó, ông Bùi Đức Long - Phó chủ tịch UBND tỉnh Nam Định - lại nghiêng về phương án 2 nhiều hơn.
Sau khi nghe ý kiến của lãnh đạo các tỉnh/thành cũng như các sở GD-ĐT, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu Bộ GD-ĐT và lãnh đạo các sở GD-ĐT cần phân tích kỹ tổ chức 2 kỳ thi được gì? Tổ chức 1 kỳ thi được gì? Về đổi mới thi, ngành GD-ĐT phải đổi mới, làm nghiêm túc, trách nhiệm, trung thực. Sở dĩ đặt ra vấn đề này, theo Phó thủ tướng, nếu các sở GD-ĐT, các trường đều gương mẫu, đều trong sạch thì không cần phải thi. Nếu giáo dục ĐH của Việt Nam cũng tốt như những nước khác, những người vào học rồi, ra trường xứng đáng kỹ sư ra kỹ sư thì không cần đặt vấn đề thi ĐH làm gì. Theo Phó thủ tướng, chúng ta không sợ tốn kém nếu thi là cần thiết. Nhưng nếu thực sự không cần thiết chúng ta phải bỏ. Bây giờ bỏ bớt 1 nhưng vẫn phải đảm bảo 2 mục tiêu. Chúng ta phải tính như thế nào? Điều quan trọng không phải là thi môn gì mà là ngành GD-ĐT phải có một quyết tâm đổi mới. Tới đây, nếu còn một kỳ thi phải làm nghiêm túc, trách nhiệm. Phó thủ tướng cũng chỉ đạo Bộ GD-ĐT lấy ý kiến đóng góp rộng rãi phương án một kỳ thi quốc gia, sau đó đưa ra hội đồng giáo dục và công bố trước khi bước vào năm học mới.
Nghiêm Huê
Thi theo cụm
Bộ GD-ĐT cho biết, mục đích của kỳ thi THPT quốc gia này là xét công nhận tốt nghiệp THPT và là căn cứ để các trường ĐH-CĐ và TCCN sử dụng trong tuyển sinh. Địa điểm tổ chức thi được bố trí thành cụm theo địa bàn tỉnh/thành. Tại mỗi tỉnh/thành có thể có một hoặc một số cụm thi tập trung. Các điểm thi là các trường THPT, ĐH và CĐ. Địa điểm chấm thi cũng thành lập các cụm chấm theo vùng miền... Bộ GD-ĐT dự định kỳ thi sẽ được tổ chức vào tuần thứ hai của tháng 6 hàng năm. Nội dung câu hỏi của đề thi ở cả 4 mức độ nhận biếtthông hiểu, vận dụng, vận dụng cao, vừa có phần cơ bản đáp ứng cho hầu hết thí sinh, vừa có phần nâng cao nhằm phân hóa trình độ học sinh phục vụ công tác tuyển sinh vào các trường ĐH, CĐ. Đề thi được xây dựng theo hướng đánh giá năng lực người học, tăng dần các câu hỏi ở mức độ vận dụng, các câu hỏi mở...
 
3 phương án tổ chức kỳ thi quốc gia

Thí sinh thi ĐH năm 2014 xem lại đề thi. Ảnh: Anh Khôi
Bộ GD-ĐT đã đưa ra 3 phương án tổ chức kỳ thi THPT quốc gia để lấy ý kiến lãnh đạo ngành giáo dục 63 tỉnh/thành trên toàn quốc. Theo đó, phương án 1 thi 8 môn, gồm: Toán, văn, lý, hóa, sinh, sử, địa và ngoại ngữ; có 8 buổi thi trong 4 ngày, mỗi buổi thi 1 môn. Để được xét công nhận tốt nghiệp THPT, mỗi thí sinh phải dự thi 4 môn (gọi là các môn thi tối thiểu) gồm: 3 môn bắt buộc là toán, văn, ngoại ngữ và 1 môn do thí sinh tự chọn trong số các môn còn lại. Kết quả của 4 môn thi tối thiểu được sử dụng để xét công nhận tốt nghiệp THPT và kết quả 4 môn thi này cũng được sử dụng để đăng ký xét tuyển vào các trường ĐH, CĐ có các môn thi phù hợp với ngành đào tạo. Ngoài 4 môn thi nói trên, thí sinh có quyền đăng ký thi thêm các môn của kỳ thi THPT quốc gia còn lại để sử dụng cho việc đăng ký tuyển sinh vào các trường ĐH, CĐ theo yêu cầu của các ngành đào tạo do từng trường ĐH, CĐ quy định. Bộ GD-ĐT cho biết ưu điểm của phương án này là tạo thuận lợi cho việc ra đề thi, đảm bảo đánh giá được mức độ học vấn phổ thông và phân hóa trình độ thí sinh; phân luồng mạnh đối với người học sau THPT; giúp các trường ĐH, CĐ lựa chọn được thí sinh phù hợp với ngành đào tạo của trường. Ngoài ra ít xáo trộn, không gây lo lắng, áp lực tâm lý đối với giáo viên, học sinh nhất là đối với những học sinh đã học xong chương trình THPT từ năm 2014 về trước tham dự kỳ thi. Việc chấm bài thi thuận lợi, dễ dàng. Phương án 2 thi theo bài.Trong kỳ thi, 8 môn học ở lớp 12 (toán, văn, lý, hóa, sinh, sử, địa và ngoại ngữ) được chọn để tổng hợp thành 5 bài thi (bài thi toán; bài thi văn; bài thi ngoại ngữ; bài thi khoa học tự nhiên (lý, hóa và sinh); bài thi khoa học xã hội (sử và địa)). Có 5 buổi thi trong 2,5 ngày, mỗi buổi thi 1 bài. Mỗi thí sinh phải thi 4 bài thi gồm: 3 bài thi bắt buộc là toán, văn và ngoại ngữ; 1 bài thi do học sinh tự chọn từ khoa học tự nhiên hoặc khoa học xã hội. Phương án này có ưu điểm là với 2,5 ngày thi, kỳ thi được tổ chức gọn nhẹ hơn, giảm chi phí tổ chức; mức độ tổng hợp, tích hợp các môn thi thành bài thi mạnh và nhanh hơn phương án 1. Nhưng cũng có những khó khăn như việc thi theo các bài thi tổng hợp chưa được giáo viên và học sinh chuẩn bị đầy đủ, do đó có thể sẽ gây lo lắng, tác động đến tâm lý của giáo viên, học sinh và phụ huynh.Nếu thực hiện ngay từ năm 2015 thì sẽ có những khó khăn, đòi hỏi sự nỗ lực chuẩn bị ở tất cả các khâu: Ra đề, coi thi, chấm thi, tập huấn cho giáo viên... Phương án 3: Thi theo bài. Trong kỳ thi, 11 môn học ở lớp 12 (toán, văn, lý, hóa, sinh, sử, địa, ngoại ngữ, tin học, công nghệ và giáo dục công dân) được chọn để tổng hợp thành 4 bài thi (bài thi toán - tin (gồm các môn toán và tin học); bài thi khoa học tự nhiên (lý, hóa, sinh và công nghệ); bài thi khoa học xã hội (gồm văn, sử, địa và giáo dục công dân); bài thi ngoại ngữ). Có 4 buổi thi trong 2 ngày, mỗi buổi thi 1 bài. Mỗi thí sinh phải thi cả 4 bài nói trên. Ưu điểm của phương án này là với 2 ngày thi, kỳ thi được tổ chức gọn nhẹ hơn, giảm chi phí tổ chức.Mức độ tổng hợp, tích hợp các môn thi thành bài thi mạnh và nhanh hơn phương án 1. Hạn chế việc dạy dồn hoặc cắt xén chương trình đối với những môn không thi như trước đây. Phương án này cũng có hạn chế, đó là việc thi theo các bài thi tổng hợp chưa được giáo viên và học sinh chuẩn bị đầy đủ, do đó có thể sẽ gây lo lắng, tác động đến tâm lý của giáo viên, học sinh và phụ huynh. Nếu thực hiện ngay từ năm 2015 thì sẽ có những khó khăn...
N.H (tổng hợp)