Thứ ba, 16/12/2014, 21h12

SGK ngoại ngữ ở trường phổ thông: Biên soạn cách nào cho chuẩn?

Lần đầu tiên, Bộ GD-ĐT, Đề án ngoại ngữ quốc gia 2020 tổ chức hội thảo giới thiệu và góp ý kiến hoàn thiện tiêu chí đánh giá, thẩm định SGK ngoại ngữ sử dụng trong trường phổ thông. Bộ tiêu chí ra đời là một cố gắng của ngành nhưng cũng đặt ra rất nhiều câu hỏi đối với Đề án 2020 trong thời gian tới.
Cần thiết phải có chuẩn đánh giá
Theo GS. Nguyễn Quốc Hùng, nguyên Phó hiệu trưởng ĐH Ngoại ngữ, ĐH Quốc gia Hà Nội, quy trình tiến hành giảng dạy một bộ môn có ba yếu tố nền tảng tạo nên sự thành công và chất lượng của môn học, đó là giáo trình, người thầy và người trò. Quy trình đó cần một giáo trình tốt, một người thầy giỏi về chuyên môn cũng như về phương pháp giảng dạy và một người trò biết học. Trong 30 năm qua, chúng ta đã đầu tư phát triển tiếng Anh trên phạm vi toàn quốc. Đối với giáo dục công lập, dưới sự chỉ đạo của Bộ GD-ĐT, NXB Giáo dục Việt Nam đã tập hợp một đội ngũ chuyên gia Việt Nam nhằm xây dựng một bộ giáo trình từ lớp 3 đến lớp 12. Vào những năm 1990, bộ giáo trình này đã được tung ra “làm dâu thiên hạ”, sau đó đã trải qua nhiều lần chỉnh sửa để tăng cường chất lượng. Nhưng vì “làm dâu thiên hạ” nên bộ giáo trình đó được góp nhiều ý kiến, có ý kiến xây dựng, chính xác, có ý kiến không hợp lý và cũng có ý kiến đổ oan cho giáo trình. Điều này làm cho chúng ta suy nghĩ hình như chúng ta còn thiếu một khâu nào đó trong cơ chế đào tạo.
Khu vực ngoài công lập, được GS. Hùng đánh giá là “chùm khế ngọt” cho nhiều NXB “trèo hái mỗi ngày” đặc biệt là cấp tiểu học. Trên một địa bàn, ít thì hai ba, nhiều thì dăm bảy bộ giáo trình đã tràn vào các cơ sở đào tạo. Những giáo trình này đều là những giáo trình gốc của nước ngoài, chủ yếu của các NXB Anh, Mỹ. Ai cũng tự hào mình dùng giáo trình của Tây. Nhiều năm gần đây lại thêm những khối liên kết do yêu cầu của phụ huynh là con mình được học giáo trình Tây chính cống, thầy Tây chính cống. Nhưng năm tháng đi qua, nhiều phụ huynh than phiền rằng mình đầu tư cao cho con cái học giáo trình hoành tráng, chính thống từ Tây mang về mà sao con mình vẫn không nói được tiếng Anh như mong muốn? Có lẽ câu trả lời sát sao nhất là: Những giáo trình đó đáp ứng tham vọng của phụ huynh chứ không đáp ứng năng lực cảm thụ ngôn ngữ của con cái họ. Điều này, GS. Hùng cho rằng hình như lại thiếu một cái gì đó trong cơ chế đào tạo. Cái mà chúng ta thiếu đó chính là một chuẩn đánh giá giáo trình và cũng chính là chuẩn xây dựng, biên soạn giáo trình. Nói đúng hơn chuẩn thì có nhưng chuẩn chính thức được Nhà nước Việt Nam công nhận thì chưa có. Khi Đề án 2020 ra đời chúng ta đã nói đến chuẩn châu Âu. Bộ tiêu chí đánh giá, thẩm định SGK ngoại ngữ được cho là một công cụ cần thiết để đảm bảo dạy ngoại ngữ đáp ứng được yêu cầu thực tế. Bộ tiêu chí này đã nhận được sự chia sẻ của 45 sở, 5 trường ĐH trên cả nước và 3 NXB quốc tế.
Chưa kịp “ngấm”

Giờ học tiếng Anh tăng cường tại Trường TH Lê Văn Sỹ (Q.3, TP.HCM). Ảnh: A.K

Theo lý giải của GS. Nguyễn Quốc Hùng và bà Vũ Thị Tú Anh, Ban đề án 2020 thì quy trình đưa ra bộ tiêu chí này là tập hợp một đội ngũ chuyên gia trong toàn quốc vào ngày 13 và 14-2-2014 để xem xét lựa chọn một bộ giáo trình tiểu học trong số 4 giáo trình do các NXB gửi đến. Phục vụ cho yêu cầu chọn SGK này nhóm chuyên gia đã đưa ra 25 tiêu chí. Bộ tiêu chí này được gửi đến một số chuyên gia độc lập xin ý kiến. Vào tháng 6-2014, một nhóm chuyên gia khác xem xét bộ đánh giá với 25 tiêu chí và thống nhất ý kiến cần phát triển sâu hơn. Tuy nhiên, tại buổi hội thảo, chuyên viên ngoại ngữ các sở đều cho biết khi đến tham gia hội thảo, họ mới nhận được bản tiêu chí đánh giá này. Chính vì vậy, họ chưa thể có thời gian để “ngấm”. Ông Nguyễn Minh Trí (Sở GD-ĐT Quảng Ngãi) cho biết vì cả bộ tiêu chuẩn đã phải xây dựng trong một thời gian dài nhưng các sở mới chỉ có vài giờ để đọc nên khó có thể đưa ra được những nhận xét, góp ý chính xác. Tuy nhiên, ông Trí cho rằng đây là xây dựng bộ tiêu chí cho toàn cấp học nên cần đơn giản hơn. Có thể rút xuống chỉ còn 4 tiêu chuẩn thay vì 8 tiêu chuẩn như đã nêu trong bộ tiêu chí. Bà Phạm Thị Thuận (chuyên viên Sở GD-ĐT Sơn La) cho biết ngoài việc các sở chưa kịp “ngấm” bộ tiêu chí này thì bộ tiêu chí còn thiếu tiêu chí đánh giá năng lực của người học, rồi yêu cầu tích hợp các kỹ năng giảng dạy của người dạy. Dạy ngoại ngữ không phải chỉ một kỹ năng mà còn phải cần nhiều kỹ năng trong giờ dạy. Bộ tiêu chí còn có cái áp đặt như dạy học theo hướng như thế nào, diễn dịch hay quy nạp. Không thể cứ “ấn” chỉ duy nhất phương pháp quy nạp như tiêu chí đưa ra. Cái này không hợp lý vì tùy thuộc vào giáo dục và mức độ tiếp nhận của học sinh.
Trong tiêu chuẩn thứ 8, bộ tiêu chí có đề cập đến nội dung mục tiêu của sách phù hợp với nền văn hóa của học sinh Việt Nam, đáp ứng nhu cầu và mối quan tâm của học sinh. Theo GS.TS Hoàng Văn Vân (Khoa Sau ĐH, ĐH Quốc gia Hà Nội) thì nội dung này đáng biểu dương. Tuy nhiên nó vẫn còn những tồn tại. Điểm không hợp lý được GS. Vân đưa ra đó là người Việt học tiếng Anh nhằm mục đích để người nước ngoài hiểu mình và mình hiểu những người khác khi họ nói bằng tiếng Anh chứ không chỉ để giao tiếp với người Anh hay người Mỹ bản xứ. Chính vì vậy mà tiêu chí 33 (nội dung sách dạy cho học sinh cách tương tác trong một nền văn hóa khác với nền văn hóa của mình) không phải là tiêu chí đánh giá SGK tiếng Anh ở Việt Nam.
Có nhiều ý kiến còn băn khoăn, bộ tiêu chí này còn chưa có quyết định cuối cùng, trong khi bộ SGK tiếng Anh tiểu học được Bộ GD-ĐT ban hành đã đi vào thực tế. Vậy bộ SGK này của bộ sẽ được đánh giá như thế nào?
Nghiêm Huê