Thứ ba, 20/8/2013, 20h08

Sử dụng di sản trong dạy - học: Những việc cần làm ngay

Học sinh TP.HCM tham quan học thực tế về rừng ngập mặn tại huyện Cần Giờ. Ảnh: H.Triều
Bắt đầu từ học kỳ II năm học 2012-2013, việc sử dụng di sản trong dạy học ở trường phổ thông chính thức được thí điểm tại 7 tỉnh, thành phố trong cả nước. Sau một học kỳ, ngày 20-8, tại Hà Nội, Bộ GD-ĐT, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và UNESCO đã tổ chức Hội nghị giao ban đánh giá kết quả đạt được về việc thí điểm này.
Khẳng định tính hiệu quả
7 tỉnh, thành phố tham gia thí điểm đợt đầu gồm: TP.HCM, Hà Nội, Quảng Ninh, Quảng Nam, Thừa Thiên - Huế, Phú Thọ, Bắc Giang. Theo ông Vũ Đình Chuẩn, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học, Bộ GD-ĐT, di sản được đưa vào giảng dạy ở 3 môn học là lịch sử, địa lý và âm nhạc. Kết quả cho thấy, giáo viên lựa chọn nội dung các tiết dạy tích hợp, liên hệ hoặc sử dụng di sản trong dạy học phức hợp, đúng địa chỉ. Đặc biệt, ông Chuẩn khẳng định giáo viên tổ chức tiết dạy có sự linh hoạt, sáng tạo, học sinh hứng thú, tích cực hơn trong các giờ dạy có sử dụng di sản. Các em được tham gia vào nhiều hoạt động học tập như sưu tầm tranh, ảnh, tư liệu, hiện vật có liên quan đến bài học. Hình thức dạy học khi sử dụng di sản được đa dạng hóa, dạy tại lớp, đi thực địa, tổ chức dưới hình thức ngoại khóa.
Đại diện Trường THCS Đặng Huy Trứ (Thừa Thiên - Huế) cho biết, di sản được đưa vào dạy tại trường dưới hình thức đi thực tế tại các di sản như cung đình Huế. Qua các tiết học thực tế, học sinh có được các kỹ năng quan trọng như làm việc theo nhóm, kỹ năng hợp tác, kỹ năng thuyết trình. Là người trực tiếp giảng dạy, thầy Phạm Phú Cường, giáo viên dạy nhạc Trường THCS Nguyễn Chí Thanh (Duy Phú, Duy Xuyên, Quảng Nam) cho biết từ sau khi được tập huấn, thầy đã tiến hành nghiên cứu, liệt kê các tiết dạy của khối 6, 7, 8 xem tiết nào lồng ghép, sử dụng di sản trong dạy học phù hợp và hiệu quả. Đồng thời tìm tư liệu liên quan đến tiết dạy, soạn giáo án, tiến hành hoạt động dạy học và cuối cùng là tổ chức giáo dục truyền thống thông qua hoạt động ngoại khóa tại di tích đóng trên địa bàn địa phương. Một kinh nghiệm mà thầy Cường rút ra đó là trong việc khai thác dạy học, thầy luôn chú ý tránh sự nhầm lẫn giữa việc “sử dụng di sản trong dạy học” với việc “dạy di sản trong tiết học”. Chính vì vậy, những tiết học của thầy đã thực sự thu hút sự chú ý của học sinh. Thầy Cường lấy ví dụ, đối với âm nhạc lớp 6, trong tiết 26 (giới thiệu về nhạc đàn và nhạc hát), phần khí nhạc, ngoài vấn đề cho các em tiếp cận các loại nhạc đàn của phương Tây, thầy đã lồng ghép thêm phần biểu diễn nhạc cụ dân tộc. Đây là phần hấp dẫn nhất đối với học sinh bởi các em nhìn thấy những clip biểu diễn hòa tấu các nhạc cụ dân tộc và cho các em biết đó là di sản cần phải giữ gìn và phát huy.
Còn tại TP.HCM, báo cáo của Sở GD-ĐT cho thấy, thuận lợi của ngành khi đưa di sản vào giảng dạy đó là địa phương có nhiều di sản về lịch sử, địa lý và âm nhạc. Giáo viên rất tâm huyết và tích cực trong việc soạn giảng, sưu tầm tư liệu để phục vụ cho việc giảng dạy tích hợp, sử dụng di sản, tạo cho hoạt động bộ môn thêm phong phú, sinh động. Sở đã đưa di sản vào giảng dạy lồng ghép thí điểm tại một số trường như THCS Hoàng Hoa Thám (Tân Bình), THCS Nguyễn Du (Gò Vấp), THPT chuyên TDTT Nguyễn Thị Định (quận 8), THPT Trần Phú (Tân Phú), THPT Trần Quang Khải (quận 11)...
Triển khai đại trà từ năm học này

Năm học 2013-2014, Bộ GD-ĐT sẽ triển khai đại trà việc sử dụng di sản trong dạy học. Ảnh: H.Triều

Qua kết quả thí điểm, Bộ GD-ĐT đã rút ra một số kinh nghiệm cũng như khó khăn của việc đưa di sản vào giảng dạy trong các trường. Theo ông Vũ Đình Chuẩn, những khó khăn gồm việc hiểu và sử dụng di sản trong dạy học ở một số cán bộ quản lý, giáo viên còn chưa thống nhất; một số giáo viên chưa vận dụng thành thục tiến trình sư phạm của bài giảng sử dụng di sản trong dạy học dẫn đến việc áp dụng khiên cưỡng, thiếu hiệu quả. Ở một số cơ sở giáo dục, vẫn còn có những cán bộ quản lý chưa thật quan tâm thường xuyên đến vấn đề này, giao khoán cho toàn bộ giáo viên; một số giáo viên còn thụ động trong việc nghiên cứu, thiết kế nội dung và tiến trình sử dụng di sản trong dạy học, chưa thật chủ động trong việc sưu tầm tư liệu, tranh ảnh về di sản để sử dụng trong dạy học. Việc xây dựng nguồn tài liệu giới thiệu về các di sản còn thiếu do đó giáo viên gặp khó khăn về nội dung các di sản có liên quan đến bài học. Bên cạnh đó, các sở GD-ĐT, các trường THPT, THCS thực hiện thí điểm còn gặp một số khó khăn nữa liên quan đến vấn đề kinh phí và thời gian. Theo Sở GD-ĐT TP.HCM, bản thân các giáo viên chưa có điều kiện đến tìm hiểu ngay tại các di sản (cấp quốc gia và thế giới) nên khó đạt chất lượng giáo dục tốt nhất. Học sinh ít đầu tư thời gian cho việc nghiên cứu, học tập bộ môn (bộ môn khoa học xã hội) do lối sống thực dụng như hiện nay, do áp lực thi cử, áp lực từ phía gia đình.
Về phía Bộ GD-ĐT, ông Vũ Đình Chuẩn nhấn mạnh: Từ năm học 2013-2014 sẽ triển khai đại trà việc sử dụng di sản trong dạy học ở trường phổ thông trên toàn quốc. Bên cạnh các môn lịch sử, địa lý, âm nhạc đã triển khai thí điểm, năm nay sẽ bổ sung thêm môn ngữ văn và mỹ thuật sử dụng di sản trong dạy học ở trường phổ thông. Bộ sẽ chỉnh sửa, hoàn thiện tài liệu hướng dẫn đối với các môn đã triển khai, biên soạn mới tài liệu sử dụng di sản trong dạy học ở trường phổ thông đối với các môn ngữ văn, mỹ thuật. Bộ sẽ xây dựng và cung cấp đĩa hình dạy minh họa để cán bộ quản lý, giáo viên tham khảo...
Nghiêm Huê