Thứ tư, 4/9/2013, 15h09

Thách thức của ngành giáo dục trong năm học mới

Thiếu giáo viên là một trong những vấn đề làm “đau đầu” ngành giáo dục (trong ảnh phỏng vấn tuyển giáo viên tại TP.HCM). Ảnh: H.Triều

Năm học mới 2013-2014 đã bắt đầu. Đây được coi là năm học sẽ có nhiều thử thách đối với ngành, nhất là vấn đề nâng cao chất lượng dạy và học.
Vấn nạn dạy thêm, học thêm
Để quản lý dạy thêm, học thêm, Bộ GD-ĐT đã ban hành nhiều văn bản hướng dẫn. Thông tư số 17/2012 đã quy định rất rõ về vấn đề này. Trong trả lời chất vấn của cử tri, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT cũng cho biết để tháo gỡ những lo lắng, bức xúc của xã hội về tình trạng dạy thêm học thêm trái quy định, cùng với các quy định hiện hành, Bộ GD-ĐT đã và đang tập trung chỉ đạo thực hiện một số giải pháp: Chú trọng công tác giáo dục phẩm chất tận tụy, hết lòng vì học sinh cho đội ngũ giáo viên; tăng cường công tác tuyên truyền tạo sự đồng thuận của cha mẹ học sinh, sự phối hợp có hiệu quả của các cơ quan chức năng và chính quyền trong việc giáo dục học sinh. Tăng cường quản lý giáo viên trong việc thực hiện chương trình dạy học, thực hiện quy định dạy thêm học thêm, nghiêm cấm cắt xén chương trình để đưa vào dạy thêm hoặc ép buộc học sinh học thêm dưới bất kỳ hình thức nào. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, đánh giá việc chuẩn bị bài và giảng dạy của giáo viên trong giờ chính khóa và dạy thêm, kiên quyết xử lý giáo viên vi phạm quy định. Tiếp tục rà soát, điều chỉnh nội dung dạy học theo hướng tinh giảm đảm bảo chuẩn kiến thức, kĩ năng trong chương trình, tập trung đổi mới phương pháp dạy học, đổi mới kiểm tra đánh giá, công tác thi theo hướng gắn với thực tiễn, đánh giá khách quan, thực chất năng lực của học sinh, không yêu cầu học sinh “học vẹt”, ghi nhớ máy móc. Tăng cường tổ chức dạy học 2 buổi/ngày để học sinh được tăng thời lượng tự học có hướng dẫn; chú trọng bồi dưỡng học sinh giỏi, bồi dưỡng kiến thức cho học sinh ôn thi ĐH, thi chuyển cấp, quan tâm phụ đạo học sinh yếu kém ở trường và tổ chức các hoạt động giáo dục thực hiện mục tiêu giáo dục toàn diện. Đổi mới công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục, hoàn thiện cơ chế chính sách cho nhà giáo, khuyến khích học sinh giỏi thi vào ngành, trường sư phạm để nâng cao hơn nữa chất lượng dạy học.
Hiện nay, Bộ GD-ĐT đang triển khai biên soạn chương trình, sách giáo khoa các bậc học phổ thông để áp dụng từ sau năm 2015 theo định hướng tiếp cận năng lực học sinh, góp phần khắc phục tình trạng dạy thêm học thêm tràn lan. Theo báo cáo của các địa phương và kết quả thanh tra, kiểm tra đầu năm học 2012-2013 của Bộ GD-ĐT cho thấy, các địa phương đã quan tâm chỉ đạo thực hiện các quy định này trên địa bàn. Đến nay đã có 38 tỉnh tham mưu cho UBND tỉnh, thành phố ra quyết định ban hành quy định về quản lý dạy thêm học thêm trên địa bàn; các địa phương còn lại đang hoàn thiện văn bản và xin ý kiến các sở, ngành trước khi trình UBND tỉnh. Cùng với việc ban hành các văn bản chỉ đạo, nhiều địa phương đã có các giải pháp quyết liệt chấn chỉnh tình trạng dạy thêm học thêm trái quy định (như: Quảng Ninh, Đà Nẵng, Phú Yên, Quảng Nam…). Tuy nhiên, đó là giải pháp của cơ quan quản lý. Thực tế, vấn đề dạy thêm, học thêm vẫn chưa khiến xã hội yên tâm. Bởi, mặc dù đã có những quy định, chế tài cụ thể nhưng học thêm, dạy thêm ở các nơi vẫn có nhiều biến tướng. Trước thềm năm học mới, Thanh tra Bộ GD-ĐT cũng khẳng định sẽ kiên quyết mạnh tay với vấn đề này. Mặc dù vậy, vấn đề xử lý học thêm, dạy thêm của ngành hiện nay vẫn chỉ là “bắt cóc bỏ đĩa”, chưa xử lý được tận gốc vấn đề.
Tiêu cực trong thi cử
Một kỳ thi hay hai kỳ thi? Bộ GD-ĐT khẳng định sau 2015 sẽ trả lời cụ thể câu hỏi này. Cùng với đó là các giải pháp chống tiêu cực được bộ đưa ra. Cho phép mang máy ghi âm, ghi hình không có thẻ nhớ, không phát trực tiếp vào phòng thi được bộ cho là giải pháp đột phá nhưng lại khiến dư luận xã hội băn khoăn. Trong kỳ thi tốt nghiệp 2013, tiêu cực tại Hội đồng thi Trường THPT Quang Trung (Hà Nội) được đưa ra, nhưng người phản ánh tiêu cực không phải là những em thí sinh trong phòng thi mà là các phóng viên báo chí. Đó chỉ là một hội đồng. Còn các hội đồng thi khác trong cả nước sẽ như thế nào khi mà người được Bộ GD-ĐT kỳ vọng sẽ phản ánh tiêu cực (thí sinh) chính là người được hưởng lợi từ tiêu cực? Nếu đã xác định có tiêu cực thì không dại gì thí sinh đứng lên tố cáo chính mình. Sự việc tại Đồi Ngô là một ngoại lệ. Còn thực tế, thí sinh và phụ huynh ai cũng muốn có lợi nhất về mình. Trao cho họ một cái quyền mà gây bất lợi cho họ trong khi lại làm khó cho hội đồng thì liệu có nên?  Dư luận không đồng tình về giải pháp này của Bộ GD-ĐT. Họ cho rằng, đây là giải pháp chứng tỏ ngành đã bất lực trước tiêu cực trong thi cử. Và tại sao chỉ có kỳ thi tốt nghiệp THPT vấn đề này mới đáng lo ngại, trong khi đó, kỳ thi ĐH, CĐ lại được dư luận ủng hộ và yên tâm về chất lượng?
Thiếu giáo viên
Bộ GD-ĐT thông báo cả nước còn thiếu 27.000 giáo viên. Trong khi đó, thực tế, các tân nhà giáo ra trường lại không xin được việc. Bộ nói Thanh Hóa, Nghệ An, Bắc Giang đang thiếu gần 1.000 giáo viên. Còn Thanh Hóa, Nghệ An lại nói họ đang thừa hàng ngàn giáo viên. Sự vênh nhau về con số thiếu và thừa này có thể dễ hiểu những môn thiếu cứ thiếu, môn thừa cứ thừa. Vậy trách nhiệm của các nhà quản lý, các nhà sử dụng nhân lực ở đâu khi để cho người lao động tự bơi không phương hướng?
Đó còn chưa kể chất lượng đội ngũ giáo viên đang thực sự chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế. Giáo viên khó tiếp cận với đổi mới phương pháp dạy học và chương trình, sách giáo khoa phổ thông. Phẩm chất đạo đức nhà giáo cũng đang là vấn đề bức thiết. Các trường ĐH, CĐ sư phạm đang đi theo xu hướng phát triển đa ngành. Thực tế này cho thấy, chất lượng của bộ máy cái đang bị đảo lộn bởi nhu cầu sống còn tồn tại.
Cùng với chất lượng đội ngũ nhà giáo, chất lượng nguồn nhân lực nói chung cũng có nhiều điều phải bàn. 5/43 thủ khoa ĐH của Hà Nội thi trượt công chức vào các sở ban ngành của thành phố. Thủ khoa còn trượt thì những thí sinh khác sẽ thế nào? Chất lượng đào tạo thực tế ở đâu?
Những băn khoăn của dư luận về giáo dục cũng chính là thách thức đối với ngành khi năm học mới bắt đầu.
Nghiêm Huê