Chủ nhật, 26/10/2014, 21h10

Tuyển sinh ĐH-CĐ 2015: Nhiều tổ hợp xét tuyển sẽ bị rối

Thí sinh thi vào Trường ĐH Sài Gòn năm 2014 đang làm bài thi. Ảnh: M.Tâm
Bộ GD-ĐT hiện đã nhận được phương án tuyển sinh của rất nhiều trường ĐH, CĐ. Trong số các phương án, các trường đều xét nhiều tổ hợp môn thi. Có những tổ hợp rất lạ như toán - hóa - Anh, ngữ văn - lịch sử - ngoại ngữ… Cùng với các khối thi truyền thống, việc đưa ra nhiều tổ hợp xét tuyển mới cũng khiến nhiều thí sinh băn khoăn, lo lắng, thậm chí hoang mang. Giáo dục TP.HCM đã có cuộc trao đổi với ông Trần Văn Nghĩa, Phó cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục, Bộ GD-ĐT về vấn đề này.
PV: Thưa ông, hiện nay xuất hiện nhiều tổ hợp xét tuyển vào ĐH, CĐ mới. Ông đánh giá như thế nào về các tổ hợp này?
Chọn các môn để xét tuyển, các trường phải tuân thủ theo thông tư 5151 của Bộ GD-ĐT ban hành trong tháng 9-2014 vừa qua. Trong thông tư này, có mấy vấn đề cần được hiểu rõ.
Thứ nhất, các trường phải xét tuyển theo các khối thi truyền thống để không gây hoang mang, sốc cho thí sinh. Vì thí sinh đã định hướng học từ 3 năm nay theo các khối thi đó. Các em vẫn phải học đều các môn nhưng những môn các em dự kiến thi ĐH sẽ học nhiều hơn.
Thứ hai là các trường có quyền mở rộng tổ hợp. Lợi thế của thi theo môn là các trường có thể chọn được tổ hợp môn theo đúng ngành họ mong muốn. Trước kia, các trường chọn theo khối có thể đúng, như kỹ thuật chọn toán - lý - hóa, khoa học xã hội nhân văn chọn văn - sử - địa. Nhưng một số ngành lại là nơi giao thoa giữa hai khối ngành trên. Do vậy, có thể nói đa số các ngành chọn được đúng khối của mình, chỉ một số ngành là không hoàn toàn đúng. Bây giờ thi theo môn, các trường sẽ điều chỉnh được điều này. Những năm trước, chúng ta đã có một tổ hợp môn mới gọi là khối A1 (toán - lý - Anh), nhưng việc điều chỉnh này không đủ để bao hết các ngành khác. Nhưng trong khi mở rộng, chúng tôi quán triệt tinh thần các trường không được mở rộng quá dẫn đến tình trạng lộn xộn. Đó là khi mở rộng, các trường phải lưu ý các tổ hợp đó phải có một trong 2 môn toán hoặc văn, thậm chí được cả toán và văn thì tốt. Tuy nhiên, một vài trường chưa hiểu đúng tinh thần công văn nên xây dựng các tổ hợp môn xét tuyển hoàn toàn mới. Và đúng là cũng có trường sử dụng quá nhiều tổ hợp cho một khối ngành (có trường xây dựng đến 12 tổ hợp cho một ngành). Điều này không có lợi đối với thí sinh và gây phức tạp cho công tác tuyển sinh của các nhà trường. Thứ ba là những ngành nào thấy cần thiết, các trường có thể quy định môn chính để nhân hệ số 2.
Nhiều tổ hợp mới, theo ông có tạo nên sự bất công bằng giữa những thí sinh có lực học trung bình và thí sinh có lực học khá giỏi không? Vì trước đây, thí sinh chọn ngành, trường thi trước rồi mới thi. Bây giờ, thí sinh biết điểm rồi mới chọn ngành, chọn trường.

Thí sinh thi vào ĐH Đà Nẵng năm 2014 xem lại bài sau khi rời phòng thi. Ảnh: V.Yên

Học sinh kém không cạnh tranh được với học sinh giỏi là đúng, học sinh học giỏi hơn, toàn diện hơn có nhiều cơ hội hơn là đúng. Khi có nhiều tổ hợp khác nhau thì đúng là học sinh có cơ hội nhiều hơn và đương nhiên học sinh thi nhiều môn hơn thì có cơ hội nhiều hơn. Đó là sòng phẳng. Trong nguyên tắc, nếu không có gì thay đổi, các em hoàn toàn có thể đăng ký thi 8 môn. Nhưng theo tôi, các em đừng có dại mà đăng ký cả 8 môn. Vì nguyên tắc muốn thi tốt phải có chuẩn bị tốt. Chuẩn bị trong 5 môn hoặc 6 môn thì dễ có kết quả cao hơn 8 môn.
Nhưng vấn đề ở chỗ, việc lạm dụng tuyển nhiều tổ hợp mới xét tuyển thì có mấy vấn đề các trường phải xử lý. Thứ nhất, việc đưa ra nhiều tổ hợp để xét tuyển sẽ khiến học sinh rối, không thể chọn được chính xác. Thứ hai, khi các trường chọn nhiều tổ hợp nhưng lại lệch nhau về giá trị thì làm sao biết được năng lực của thí sinh bằng nhau. Hơn bao nhiêu là bằng nhau giữa các tổ hợp? Cái này là bất công bằng cho thí sinh. Làm sao con gà so được với con vịt? Có người cho rằng, mỗi tổ hợp các trường nên xác định lấy bao nhiêu chỉ tiêu. Tuy nhiên, như thế khó cho các trường.  Bộ không đặt nặng về vấn đề này. Vì như thế sẽ làm mất tự chủ của các trường. Các trường cần xác định chỉ nên chọn thêm một tổ hợp mới để xét, là tổ hợp tâm đắc nhất với trường, mà từ trước tới giờ chưa làm được vì thi theo khối.
Ông đánh giá thế nào khi trường kinh tế có tổ hợp môn văn, sinh?
Các trường chọn môn nào là quyền của các trường tôi không bình luận. Kể cả việc trường y chọn  môn văn tôi cũng không có ý kiến gì. Nhưng nếu sai với thông tư 5151 là tôi không đồng ý. Quá nhiều tổ hợp chúng tôi cũng không đồng ý. Như Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga đã nói thì mỗi ngành không được xét tuyển quá 4 tổ hợp.
Xin cảm ơn ông!
Nghiêm Huê (thực hiện)