Chủ nhật, 11/5/2014, 19h05

Tuyển sinh vào lớp 10 tại TP.HCM: Chọn trường tránh rớt 3 nguyện vọng

Giáo viên Trường THCS Lam Sơn, Q.Bình Thạnh tư vấn giúp PH chọn trường cho con (ảnh chụp chiều 9-5)
Chỉ tiêu tuyển sinh vào lớp 10 công lập tại TP.HCM năm học 2014-2015 khoảng 62 ngàn học sinh (HS) nhưng dự kiến có khoảng 76 ngàn HS tốt nghiệp THCS. Như vậy, sẽ có khoảng 14 ngàn HS rớt lớp 10 công lập. Hơn nữa, năm nay thành phố xóa bỏ hình thức xét tuyển nên theo dự đoán của nhiều chuyên gia, kỳ thi này sẽ căng thẳng hơn năm học trước.
Vừa qua, các trường THCS đã gấp rút tư vấn cách chọn trường vừa sức cho cả phụ huynh (PH) và HS để tránh rớt cả 3 nguyện vọng. Tuy nhiên, không phải PH nào cũng lắng nghe và làm đúng theo tư vấn của PH vì kỳ vọng quá cao ở con.
Đừng kỳ vọng quá cao ở con
Ngay trong dịp lễ, một số trường THCS như Trường Trần Văn Ơn (Q.1), Nguyễn Gia Thiều (Q.Tân Bình)… đã tổ chức tư vấn chọn trường cho PH. PH vẫn đến đông đủ, có HS còn dẫn cả bố lẫn mẹ đi nên thiếu chỗ ngồi, PH đành phải đứng ở cửa lớp, hành lang… Mặc dù PH lắng nghe khá kỹ cách tư vấn của giáo viên nhưng vẫn còn nhiều người kỳ vọng khá cao về con, mong muốn con thi ở các trường tốp cao hơn năng lực thực sự.
Thầy Nguyễn Hữu Hạnh, Hiệu trưởng Trường THCS Đống Đa (Q.Bình Thạnh) chia sẻ:  “Việc PH kỳ vọng quá cao vào con, sợ con thi đạt điểm cao mà lại chọn trường thấp điểm hơn sẽ dẫn đến tiếc nuối nên dù giáo viên đã tư vấn kỹ họ vẫn quyết định cho con thi theo nguyện vọng của mình. Trong trường hợp này, tôi nghĩ PH nên cân nhắc thật kỹ, xét cả quá trình học 4 năm THCS của con cộng với việc lắng nghe, tôn trọng ý kiến của giáo viên để các em có một kết quả tốt nhất”.
Đồng tình với ý kiến này, thầy Trần Văn Giàu, Phó hiệu trưởng Trường THCS Minh Đức (Q.1) cho hay: “Thông thường, ở trường tôi, PH có con học tại lớp tăng cường tiếng Anh và lớp bán trú kỳ vọng khá cao về con nên chọn trường có điểm chuẩn cao hơn so với tư vấn của giáo viên chủ nhiệm. Vì vậy, trong những năm qua, vẫn có một số HS rớt lớp 10 do sự kỳ vọng này (mỗi năm khoảng 5 đến 10 em)”.
Trong khi hầu hết PH kỳ vọng quá cao về con thì một số ít lại quá thận trọng, không dám chọn trường quá cao dù học lực của các em rất tốt. “Một số PH nắm rất kỹ tình hình thi lớp 10, họ phân tích rõ số lượng thí sinh dự thi từng quận tăng như thế nào, chỉ tiêu, điểm chuẩn các trường mỗi năm ra sao nên họ cho rằng sẽ căng thẳng hơn năm trước. Vì thế, họ không dám chọn trường tốp cao cho con. Chẳng hạn, ngay sau buổi tư vấn, một cặp vợ chồng đến nhờ hiệu trưởng tư vấn thêm vì khi giáo viên chủ nhiệm phân tích, cộng điểm thi học kỳ và các điểm ưu tiên, khuyến khích lại thì đạt đến 42 điểm, cặp vợ chồng này vẫn không dám cho con thi ở Trường THPT Gia Định (điểm chuẩn năm học trước nguyện vọng 1 lấy 35,25 điểm mà chỉ dám đăng ký cho con thi vào trường bình thường như THPT Nguyễn Thị Diệu, THPT Marie Curie”, cô Trần Thúy An, Hiệu trưởng Trường THCS Trần Văn Ơn (Q.1) cho biết.
Với những trường hợp này, theo nhiều chuyên gia và hiệu trưởng thì PH là người quyết định cho con thi trường nào nhưng cần lắng nghe thật kỹ cách phân tích của giáo viên chủ nhiệm bởi giáo viên chủ nhiệm là người nắm sát thực lực học tập của HS để chọn trường phù hợp.
Cộng điểm, trừ hao để chọn trường phù hợp

Giáo viên chủ nhiệm chia sẻ kinh nghiệm chọn đúng trường, vừa sức học cho phụ huynh học sinh. Ảnh chụp tại Trường THCS Lam Sơn (Q.Bình Thạnh) chiều 9-5.
Cũng giống như những năm trước, giáo viên các trường THCS thường chia các trường THPT thành từng tốp để tư vấn. Thầy Nguyễn Văn Hải, Hiệu trưởng Trường THCS Minh Đức (Q.1) chia sẻ kinh nghiệm: “Dựa vào chỉ tiêu tuyển sinh, bảng điểm chuẩn các trường THPT 3 năm gần đây, giáo viên chủ nhiệm có thể chia thành 3 tốp trường hoặc 5 tốp trường để tư vấn cho PH và HS. Ngoài ra, một số yếu tố cần căn cứ để chọn trường nữa là khoảng cách từ nhà đến trường, điều kiện kinh tế gia đình…”.
Đối với cách chia tốp để chọn trường, cô Trần Thúy An đưa ra lời khuyên: “PH nên lấy điểm chuẩn các trường THPT 3 năm gần đây rồi chia thành 5 tốp, mỗi tốp cách nhau khoảng 5 điểm như tốp 1 từ 35 điểm trở lên (THPT Nguyễn Thị Minh Khai, Bùi Thị Xuân, Nguyễn Thượng Hiền…), tốp 2 từ 30 điểm đến 34,75 điểm (Trung học Thực hành ĐH Sư phạm, Lương Thế Vinh, Lê Quý Đôn…), tốp 3 từ 25 đến 29,75 điểm (THPT Hùng Vương, Marie Curie, Nguyễn Trãi…), tốp 4 từ 20 điểm đến 24,75 điểm (THPT Tenlơman, Lê Thánh Tôn…) và các trường tốp 5 dưới 20 điểm (THPT Lê Thị Hồng Gấm, Nguyễn Hữu Thọ…). Sau đó, cộng tổng điểm thi học kỳ 2 môn toán, văn và tiếng Anh lại (trong đó, môn văn và môn toán nhân đôi) và cộng thêm cả điểm ưu tiên khuyến khích rồi trừ hao khoảng 3 điểm vì tâm lý HS thi lớp 10 sẽ khác so với thi học kỳ”.
Đồng quan điểm này, thầy Nguyễn Hoài Bảo Chương, Phó hiệu trưởng Trường THCS Lam Sơn (Q.Bình Thạnh) tư vấn: “Năm ngoái, sau khi cộng điểm, trường chúng tôi trừ hao 15% số điểm, kết quả chỉ có 0,8% (2/225) số HS dự thi có điểm thi thực sự cao hơn số điểm dự kiến nhưng năm nay chúng tôi khuyên nên trừ hao 20%. Sở dĩ, năm nay nhà trường khuyên PH trừ hao nhiều hơn 5% bởi năm trước đề thi vào lớp 10 khá dễ, năm nay đề thi học kỳ 2 của Phòng Giáo dục quận ra cũng không khó lắm…”.
Đối với những em thi vào các trường tốp trên, thầy Nguyễn Văn Vượng, Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Gia Thiều cho rằng: “Để thi vào lớp 10 ở các trường có điểm chuẩn những năm gần đây rất cao như THPT Nguyễn Thượng Hiền, Nguyễn Thị Minh Khai thì ngoài điểm các môn toán, văn và tiếng Anh ở lớp rất cao, các em cần có thêm các điểm ưu tiên, khuyến khích khác”.
Bài, ảnh: Dương Bình
Môn thi thứ ba là ngoại ngữ
Cuối tuần qua, Sở GD-ĐT TP.HCM đã công bố môn thi thứ ba vào lớp 10 THPT là ngoại ngữ. Thí sinh thi viết ba môn ngữ văn, môn toán (120 phút/môn) và môn ngoại ngữ (tiếng Anh, tiếng Pháp hoặc tiếng Nhật) với thời gian 60 phút) trong hai ngày 21 và 22-6. Thời gian làm bài thi môn chuyên hóa học và ngoại ngữ là 120 phút, các môn khác là 150 phút.