Thứ hai, 20/4/2015, 07h04

Cấm thi vào lớp 6: Các trường ngoài công lập bế tắc

Hội diễn văn nghệ Ngày hội CNTT tại Trường Hà Nội - Amsterdam. Ảnh: I.T

Tối 16-4, Sở GD-ĐT Hà Nội cho phép 3 trường THCS được phép khảo sát năng lực học sinh qua các trò chơi trí tuệ, IQ, EQ. Nhưng đến tối 17-4, 3 trường lại nhận được công văn hỏa tốc của Sở GD-ĐT Hà Nội yêu cầu các trường chỉ được xét tuyển, không được khảo sát năng lực học sinh nữa. Điều này đã khiến các trường bức xúc.
Quy định “vả” nhau
Trả lời báo chí, ông Phạm Văn Đại, Phó giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội cho biết theo quy định của bộ, năm nay các trường không được thi tuyển văn hóa để chọn đầu vào, 6 trường đã gửi phương án về Sở GD-ĐT quyết định chỉ cho phép 3 trường được phép xét tuyển kết hợp đánh giá năng lực học sinh. Cụ thể, năm học 2015-2016, Trường Nguyễn Tất Thành (thuộc Trường ĐH Sư phạm) đề xuất phương thức tuyển sinh lớp 6 theo phương thức xét tuyển kết hợp với đánh giá năng lực HS; Phương án của Trường Lương Thế Vinh và Trường Marie Curie xây dựng là xét tuyển kết hợp với đánh giá năng lực HS thông qua việc tổ chức các trò chơi trí tuệ. 3 trường còn lại là Hà Nội - Amsterdam, Cầu Giấy và Nam Từ Liêm đều xét tuyển.
Chiều 17-4, Trường Marie Curie tổ chức gặp gỡ báo chí để thông báo mẫu đề khảo sát năng lực của mình. Tuy nhiên, đến 21 giờ, trên website chính thức của Sở GD-ĐT Hà Nội xuất hiện công văn hỏa tốc gửi UBND các quận, huyện, thị xã; các phòng GD-ĐT quận, huyện yêu cầu tất cả các trường THCS trên địa bàn TP tuyển sinh vào lớp 6 theo phương thức xét tuyển. Với văn bản hỏa tốc này, việc 3 trường vừa được Sở GD-ĐT thông báo đồng ý cho phép tổ chức tuyển sinh vào lớp 6 theo hình thức xét tuyển kết hợp với đánh giá năng lực học sinh bị hủy bỏ.
Các trường “choáng”
Trao đổi qua điện thoại với Giáo dục TP.HCM, PGS. Văn Như Cương, Chủ tịch Hội đồng quản trị Trường Lương Thế Vinh, Hà Nội cho biết quy định thay đổi xoành xoạch. Một đợt khủng hoảng nối tiếp đợt này đến đợt khác tự mình tạo ra gây xáo trộn dư luận xã hội mà không giải quyết được việc gì. Thứ hai là chỉ thị của UBND TP.Hà Nội còn bảo hoàng hơn chỉ thị của Bộ GD-ĐT. Vì bộ chỉ quy định không được thi các môn văn hóa. Còn với các trường có số lượng hồ sơ tuyển sinh đông thì có thể tự tìm ra phương án tuyển sinh cho thích hợp để bảo đảm được chính xác, công bằng, minh bạch. Vì thế suốt thời gian đó, các trường tự soạn ra phương án của mình dưới sự giám sát của sở. Nhưng đến tối 17-4 lại có công văn hỏa tốc như “đánh giặc giải phóng miền Nam”. Điều này thật khó hiểu! PGS. Cương vô cùng bức xúc vì văn bản của UBND TP và của Sở GD-ĐT Hà Nội đã không lắng nghe ý kiến của các trường.
Còn thầy Nguyễn Xuân Khang, Hiệu trưởng Trường Marie Curie cho biết các thầy cô trong Ban Giám hiệu nhà trường vô cùng bàng hoàng khi nhận công văn yêu cầu chỉ tuyển sinh bằng việc xét tuyển vì chỉ vài tiếng trước đó trường này còn tổ chức họp báo giới thiệu về bài thi IQ và EQ để sàng lọc học sinh. Theo thầy Khang quy định của sở thì phải chấp hành nhưng trường có rất nhiều băn khoăn, có thất vọng nhưng đành chấp nhận.
Bế tắc
Chia sẻ về kế hoạch tuyển sinh sắp tới của nhà trường, PGS. Văn Như Cương cho biết trường chưa biết lựa chọn cách nào. Xét hồ sơ thì học bạ giờ chỉ có đạt và không đạt thì chắc chắn trường sẽ chỉ nhận những em học sinh “đạt”. “Vậy 1.000 em đạt, 2.000 em đạt trường cũng phải nhận” - PGS. Văn Như Cương băn khoăn?
Thầy Nguyễn Xuân Khang thì cho biết trường đang rất lúng túng. Vì bây giờ tiểu học đã bị làm mờ hết thì học sinh nào cũng giống học sinh nào. Trường không biết làm thế nào. Không lẽ quay xổ số hay bốc thăm vì không biết xét thế nào. Trường chưa nghĩ ra phương án nào khả quan hơn. “Tôi thấy khó khả thi khi ôm một đống hồ sơ của học sinh rồi về tìm xem “quả trứng vịt này nhích hơn quả trứng vịt kia là bao nhiêu”, thầy Khang chia sẻ khó khăn. Vì theo thầy Khang, ở tiểu học không có sự phân biệt năng lực giữa các học sinh nhiều. Do đó, xét học bạ thì tôi cho rằng đó không phải là giải pháp khả thi. IQ, EQ còn chọn được học sinh tương đối, tuy không “nét” bằng cách thi truyền thống. Nhưng sang đến xét học bạ thì sự khác biệt bị “mờ” hoàn toàn. Đến giờ chúng tôi chưa tìm ra được giải pháp nào bổ trợ cho việc tuyển sinh xét tuyển mà nằm trong hành lang được phép của Sở GD-ĐT Hà Nội. Thầy Khang cho rằng tìm ra giải pháp giải quyết cho vấn đề này có lẽ ngay cả Sở GD-ĐT và  cả Bộ GD-ĐT cũng khó có thể tìm được ngoài các giải pháp mà các trường đã đưa ra.
Chính vì vậy, cho đến thời điểm này, các trường ngoài công lập có số lượng hồ sơ lớn hơn chỉ tiêu ở Hà Nội đang hoàn toàn bế tắc trong việc “lọc” học sinh.
Nghiêm Huê