Thứ năm, 24/4/2014, 23h04

Cần quan tâm giáo dục đạo đức sinh viên

Không chỉ nữ giảng viên mà cả nữ SV cũng có nguy cơ bị các đối tượng lạ... “thăm hỏi” tại khu vực nhà vệ sinh

Sự việc nam sinh viên (SV) quay lén hình ảnh nữ giảng viên trong… nhà vệ sinh Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM được cho là phản cảm và trái đạo đức. Có một thực tế là hiện nhiều SV thích dùng điện thoại quay những cảnh tiêu cực, giật gân hơn là những điều “trong sáng”.
Trong giáo dục đạo đức người học, giảng viên càng gương mẫu thì SV sẽ càng noi theo và khó có những hành động “vô lối”.
Hành động “đen tối”
Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM vừa kiên quyết đuổi học một nam SV có hành động “tày trời” quay lén nữ giảng viên trong… nhà vệ sinh. Cụ thể, cách đây mấy ngày, nam SV đang học năm 3 Khoa Điện - Điện tử đã lẻn vào nhà vệ sinh và lén quay lại hình ảnh một nữ giảng viên. Dù chưa nắm chắc mục đích SV quay clip để làm gì nhưng đại diện nhà trường đánh giá, hành động của SV này thể hiện quan điểm, lối sống rất tệ, vi phạm đạo đức nghiêm trọng. Cũng theo nhà trường, hình thức kỷ luật này đồng thời còn nhằm răn đe, ngăn chặn những trường hợp tương tự khác có thể xảy đến.
Còn nhớ, cách đây một thời gian, trường cũng từng rất “khó xử” khi phát hiện một nam SV khác với hành động “đen tối” không kém là lén núp trong nhà vệ sinh nữ khiến nữ sinh vô cùng hoang mang. Em nam sinh này được cho là có biểu hiện “không bình thường” về mặt tâm lý, thậm chí còn “trút bỏ xiêm y” trong lúc lén núp tại nhà vệ sinh gây… bất ngờ cho các bạn nữ. Dù chưa xảy ra hậu quả nghiêm trọng nhưng ngay lập tức, trường đã tăng cường các biện pháp thắt chặt an ninh nhằm trấn an nữ sinh, trả lại “bình yên” cho khu vực vệ sinh nữ.
Để SV trong sáng
Bên cạnh những phản ứng gay gắt, dữ dội của giới SV thì cả hai sự việc vừa qua đều dấy lên cùng một mối lo ngại về vấn đề tuột dốc đạo đức của một bộ phận được xem là “trí thức trẻ”. ThS. Phạm Thị Thúy (Học viện Hành chính quốc gia TP.HCM) nhìn nhận, nếu nam SV quay lén nữ giảng viên trên không có biểu hiện “bất ổn” về tâm lý, tâm thần thì hành động “không đẹp” như vậy cần xem xét tới khía cạnh đạo đức.
Thời gian qua, sự xuống cấp đạo đức trong một bộ phận SV nói chung đã được đề cập nhiều. Điều này thể hiện rõ nhất xung quanh các clip không lành mạnh về chuyện học trò xô xát nhau, chuyện yêu đương, thậm chí cả chuyện thầy trò hành xử thiếu “tôn sư trọng đạo”… Đáng nói, những clip này do chính những HS-SV đang rèn luyện trong môi trường giáo dục thực hiện và đưa lên.
Phó hiệu trưởng một trường CĐ tại TP.HCM chia sẻ, hiện SV nào cũng sở hữu điện thoại và rất dễ dàng để thực hiện quay phim. Nhưng thực tế trong khi những nội dung có phần “tiêu cực” được ghi lại và lan truyền rất nhanh thì lại rất khó bắt gặp những thước phim sinh động, xúc cảm về tình cảm gần gũi thầy trò, về hình ảnh “đẹp” đời thực của giảng viên… Vị này đặt vấn đề, việc giáo dục đạo đức, lối sống cho SV có nhiều phương pháp. Và hiệu quả cũng có thể thấy được từ việc vận dụng những vật dụng gần gũi nhất. Chẳng hạn điện thoại, thay vì chỉ sử dụng để ghi lại những tiêu cực trong đời sống học đường thì tại sao không định hướng, khuyến khích các SV lưu lại những khoảnh khắc đời thực gần gũi và đẹp đẽ của giảng viên hoặc chính SV. Đây cũng là một cách vun đắp tình thầy trò, rút ngắn khoảng cách giữa người dạy và người học.
Và muốn được như vậy, người giảng viên cũng cần không ngừng nỗ lực để “làm đẹp” hình ảnh, nhân cách mình. Theo ThS. Phạm Thị Thúy, bản thân người giáo viên càng gương mẫu thì SV càng nể, noi theo và không có hành xử “vô lối”. Bà Thúy còn cho rằng, việc giáo dục đạo đức SV cần được giáo viên lồng vào từng bài giảng để các em tiếp cận, học hỏi mỗi ngày nhằm xây dựng quan điểm, lối sống ngày càng trong sáng.
Bài, ảnh: Mê Tâm