Thứ sáu, 13/1/2012, 15h01

Di tích “Nhà trăm cột” kêu cứu

Anh Nhã đang bức xúc về việc di tích lịch sử quốc gia bị xâm lấn

“Nhà trăm cột” ngụ tại ấp Cầu Ngang, xã Long Hựu Đông, huyện Cần Đước, tỉnh Long An được công nhận là di tích lịch sử cấp quốc gia năm 1997 bởi những kiến trúc độc đáo cũng như giá trị văn hóa to lớn còn lưu giữ đến tận ngày nay. Tuy nhiên, hiện nay di tích lịch sử này đang kêu cứu.
Mặc dù được gọi là “Nhà trăm cột” nhưng thực chất, ngôi nhà này có 120 cột gồm 66 cột tròn và còn lại là cột vuông, được ông Trần Văn Hoa xây dựng năm 1898, 5 năm sau thì hoàn thành bởi một nhóm thợ tài hoa người miền Trung.
Với phong cách đậm chất Huế có pha lẫn với kiểu nhà miền Tây Nam bộ, “Nhà trăm cột” hàng năm thu hút hàng ngàn lượt khách du lịch trong và ngoài nước đến tham quan. Đây là một điểm du lịch lý tưởng của tỉnh Long An bởi nó cách trung tâm TP.Tân An và TP.HCM chỉ khoảng 50km. Nhưng hiện nay, theo anh Trần Thanh Nhã, chủ nhân ngôi nhà, cháu nội đời thứ 4 của cụ Trần Văn Hoa thì khuôn viên di tích đang bị một số hộ dân xâm lấn trái phép. Anh  Nhã cho biết, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của di tích là 4.866m2, trong đó diện tích ngôi nhà là 822m2. Trong giấy cũng ghi rõ, nghiêm cấm mọi hoạt động xây dựng, khai thác trong khu vực di tích đã khoanh vùng. Thế mà hiện hơn 800m2 đất của di tích đã bị các hộ dân xung quanh xâm lấn, chiếm dụng vào mục đích khác. Cụ thể, hộ dân bên cạnh khu di tích đã đào ao nuôi tôm trong phần đất là khu vườn của di tích lịch sử quốc gia này.Khi nói về hoàn cảnh gia đình hiện tại, anh Nhã bùi ngùi cho biết: “Hiện nay, trong gia đình chỉ có tôi và mẹ già là Trần Thị Ngõ, một giáo viên về hưu đã lâu. Bản thân tôi không có được sức khỏe, trí nhớ tốt nên việc khiếu nại, đòi lại quyền sử dụng đất cũng rất khó khăn. Thêm nữa, không hiểu sao mặc dù di tích nằm ngay cạnh Ủy ban xã, đồng thời nhiều lần tôi đã phản ánh nhưng chính quyền vẫn chưa có cách giải quyết rốt ráo tình trạng này khiến gia đình rất bức xúc và có ý định gửi đơn lên các cơ quan cấp cao hơn”.
Dẫn tôi ra khu vườn, chỉ tay vào cái ao nuôi tôm nhà bên cạnh, anh Nhã bảo, trước kia, đất trong khu di tích quốc gia ra tới bên đó, nhưng càng ngày càng bị thu hẹp, nhìn xót xa mà không biết làm sao lấy lại được.
Đứng ngay gian giữa của di tích “Nhà trăm cột”, nhìn những chiếc cột gỗ chạm khắc tinh tế của tiền nhân và bức ảnh Bác treo trang trọng trong ngôi nhà, chúng tôi không khỏi ngậm ngùi cho một di tích được nhiều người yêu mến. Anh Nhã bồi hồi: “Trước kia, từ đây ngồi uống nước, du khách có thể ngắm nhìn bờ sông Vàm Cỏ thơ mộng nhưng hiện nay, phía ấy đã bị xây chắn hết rồi”.
Thiết nghĩ, việc bảo vệ di tích lịch sử quốc gia này phải là trách nhiệm của mọi người bởi đó là những giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc.
Bài, ảnh: Đoàn Đại Trí