Chủ nhật, 26/4/2015, 22h04

Giáo dục đạo đức cho học sinh: Không chỉ là điểm số

Ông Nguyễn Thanh Tú, Tổng Biên tập Báo Giáo dục TP.HCM phát biểu tại hội thảo

Mặc dù từ nhiều năm nay ngành giáo dục cả nước đang ra sức nói không với “bệnh thành tích”. Tuy nhiên, căn bệnh này dường như đã ăn vào máu của hết thế hệ nhà giáo này đến thế hệ nhà giáo khác. Vì mắc “bệnh thành tích” nên các trường thường chỉ chạy theo điểm số. Hậu quả là học sinh (HS)… lãnh đủ.
Vậy làm sao để HS không trở thành những con mọt sách, không đánh nhau, không nói dối và… không bị lạm dụng tình dục? Để có câu trả lời, ngày 25-4, Báo Giáo dục TP.HCM và Phòng GD-ĐT Q.7 đã phối hợp tổ chức hội thảo: “Giáo dục tri thức gắn với giáo dục đạo đức, lối sống trong nhà trường hướng đến xây dựng văn hóa trường học - Thực trạng và giải pháp”. Hội thảo đã thu hút sự tham gia của hàng trăm chuyên gia tâm lý, các nhà quản lý giáo dục và giáo viên…
Điểm 10 đạo đức vẫn có thể hành động…vô đạo đức
“Công tác giáo dục trong những năm vừa qua đã có những đổi mới, tiến bộ và thu được những kết quả tốt. Nhiều tấm gương HS nghèo vượt khó vươn lên trong học tập, trong tu dưỡng, hoạt động cộng đồng và cả những tấm gương đã hy sinh thân mình vì việc nghĩa. Song, vẫn còn đó tình trạng bạo lực học đường diễn biến phức tạp, vấn đề đạo đức của HS có nhiều diễn biến mới. Liên tiếp xảy ra các vụ HS đánh nhau vì mâu thuẫn nhỏ như ở Trà Vinh, Hậu Giang, Cà Mau, An Giang…”, ThS. Bùi Xuân Dũng - Trường Cán bộ Quản lý Giáo dục TP.HCM - tâm tư.
NGƯT.ThS Nguyễn Minh Châu - nguyên Trưởng phòng GD-ĐT H.Bình Chánh - chua xót: “Giao tiếp trong môi trường học đường đang ở mức báo động về hành vi ứng xử thiếu văn hóa, lời nói thiếu lịch sự, cách giao tiếp lệch chuẩn. Tình trạng đạo đức, lối sống của một bộ phận giới trẻ có nhiều bất ổn, từ thái độ học tập, ý thức chấp hành kỷ luật của nhà trường, chấp hành pháp luật đến những hành vi tiêu cực trong học tập, sự xâm nhập của các tệ nạn xã hội vào học đường. Một cuộc thăm dò đối với 500 HS THCS ở TP.HCM cho thấy, 32,2% có thái độ vô lễ với thầy cô giáo, nhiều HS chỉ chào thầy cô trong nhà trường, còn ra đường thì coi như không quen biết; 38,8% cho biết thường xuyên chửi thề, nói tục; 53,6% thỉnh thoảng nói tục”…
Phải chăng những HS này đều là HS cá biệt? Không hẳn là như vậy. Bởi trên thực tế, vụ đánh hội đồng HS N.T.H.P (lớp 7/5 Trường THCS Lý Tự Trọng (TP.Trà Vinh, tỉnh Trà Vinh) hồi tháng 3 vừa qua, tất cả 7 HS tham gia đánh P. đều là HS khá, giỏi của trường, thậm chí có cả lớp trưởng của lớp 7/5.
TS. Đinh Phương Duy - Phó giám đốc Học viện Cán bộ TP.HCM - thừa nhận: “HS có thể thuộc lòng những chuẩn mực, giá trị đạo đức, làm bài kiểm tra đạt điểm rất cao, thậm chí có điểm tuyệt đối nhưng HS ấy vẫn có thể gây ra tội lỗi, vẫn có thể có hành động vô đạo đức. Có hiểu biết về đạo đức không có nghĩa HS sẽ cư xử và hành động hợp đạo đức”…
Đừng để điểm số lấn át
Những hiện tượng trên, trước hết là nguy cơ đe dọa tương lai của chính bản thân các em, sau đó là  đến gia đình, đồng thời cản trở sự phát triển của xã hội. Vậy nguyên nhân nào dẫn đến sự suy thoái đạo đức của một bộ phận không nhỏ HS hiện nay?
Có rất nhiều nguyên nhân, trong đó phải kể đến nguyên nhân: “Nội dung chương trình giáo dục đạo đức - công dân còn nặng về lý thuyết, ít liên hệ với thực tiễn và thiếu hướng dẫn ứng xử trong những tình huống cụ thể. Phương pháp giảng dạy của phần lớn giáo viên trong các môn này chậm đổi mới, chưa cuốn hút HS tiếp thu bài một cách tự nhiên; việc giáo dục đạo đức, lối sống qua những tấm gương tốt của những người xung quanh, của thầy cô giáo và trong xã hội chưa nhiều. Mặt khác, việc giáo dục kỹ năng sống chưa thực sự đi vào chiều sâu và thiếu các điều kiện cần thiết để triển khai. Công tác tư vấn tâm lý cho HS chưa đáp ứng được yêu cầu thực tiễn”, NGƯT.TS Ninh Văn Bình - nguyên Trưởng phòng GD-ĐT Q.Phú Nhuận cho biết.
Thậm chí ở nhiều nơi, vì sợ tai tiếng, sợ ảnh hưởng đến thi đua mà… ngó lơ vấn đề tư vấn tâm lý cho HS. PGS.TS  Huỳnh Văn Sơn - Phó chủ tịch Hội Tâm lý học xã hội Việt Nam - bức xúc kể lại: “Tại một trường tiểu học trên địa bàn TP phát hiện 5 HS lớp 4 và lớp 5 bị một ông lão hơn 70 tuổi lạm dụng tình dục. Tôi đã tới trường đặt vấn đề triển khai dự án “Trao tình thương và tránh lạm dụng” miễn phí để tư vấn cho HS phòng tránh nguy cơ bị lạm dụng, xâm hại tình dục. Song, rất tiếc hiệu trưởng nhà trường và cả lãnh đạo phòng GD-ĐT ở đấy đều từ chối. Và lý do là e ngại khi tổ chức chương trình thì báo chí sẽ biết và đưa tin về sự việc HS bị lạm dụng. Vì sợ ảnh hưởng đến uy tín của ngành mà những người lớn (là các nhà giáo) đã làm hại đến trẻ em…”.
Từ thực tế này, ThS. Nguyễn Thanh Tú - Tổng Biên tập Báo Giáo dục TP.HCM - cho rằng: Các cơ sở giáo dục không nên quá quan trọng thành tích, điểm số của HS mà hãy quan tâm đến việc các em làm sao chống chọi với tệ nạn, cạm bẫy của xã hội và sẽ làm được gì khi ra trường. Còn theo thầy Trần Tuấn Anh - giáo viên Trường THCS Bạch Đằng (Q.3, TP.HCM) thì: Giáo dục đạo đức cho HS là mưa dầm thấm lâu. Việc thường xuyên đưa các em đi thực tế dần dần sẽ hình thành nhân cách tốt.
Ông Phạm Ngọc Thanh - Phó giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM - nhấn mạnh: Giáo dục HS rất đa dạng và phong phú. Vì vậy, các cơ sở giáo dục và giáo viên phải thường xuyên chia sẻ, học tập lẫn nhau để có những cách làm hay và phù hợp.  Về  phía chính quyền thì tạo mọi điều kiện về cơ sở vật chất, chế độ chính sách nhằm tạo động lực cho các trường thực hiện...
Bài, ảnh: Hòa Triều