Thứ năm, 17/7/2014, 22h07

Hàng không “biên giới”: Bài cuối: Bài học cho người ham rẻ mê khoe mẽ

Mỹ phẩm xách tay được bày bán ở một cửa hàng trên đường Nguyễn Trọng Tuyển (Q.Phú Nhuận)

Nếu trước đây hàng xách tay (HXT) là hàng độc - lạ thì hiện nay, chúng được bày bán đại trà từ trung tâm thương mại cho tới những khu chợ truyền thống. Ban đầu, những người mang HXT về chủ yếu để tặng người thân, bạn bè nhưng “quen việc”, họ xem như đây là một nghề tay trái và tìm mọi cách biến hàng hóa từ “thượng vàng hạ cám” thành hàng “xịn”.
Từ xa xỉ tới bình dân
Đa số HXT mà người tiêu dùng chọn mua là hàng từ Mỹ, châu Âu, Úc, Hàn Quốc, Nhật Bản. Theo một chủ cửa hàng bán HXT trên đường Huỳnh Văn Bánh, Q.Tân Bình thì HXT từ Mỹ, châu Âu thường qua đường “chính ngạch” là bưu điện, tàu thủy hoặc máy bay và tùy theo loại hàng mà chi phí cộng vào sản phẩm từ 10-15 USD/kg. Cũng theo chủ cửa hàng này, HXT từ Hàn Quốc, Nhật Bản được lựa chọn nhiều nhất. Bởi vì những sản phẩm “người châu Á bán cho người châu Á” sẽ mang một nét tương đồng trong thói quen sử dụng, chẳng hạn như nước hoa, dầu gội, son môi, phấn sáp, quần áo, giày dép, bia rượu... Những mặt hàng này được mua qua “mối” quen từ tiếp viên vào những đợt cửa hàng ở “bển” có đợt khuyến mãi.
Thu mua hàng trôi nổi tại các khu chợ chuyên bán hàng “lậu”, hàng sida, hàng được gia công trong nước, các cửa hàng “lên đời” là HXT để nâng giá. Một vốn mười lời nên họ bất chấp trà trộn hàng giả, hàng nhái để kiếm lời. Có người từng mua một túi xách Burberry HXT với giá 10 triệu đồng vì thấy nó quá rẻ (thấp hơn 50%) so với giá được niêm yết tại showroom Burberry. Để rồi họ phải “ngậm bồ hòn làm ngọt” khi hải quan bên đó kiểm tra và phát hiện ra đó là hàng nhái. Hay có trường hợp khi đặt mua điện thoại xách tay LG G3 32GB giá 10 triệu đồng tại cửa hàng Nmobile trên đường Hai Bà Trưng, Q.3, trong khi giá niêm yết tại trang www.lg.com là 16 triệu đồng. Chỉ trong một tuần sử dụng thì máy cứ liên tục tắt nguồn. Khi khách hàng có “nguyện vọng” đổi cái mới thì cửa hàng thay phiên nhau báo hết hàng, thậm chí đổ lỗi cho khách không biết... giữ.
Trên đường Cộng Hòa cửa hàng Tuticare bày bán nhiều mặt HXT từ Nhật Bản như si-rô ho giá 210.000 đồng/chai, Omega 3-6-9 giá 620.000 đồng/hộp 180 viên... Một cửa hàng khác trên đường Lê Hồng Phong, Q.10 có bán sữa ong chúa giá 1,2 triệu đồng/hộp hay trên đường Nguyễn Trọng Tuyển có một cửa hàng khá nhỏ chuyên bán hàng mỹ phẩm xuất xứ Hàn Quốc và giới thiệu là do tiếp viên mang về. Thậm chí bàn chải đánh răng, dao cạo râu, keo xịt tóc, kẹo ngậm trị ho, nước rửa tay, nước sơn móng tay, lăn khử mùi, bánh snack... cũng được “xách tay” trong khi các loại hàng này ở Việt Nam không thiếu hàng uy tín, chất lượng. Các loại HXT khó kiểm chứng là sữa, thực phẩm chức năng, túi xách, quần áo và trang sức. Tất cả các loại hàng “bay” về đều có catalogue, hộp, cả tem chống hàng giả rất tinh xảo. Dù là những thứ rất quen thuộc nhưng khó có cách nào để phân biệt bằng mắt thường là hàng “xịn” hay hàng “dỏm” vì chúng được “sao chép” nguyên bản từ mẫu mã cho tới chất liệu.
May nhờ, rủi chịu
Theo quy định, một tiếp viên hàng không được mang khoảng 30kg hành lý, ngoài ra còn được mang theo một túi áo khoác và một va li nhỏ. Nghĩa là họ có thể mang được khoảng 50kg, hoặc nhiều hơn nữa tùy theo trọng lượng cơ thể. Những tiếp viên “biết” luật dùng mọi chiêu để “né” luật, tuồn HXT về nước.
Hàng chính hãng có giá khá đắt, chỉ những người “chịu chi” mới dám mua về làm của. Nếu chỉ bỏ ra mức giá bằng 1/10 giá thực tế của một sản phẩm cao cấp thì tất nhiên giá trị của hàng hóa sẽ tỷ lệ thuận với số tiền bỏ ra. Tấn công vào tâm lý tiếc tiền, ham rẻ, ham khoe mẽ... HXT trở thành một “thiên đường” cho những người “nghiện” hàng ngoại. Thử làm một bài toán chi phí, người tiêu dùng HXT sẽ thấy mình lãng phí một khoản tiền không nhỏ khi mua phải hàng kém chất lượng, thậm chí ảnh hưởng tới sức khỏe (các loại HXT như sữa, thực phẩm chức năng, bánh kẹo...).
HXT vì không đánh thuế nên giá thấp hơn, chất lượng thì còn tùy thuộc vào cái “tâm” của người “xách” về và người bán. May thì mua được một sản phẩm còn “zin” nhưng rủi khi mua phải hàng lỗi, hàng cũ, hàng giả hoặc hàng nhái của các cửa hàng nước ngoài bán đổ bán tháo. Chính vì thế, trước khi chọn mua cho mình một sản phẩm  HXT bất kỳ, khách hàng nên vào Google để tìm hiểu kỹ về sản phẩm “gốc” từ giá cả, mẫu mã, kết cấu... Khi nhận được hàng phải kiểm tra bao bì, hạn sử dụng và chỉ nên chọn mua ở các cửa hàng có uy tín và phải lấy hóa đơn để thuận tiện trong việc đổi hàng, trả hàng.
Bài, ảnh: Lộc Sâm