Thứ sáu, 25/4/2014, 00h04

Thử sức với công việc khi còn là sinh viên

Trần Phan Hiển - sinh viên năm cuối Bộ môn du lịch (ĐH KHXH & NV TP.HCM) đang dẫn tour
Khi vào ĐH, mỗi sinh viên (SV) sẽ chọn cho mình một hướng đi khác nhau. Có những SV quyết tâm chỉ “học và học” để sở hữu tấm bằng đỏ với hy vọng sẽ tìm được công việc tốt, lương cao. Nhưng cũng có SV từ khi còn ngồi trên ghế giảng đường đã bắt đầu làm quen, thử sức với chính công việc đang được đào tạo.
Không riêng gì SV học khối ngành kinh tế mới có những mục tiêu kinh doanh khi còn đi học. Trong vòng 5 năm trở lại đây, SV thuộc các lĩnh vực công nghệ thông tin, báo chí, nhà hàng - khách sạn, hướng dẫn viên du lịch, đồ họa… đã biết chủ động trong việc tìm kiếm công việc phù hợp với năng lực. Mục đích chính của các bạn là làm quen với nghề, thích ứng công việc sau khi ra trường được tốt hơn so với một SV chỉ cố học lý thuyết rất dễ bị hụt hẫng khi va chạm thực tế. Bên cạnh đó, những công việc này còn mang lại thu nhập khá cao giúp các bạn trang trải học phí, sinh hoạt… Có những SV ngay từ năm thứ 2 đã “tuyên bố” với gia đình: “Con đã có thể tự túc!”.
Chủ động kết nối với “đàn anh”
Trong khoảng thời gian từ 10 giờ tới 13 giờ mỗi ngày, những ai có dịp ghé quán cóc trước cổng Trường ĐH KHXH&NV TP.HCM sẽ thấy được không khí bàn tán xôm tụ của một nhóm SV báo chí (có người đã đi làm) về các vấn đề “nóng” của xã hội, các tin tức thể thao, sự kiện văn hóa…  Tại không gian khiêm tốn này, các thế hệ SV báo chí có dịp ngồi lại với nhau, ngoài chuyện tán gẫu còn là chuyện giúp nhau nảy ra đề tài mới ở một lĩnh vực nào đó. Theo Trần Anh Vũ (quê Bình Thuận), SV năm cuối Khoa Báo chí và Truyền thông: “Việc thiết lập các mối quan hệ với những người đã biến giấc mơ thành hiện thực là điều cần thiết. Bởi vì từ các anh chị cựu SV - những người đang làm những công việc mà mình hướng tới - sẽ có các kinh nghiệm quý giá và những bài học làm nghề mà không phải ai cũng có thể chia sẻ với mình được”. Bạn Phan Văn Anh (quê Hà Tĩnh) học cùng khóa với Vũ đã bắt đầu cộng tác với các tờ báo từ lúc học năm thứ 2. Có thời gian, Văn Anh chiếm luôn “diễn đàn” của trang mục bạn đọc ở một tờ báo chuyên viết các đề tài chính trị - xã hội và đương nhiên thu nhập lúc đó của bạn đủ để chi tiêu cho cuộc sống tại TP.HCM và không cần tiền “trợ cấp” từ gia đình. Hay trường hợp của Đặng Tiểu Vũ (quê Tiền Giang), chọn theo học chuyên ngành báo hình và bạn đã có cơ hội áp dụng những lý thuyết vào công việc làm cộng tác viên cho chương trình Thay lời muốn nói của HTV.
Đặc biệt hơn là trường hợp của Lê Trọng Minh, SV Trường ĐH Bách khoa TP.HCM, trở thành nhân viên IT chính thức cho Tập đoàn FPT khi chỉ mới học năm thứ 3. Trọng Minh chia sẻ: “Thực tập xong, tôi đã chủ động xin được ở lại công ty thực tập thêm 1 tháng không lương. Đồng thời, tôi cũng học hỏi kinh nghiệm các anh chị chung phòng và thường có những buổi offline chia sẻ kinh nghiệm. Nhân cơ hội công ty cần một lập trình viên chuyên sâu tôi đã nộp đơn ứng tuyển và được nhận vào làm việc hơn nửa năm nay. Công việc của tôi không quan trọng bằng cấp có sớm hay muộn mà quan trọng là năng lực đáp ứng được nhu cầu của công việc”.
Hay một nhóm SV du lịch (Trường Trung cấp Du lịch và Khách sạn Saigontourist) từ năm thứ 2 đã bắt đầu liên hệ các công ty lữ hành để tham gia công việc hướng dẫn viên. Mỗi chuyến đi các bạn được các công ty trả lương theo hành trình dài ngắn và số ngày của chuyến. Trung bình mỗi ngày các bạn được trả 200.000 đồng, số tiền thù lao vừa sức với SV…
Để công việc không bị áp lực… học tập
Việc cân bằng giữa công việc và học tập luôn là bài toán khó đối với các SV đi làm. Chẳng hạn như trường hợp của Phương Duy, SV ngành ngữ văn Anh Trường ĐH KHXH&NV TP.HCM, đã chấp nhận dừng học chính khóa ở trường một năm để tiếp tục công việc photographer (thợ chụp ảnh) cho một studio tại quận 10. Tương tự, Tấn Phát, SV ngành văn hóa học (Trường ĐH KHXH&NV TP.HCM), luôn tất bật với những ý tưởng kịch bản để mang dự thi ở các cuộc thi phim ngắn dành cho giới trẻ, vì thế bạn luôn trong tình trạng “căng thẳng” mỗi khi bắt buộc phải chọn: Đi thi cuối kỳ hoặc quay hậu kỳ cho bộ phim?
Thật không hề đơn giản cho việc cân bằng thời gian bởi trong mọi tình huống đều có cái gọi là… đột xuất và cốt lõi là do ở bản thân mỗi SV không phân bổ thời gian hợp lý, dẫn tới công việc nào cũng “dở dở ương ương”. Tuy nhiên, vẫn có những SV biết lên lịch làm việc hợp lý, luôn đặt bản thân ở vị trí một SV đi làm thêm và bố trí thời gian giải quyết những bài tập trên lớp hiệu quả nhất. Nguyễn Kim Hiếu, SV Bộ môn du lịch (Trường ĐH KHXH&NV TP.HCM), là một tấm gương để các bạn trẻ học hỏi. Bắt đầu từ năm thứ nhất, Kim Hiếu đã xin làm công việc bưng bê thức ăn tại các nhà hàng. Sang năm thứ 3, Kim Hiếu khiến bạn bè cùng khóa “nể” vì song song với công việc thực tập ở khách sạn Tân Sơn Nhất, bạn còn làm thêm ở khách sạn Riverside nhưng kết quả học tập các môn luôn trên 8,5 điểm. “Được đi làm thực tế khi còn là SV là một trải nghiệm mà nếu chỉ chăm chăm vào sách vở thì chẳng bao giờ có. Còn sức trẻ nên việc làm song song hai nơi trong một ngày là hoàn toàn có thể, điều quan trọng là biết sắp xếp thời gian và nghỉ ngơi hợp lý. Chính yếu tố sức khỏe giúp tôi đủ can đảm để thử sức ở hai môi trường cùng lúc”, Kim Hiếu chia sẻ. Hơn thế, mọi bài tập nhóm trong lớp Kim Hiếu luôn hoàn thành tốt. Cô bạn cho biết để tránh tình trạng “xung đột” giữa bạn bè với nhau nên trình bày thẳng với nhóm rằng mình đã có công việc riêng, chỉ có thể dành một phần thời gian cho các bài tập. Tuy nhiên, khi đã nhận được phân công từ nhóm, Kim Hiếu luôn hoàn thành đúng hẹn và bài vở đảm bảo chất lượng tốt.
Bài, ảnh: Lộc Sâm
“Nếu bạn muốn bắt đầu với một công việc khi còn là SV, hãy tự đặt câu hỏi: Điều gì quan trọng với bạn lúc này nhất? Công việc hay bằng cấp? Thực tế cho thấy, kiến thức bạn có được trên lớp không quyết định thành công của bạn nếu bạn chưa biết cách lấy niềm đam mê mang đi thử thách”, ông Hoàng Xuân Phương, giảng viên truyền thông markerting (Trường ĐH KHXH&NV TP.HCM), nhắn nhủ.