Thứ bảy, 14/2/2015, 07h02

Lạm bàn chuyện kinh doanh giáo dục

Hình ảnh cổ đông Nguyễn Trung Đức giành micro phản đối về tính pháp lý của việc tổ chức đại hội, liền bị bảo vệ của trường yêu cầu ra ngoài tại Trường ĐH Hoa Sen lan truyền trên mạng đã gây phản cảm đến hình ảnh và môi trường giáo dục.
Sự cố của Trường ĐH Hoa Sen được các chuyên gia trong lĩnh vực giáo dục nhận định là điển hình của câu chuyện giáo dục ĐH lợi nhuận và phi lợi nhuận ở nước ta. Thực tế cho thấy ở nước ta chưa có giáo dục ĐH phi lợi nhuận đúng nghĩa. Bản thân các trường tiên phong mới chỉ giương lên ngọn cờ phi lợi nhuận, còn cơ chế thì vẫn hoạt động có lợi nhuận hoặc tốt hơn một tí thì ở mức bất vụ lợi.
Không thể phủ nhận là mô hình ĐH phi lợi nhuận đã phổ biến trên thế giới bởi các nhà đầu tư giáo dục sau khi kinh doanh thành công, có nhiều tiền (có lợi) họ chuyển sang đầu tư giáo dục phi lợi nhuận (để mua danh); hơn nữa văn hóa hiến tặng đã hình thành từ rất sớm trong xã hội phương Tây; và cuối cùng nhiều cựu sinh viên của trường sau thành công đã quay lại đóng góp không vụ lợi cho trường… đã tạo nên những trường ĐH phi lợi nhuận danh tiếng.
Ở đây chúng ta không nên tranh luận cái hay cái dở của mô hình trường ĐH vì lợi nhuận so với mô hình trường ĐH phi lợi nhuận hoặc không vì lợi nhuận! Mỗi mô hình đều có những ưu điểm và nhược điểm, và mô hình này không thể loại trừ những mô hình khác, trái lại còn bổ sung cho nhau để bức tranh giáo dục thêm đa sắc.
Chuyện lùm xùm ở các trường tại Việt Nam xuất phát từ xung đột giữa hai nhóm lợi ích: Một là nhóm các nhà làm giáo dục thuần túy tâm huyết với mong muốn tiệm cận mô hình giáo dục phi lợi nhuận và một nhóm cổ đông xem giáo dục là kênh đầu tư sinh lời hấp dẫn. Khi khung pháp lý chưa đầy đủ thì xung đột “lợi ích nhóm” này sẽ còn diễn ra không hồi kết.

Cổ đông Nguyễn Trung Đức (Trường ĐH Hoa Sen) phản đối về tính pháp lý của việc tổ chức đại hội, ông bị bảo vệ nhà trường mời ra ngoài. Ảnh: M.Tâm

 
Theo các chuyên gia, khi chưa có những trường phi lợi nhuận đích thực thì các trường ĐH vì lợi nhuận lùm xùm như hiện nay cần được đối xử như một doanh nghiệp cổ phần, tức phải bảo vệ quyền lợi hợp pháp của nhà đầu tư cũng như quyền quyết định của họ trong việc quản trị và hoạch định chiến lược phát triển của nhà trường.
Việc phân định rõ mô hình trường phi lợi nhuận hay lợi nhuận không chỉ vì mục đích phân chia đẳng cấp hoặc làm lành mạnh hóa định kiến xã hội mà còn nhằm tạo ra cơ chế phù hợp để giáo dục ĐH phát triển đúng với xu hướng của thời đại.
Trước những việc lùm xùm trên, đòi hỏi các nhà hoạch định chính sách sớm hoàn thiện khung pháp lý để các nhà đầu tư, các mạnh thường quân có thể bắt tay vào xây dựng và phát triển các trường phi lợi nhuận thực sự. Việc ấy, không chỉ có ích với xã hội, mà còn ổn định việc học và dạy ở các trường, tránh ảnh hưởng tiêu cực đến sinh viên. 
Cũng nhân sự kiện này chúng ta cần phải nhìn nhận một cách căn cơ về thực trạng phát triển giáo dục ĐH, đặc biệt là mô hình ĐH ngoài công lập hiện nay. Chúng ta phải biết thực tế xuất phát điểm của mình đang ở đâu so với thế giới để đưa ra một lộ trình phát triển phù hợp với thực tiễn của đất nước.
Thời gian gần 10 năm trở lại đây việc mở trường ĐH trở thành phong trào rầm rộ như thành lập… doanh nghiệp! Trước đây ĐH chủ yếu tập trung ở các thành phố lớn thì nay tỉnh nào cũng có ĐH, có tỉnh đến 4,5 trường ĐH... Những trường thay “áo mới” bằng cách nâng cấp từ CĐ, trung cấp, trường nghề, trường chính trị, trung tâm đào tạo thường xuyên lên ĐH thì nhiều vô kể.
Trong khi đó, các doanh nghiệp Việt luôn ca thán điệp khúc “thừa thầy thiếu thợ” mỗi khi tuyển dụng nhân sự cho công ty. Tình trạng này cho thấy xã hội mất cân bằng trong chiến lược đào tạo nhân lực, nhiều ngành thừa rất nhiều lao động có trình độ ĐH, trong khi nhu cầu nguồn nhân lực trung và lao động kỹ thuật lành nghề đang thiếu nghiêm trọng.
Làn sóng bùng nổ trường ĐH đồng nghĩa với việc “hàng tồn kho” lao động “cổ trắng” ngày càng nhiều trong khi lao động “cổ xanh” thiếu hụt trầm trọng đã gây ra lãng phí cho gia đình và xã hội.
Sự nở rộ các trường ĐH ngoài công lập trong thời gian qua đã làm thay đổi hẳn bộ mặt giáo dục ĐH. Không ai phủ nhận sự đóng góp tích cực của hệ thống giáo dục này nhưng cơ sở pháp lý chưa theo kịp để tạo ra sân chơi bình đẳng giữa các mô hình trường học, chưa xác định thế nào là phi lợi nhuận…
Từ chuyện lùm xùm ở ĐH Duy Tân, ĐH Hùng Vương đến vụ “cướp diễn đàn” ở ĐH Hoa Sen đã làm dấy lên trong dư luận cuộc tranh luận về chuyện kinh doanh… giáo dục!
Đã đến lúc các nhà hoạch định chính sách sớm hoàn thiện khung pháp lý để chấm dứt tình trạng “ĐH… loạn và loạn… ĐH” như hiện nay.
Phạm Sông Thu