Thứ hai, 12/8/2013, 09h08

Chính quyền đô thị TP.HCM: Người dân được lợi gì?

Bà Nguyễn Thị Quyết Tâm phát biểu tại hội nghị
Sáng 10-8, HĐND TP.HCM khóa VIII đã tổ chức Hội nghị nghe báo cáo Đề án thí điểm xây dựng mô hình chính quyền đô thị TP.HCM.
1 TP lớn và 4 TP vệ tinh
Tại hội nghị, ông Trương Văn Lắm - Giám đốc Sở Nội vụ TP.HCM đã báo cáo sơ lược về Đề án thí điểm xây dựng mô hình chính quyền đô thị TP.HCM.
Theo đó, cấp chính quyền TP gồm 13 quận nội thành (Q.1, 3, 4, 5, 6, 8, 10, 11, Bình Thạnh, Phú Nhuận, Gò Vấp, Tân Bình và Tân Phú), người đứng đầu là Chủ tịch UBND TP. Tại mỗi quận, phường sẽ tổ chức bộ máy cơ bản như hiện nay nhưng dưới hình thức là ủy ban hành chính.
Cấp dưới của chính quyền TP.HCM gồm 4 đô thị vệ tinh là các TP Đông, Tây, Nam, Bắc. Người đứng đầu UBND các TP này là chủ tịch hoặc thị trưởng và có ngạch bậc tương đương với Phó chủ tịch UBND TP.HCM.
Trong đó, TP Đông gồm Q.2, 9 và Thủ Đức - trung tâm là khu đô thị mới Thủ Thiêm, chức năng phát triển các ngành dịch vụ cao cấp, công nghệ cao; TP Nam gồm Q.7, huyện Nhà Bè, một phần P.7 (Q.8) và 2 xã Bình Hưng, Phong Phú (huyện Bình Chánh) - khu đô thị Nam Sài Gòn là trung tâm, chức năng phát triển công nghiệp, dịch vụ cảng; TP Tây gồm Q.Bình Tân, P.16 và phần còn lại của P.7 (Q.8), 4 xã An Phú Tây, Tân Kiên, Vĩnh Lộc A, Vĩnh Lộc B (huyện Bình Chánh). Trung tâm là khu đô thị xã Tân Kiên, chức năng là phát triển các ngành dịch vụ, khu công nghiệp và khu dân cư nhằm tái bố trí dân cư từ các Q.6, 11 và Tân Bình; TP Bắc gồm Q.12 và huyện Hóc Môn, trung tâm phát triển là xã Tân Thới Nhì. Có chức năng phát triển kinh tế dịch vụ, du lịch sinh thái gắn với nông nghiệp công nghệ cao và phát triển các khu dân cư phục vụ việc giãn dân, chỉnh trang đô thị của Q.Gò Vấp, Tân Bình.
Ngoài ra còn có chính quyền xã và thị trấn tại 3 huyện Cần Giờ, Củ Chi và diện tích còn lại của huyện Bình Chánh (tổng cộng là 35 xã). Xã và thị trấn là cấp chính quyền cơ sở, do chính quyền TP.HCM quản lý theo cơ chế phân cấp.
“Với đề án trên, chính quyền đô thị TP.HCM được tổ chức phù hợp với loại hình đô thị đặc biệt theo mô hình chính quyền địa phương có hai cấp gồm chính quyền TP và chính quyền cấp cơ sở”, ông Lắm nhấn mạnh.
Người dân được phục vụ tốt hơn
Tại hội nghị, phần lớn các đại biểu đều đồng tình với đề án này. Tuy nhiên, nhiều đại biểu còn băn khoăn. Cụ thể, đại biểu Thi Thị Tuyết Nhung tâm tư: “Năm 1997, TP đã tách một số huyện ra thành nhiều quận, huyện. Đến nay ở những quận, huyện này cơ sở vật chất một số nơi vẫn còn thiếu. Nay sáp nhập lại thì kinh phí ở đâu? Đặc biệt, người dân được thụ hưởng những gì so với chính quyền hiện nay?”. Còn đại biểu Lâm Thiếu Quân đặt vấn đề: “Hiệu quả kinh tế, xã hội của chính quyền đô thị như thế nào?”...
Xung quanh vấn đề này, TS. Trần Du Lịch, Phó trưởng đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM, thành viên Ban soạn thảo đề án, cho biết: “Mặc dù TP.HCM đóng góp 1/3 ngân sách quốc gia nhưng lại không có quyền tự chủ tài chính. Cái gì cũng phải đi “xin”, HĐND biểu quyết những cái người ta quyết rồi... Với đề án này, ý đồ của chúng tôi là cái gì của TP thì TP quyết, không phải đi “xin” như trước đây nữa”.
Theo ông Lịch, sở dĩ phải có 4 TP vệ tinh là bởi TP.HCM sẽ là một siêu đô thị trong nay mai. Nên chia một TP quá lớn thành những TP nhỏ hơn để dễ quản lý. Quy mô 1 triệu dân sẽ dễ quản lý hơn 10 triệu dân. Điều đó cũng có nghĩa chính quyền gắn và sát với dân hơn.
“Với đề án này, chính quyền đặt mục tiêu phục vụ dân lên hàng đầu, chăm lo đến lợi ích của người dân. Sẽ không có chuyện dân tới trụ sở làm việc của chính quyền mà không biết gặp ai... Người dân đi bầu đại biểu HĐND, vì vậy HĐND quyết định phúc lợi cho nhân dân. Nếu đại biểu HĐND không tạo được phúc lợi thì hết nhiệm kỳ dân không bầu nữa. HĐND thực sự là đại diện cho người dân”, ông Lịch nhấn mạnh.
Về cơ sở hạ tầng của 4 TP vệ tinh, ông Lắm khẳng định: “Chính quyền cơ sở là chính quyền tự chủ, có quyền về tài sản, ngân sách. Do vậy về phát triển cơ sở hạ tầng cũng nhanh hơn...”.
Bà Nguyễn Thị Quyết Tâm - Chủ tịch HĐND TP khẳng định: Việc thực hiện chính quyền đô thị với mục tiêu phát triển kinh tế, xã hội tương xứng với tiềm năng của TP. Và trên hết là phục vụ người dân được tốt hơn...
Bài, ảnh: Kim Anh
“Mặc dù là thí điểm nhưng phải có tính khả thi cao nhất. Vì vậy, đề án phải có sự đóng góp ý kiến và đồng tình của nhiều người từ các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý đến người dân...”, bà Nguyễn Thị Quyết Tâm nhấn mạnh.