Thứ sáu, 20/3/2015, 09h03

Tuyển sinh lớp 6 sẽ có nhiều thay đổi?

Bỏ chấm điểm thường xuyên thay bằng nhận xét, đánh giá thường xuyên ở khối tiểu học hay các sở GD-ĐT tuyệt đối không tổ chức thi tuyển vào lớp 6 là những điểm đổi mới trong thời gian gần đây. Kéo theo đó, kế hoạch tuyển sinh vào lớp 6 trong năm học 2015-2016 trên địa bàn TP.HCM cũng có những thay đổi nhất định.
Các quận chờ… chỉ đạo
Vào thời điểm này hàng năm, một số phòng GD-ĐT các quận - huyện bắt đầu xây dựng kế hoạch tuyển sinh đầu cấp, một số đã xây dựng xong, nhưng đến giờ, hầu hết các nơi vẫn chưa xây dựng mà còn chờ kế hoạch hướng dẫn từ sở đưa xuống. Nguyên nhân do năm đầu tiên khối tiểu học bắt đầu thực hiện thông tư 30, thay chấm điểm thường xuyên bằng nhận xét, đánh giá thường xuyên. Thông tư ra quy định, đề kiểm tra cuối kỳ học kỳ II của lớp 5 do hiệu trưởng chỉ đạo tổ chuyên môn ra đề kiểm tra chung cho cả khối. Tuy nhiên, lãnh đạo một số quận - huyện cho rằng quy định như vậy sẽ không ổn. Vì nếu để các trường ra đề thi sẽ có trường ra đề dễ, trường ra đề khó, điều này không đánh giá được mặt bằng chung kết quả học tập của các em. Theo đó, trong công tác tuyển sinh đầu cấp THCS, bên cạnh tuyển sinh theo địa bàn khu vực, một số trường vẫn tuyển ngoài tuyến, dựa trên điểm tổng kết 2 môn toán, tiếng Việt cuối kỳ II lớp 5 hoặc điểm số các môn ngoại ngữ.
Cô Võ Ngọc Thu, Trưởng phòng GD-ĐT quận 5 cho rằng, chỉ xoay quanh vấn đề thi cuối kỳ II, đặc biệt là lớp 5 thì một số ý kiến cho rằng nên giao cho trường học ra đề, một số ý kiến khác lại nói nên giao cho Sở GD-ĐT hoặc phòng GD-ĐT ra để đánh giá mặt bằng chung của toàn bộ học sinh (HS) và công tác tuyển ngoài tuyến sẽ công bằng. Tại địa bàn quận 5, đối với khối THCS, ngoài phân theo tuyến trên địa bàn thì có Trường THCS Hồng Bàng nhận những HS có hộ khẩu ngoài quận 5 nhưng học ở Trường TH Minh Đạo, Chính Nghĩa và nhận trên cơ sở xét điểm từ cao xuống. Số HS còn lại sẽ được phân bổ về các trường THCS Mạch Kiếm Hùng và Trần Hữu Trang. Như vậy, “Nếu Sở GD-ĐT hoặc phòng GD-ĐT ra đề thì chúng tôi tiếp tục xây dựng kế hoạch tuyển sinh ngoài tuyến. Ngược lại để trường ra đề, chúng tôi e sẽ có nhiều em đạt điểm 9, 10, ảnh hưởng đến tuyển sinh ngoài tuyến buộc chúng tôi phải tìm phương án khác. Hiện chúng tôi vẫn đang chờ hướng dẫn chỉ đạo từ sở để xây dựng kế hoạch tuyển sinh chứ chúng tôi chưa làm”, cô Ngọc Thu cho biết.
Cô Nguyễn Thị Việt Tú, Phó trưởng phòng GD-ĐT quận Bình Thạnh cũng cho rằng: Đây là năm đầu tiên khối tiểu học thực hiện thông tư 30 thì chắc chắn kế hoạch tuyển sinh vào lớp 6 sẽ có những thay đổi so với những năm trước. Theo tôi, việc ra đề kiểm tra cuối kỳ II của lớp 5 không chỉ đánh giá kết quả học tập suốt 5 năm của các em mà còn liên quan đến cả tuyển sinh đầu cấp 2 ở một số trường. Nên chăng để sở hoặc phòng ra đề, như thế sẽ đánh giá một cách khách quan, công bằng kết quả học tập của toàn bộ các em HS. Tại Bình Thạnh, thời điểm này mọi năm chúng tôi đã xây dựng xong kế hoạch tuyển sinh đầu cấp nhưng hiện tại chúng tôi vẫn chưa có sự thống nhất nào và đang chờ chỉ đạo chung ở lãnh đạo cấp trên để làm”.
Lớp 6 chuyên: Khảo sát năng lực bằng tiếng Anh

Học sinh thi vào lớp 6 Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa năm 2014. Ảnh: N.Tr

Liên quan đến quy định các sở GD-ĐT không tổ chức thi tuyển vào lớp 6 do Bộ GD-ĐT vừa mới ban hành, nhiều phụ huynh có mong muốn cho con thi vào lớp 6, Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa đã tỏ ra bất ngờ và không khỏi băn khoăn. Chị Phan Nguyễn Như Thảo, phụ huynh một HS lớp 5, Trường TH Nguyễn Văn Trỗi (Q.4) thắc mắc: “Nếu không thi tuyển 3 môn toán, tiếng Việt, tiếng Anh thì HS muốn vào học phải đáp ứng điều kiện gì? Năm nay khối tiểu học bắt đầu thực hiện đánh giá, nhận xét thay điểm số là chủ đạo, nếu dựa vào học bạ mà xét thì liệu có chính xác, công bằng không bởi số hồ sơ nộp vào cả hơn 3 đến 4 ngàn bộ, trong khi chỉ tiêu chỉ tuyển 360 em. Tôi thấy điểm số vẫn là công cụ đánh giá chính xác kết quả từng em thì tại sao không làm?”.
Trước vấn đề này, ông Đỗ Minh Hoàng, Chánh văn phòng Sở GD-ĐT cho biết: Năm học này, HS không tham gia các bài thi vào lớp 6 THPT chuyên Trần Đại Nghĩa như những năm trước theo đúng chỉ đạo của Bộ GD-ĐT. Tuy nhiên, ngoài việc xét các tiêu chí ở cấp 1, cụ thể là lớp 5 thì các em sẽ tham dự bài khảo sát năng lực để đảm bảo chất lượng đầu vào. Bài khảo sát này bằng tiếng Anh, được các chuyên gia giáo dục nghiên cứu với mục đích đảm bảo chất lượng HS vào lớp 6 chuyên Trần Đại Nghĩa. Về nội dung, thứ nhất, chuẩn tiếng Anh các em phải đạt vì đây là trường chuyên tiếng Anh; Thứ hai, năng lực của các em về các bài khoa học tự nhiên, khoa học xã hội cũng như kỹ năng sống cần thiết cũng được nghiên cứu để đưa vào nội dung bài khảo sát. “Dự kiến đầu tuần tới, Sở GD-ĐT sẽ trình UBND TP dự thảo kế hoạch tuyển sinh đầu cấp, huy động trẻ ra lớp năm học 2015-2016, trong đó có nêu kế hoạch tuyển sinh vào lớp 6 Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa. Sau khi được UBND TP phê duyệt, khoảng cuối tháng 4, đầu tháng 5 sẽ có định hướng bài khảo sát đầu vào cho HS”, ông Hoàng cho biết thêm.
Về phía Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa, ông Lâm Triều Nghi, Hiệu trưởng chia sẻ: “Những năm trước, theo nhu cầu của phụ huynh, nhà trường sẽ tổ chức ôn tập cho HS thi tuyển vào lớp 6 khoảng 6 tuần trước khi thi. Tuy nhiên, năm nay bộ đã xóa bỏ hình thức thi tuyển, vì vậy nếu khảo sát năng lực thì nhà trường sẽ không tổ chức ôn tập. Theo dự thảo nhà trường gửi lên Sở GD-ĐT, năm học này nhà trường tuyển 9 lớp 6 (khoảng 360 em)”.
Chỉ đạo của Bộ GD-ĐT nhận được nhiều đồng tình của các chuyên gia và ban giám hiệu các trường THCS. Nguyên hiệu trưởng một trường điểm tại Q.Tân Bình cho biết, chủ trương của Bộ GD-ĐT là rất hợp lý, tránh tạo căng thẳng cho HS, phù hợp với chủ trương phổ cập giáo dục THCS như hiện nay. Ở các nước có nền giáo dục tiên tiến, nếu có tuyển sinh trường chuyên cũng thường khảo sát năng lực đầu vào của HS như kỹ năng sống, chỉ số thông minh IQ, chỉ số cảm xúc IQ...”.
Cùng ý kiến này, lãnh đạo một trường THCS tại Q.1 cho rằng: “Việc xóa bỏ hình thức thi tuyển vào các trường THCS sẽ tạo được công bằng cho các trường trong việc đào tạo, bồi dưỡng HS giỏi, đồng thời giảm áp lực luyện thi để chọn trường tốt cho HS lẫn phụ huynh”.
N.Trinh - D.Bình