Thứ tư, 22/12/2010, 08h12

Giáo sư Trần Văn Giàu: Một nhân cách lớn, một người thầy mẫu mực

AHLĐ. GS.NGND Trần Văn Giàu trong ngày vui 20-11-2009

Mặc dù biết đó là quy luật của cuộc sống nhưng PGS.TS Phan Xuân Biên thật sự bất ngờ trước tin GS. Trần Văn Giàu từ trần. Ông vô cùng bàng hoàng, thương xót bởi cuộc đời và sự nghiệp của ông hầu như luôn gắn bó với GS. Trần Văn Giàu từ thuở còn là cậu trò quê Hà Tĩnh ra thủ đô tiếp tục con đường đại học.
Một con người “chuyên nghiệp”
PGS.TS Phan Xuân Biên nhớ lại: “Ngày tôi vào học Khoa Sử Trường ĐH Tổng hợp Hà Nội, GS. Trần Văn Giàu - chủ nhiệm khoa đầu tiên - đã chuyển sang Viện Sử - Ủy ban KHXH Việt Nam. Tuy không được GS trực tiếp giảng dạy nhưng bù lại chúng tôi có nhiều cơ hội tiếp nhận kiến thức chuyên ngành thông qua những tài liệu và sách của tác giả ký tên Trần Văn Giàu. Các sinh viên thế hệ đó đến giờ vẫn không quên những bộ sách dày 4, 5 tập của GS. Trần Văn Giàu như: Chống xâm lăng, Miền Nam giữ vững Thành đồng... Có thể nói, những tài liệu đó không chỉ là “sách gối đầu giường” mà còn là thứ cẩm nang vô cùng quý báu của một thế hệ sinh viên như chúng tôi trong điều kiện đất nước đang có chiến tranh”. Sách của GS. Trần Văn Giàu - theo PGS.TS Phan Xuân Biên - có cách hành văn rất riêng “trong văn có triết, trong triết có văn, luôn lý giải các sự kiện bằng minh chứng của lịch sử” nên được nhiều sinh viên tìm đọc.
Mãi cho đến ngày đất nước thống nhất, PGS.TS Phan Xuân Biên mới có điều kiện gần gũi hơn với nhà sử học quê ở Long An. Theo PGS.TS Phan Xuân Biên, thời kỳ ông gắn bó nhất với GS là giai đoạn Hội đồng KHXH được thành lập. Lúc đó GS. Trần Văn Giàu đảm trách cương vị Chủ tịch còn ông là Thư ký Hội đồng kiêm Phó chủ tịch Hội đồng. Mọi người trong hội đồng đều ngưỡng mộ trước thành tích mà GS đạt được trong sự nghiệp nghiên cứu của mình. Có người đã ví von: “Nếu chồng tất cả lên thì các công trình đó sẽ cao hơn người bác Giàu, nếu đem cân thì cũng nặng hơn nhiều trọng lượng của bác”.
Ở con người đậm đặc chất Nam bộ này còn thể hiện rõ ý chí cách mạng, lòng yêu nước; dù trong hoàn cảnh nào cũng biết tập hợp lực lượng đoàn kết chiến đấu và làm việc. Không chỉ có độ dày về thời gian hoạt động chính trị mà ở GS. Trần Văn Giàu còn có độ sâu và uy tín trong lĩnh vực chuyên môn. Trong cuộc sống đời thường, GS là một điển hình mẫu mực về lòng độ lượng, đức bao dung; một con người luôn chăm lo thế hệ trẻ. Bởi thế lúc sinh thời, GS. Trần Văn Giàu luôn tự hào mình là một con người chuyên nghiệp: làm cách mạng chuyên nghiệp, chuyên nghiệp trong nghiên cứu và dạy học cũng chuyên nghiệp.
Một tấm gương lao động
GS. Trần Văn Giàu là một con người suốt đời chỉ lo lao động và cống hiến. GS từng kể, trong cuộc đời ông chỉ có 30 ngày không làm việc, đó là thời gian bị giam cầm trong nhà tù đế quốc. Khi bắt tay vào công việc, GS luôn cần cù, tỉ mỉ. Mọi việc từ dễ đến khó, cái gì ông cũng muốn tự mình làm lấy. Tôi thật sự bất ngờ khi biết rằng mọi bản thảo, tài liệu của GS. Trần Văn Giàu đều do ông tự mình viết tay bởi trước nay GS không hề có thư ký riêng nào trợ giúp cả. PGS.TS Phan Xuân Biên cho tôi biết một chi tiết nhỏ: “Bác Giàu chỉ ký vào những tờ giấy do mình viết ra, không bao giờ ký vào tờ giấy do người khác viết sẵn. Vì thế, dù hơn 80 tuổi, bác vẫn tự mình nắn nót từng hàng chữ. Ngay cả khi tuổi cao sức yếu, hai ông bà vẫn tự chăm sóc nhau chứ không có người phục vụ riêng”.
GS. Trần Văn Giàu được nhiều người (nhất là những người công tác trong ngành giáo dục) khâm phục về phong cách sư phạm và nghiệp vụ đứng lớp. Tuy không tốt nghiệp Trường ĐH Sư phạm nhưng GS. Trần Văn Giàu gắn bó rất sớm với ngành giáo dục từ ngày chính quyền cách mạng mở Trường ĐH Dự bị trong kháng chiến, sau đó là Trường ĐH Sư phạm và ĐH Tổng hợp Hà Nội sau hòa bình. Làm cách mạng và đi dạy được ví như là “cánh tay phải, cánh tay trái” của vị GS lỗi lạc này. Ngay từ khi biết cống hiến cho cách mạng, GS đã có duyên nợ với nghề “truyền chữ”. Từ trong bóng tối của ngục tù, GS. Trần Văn Giàu vẫn ngày đêm âm thầm gieo mầm lý tưởng cách mạng và ánh sáng tri thức cho người cộng sản. Sau khi được tự do, GS cho ra đời cùng lúc hai lớp học để các thợ thuyền, viên chức Sài Gòn - Gia Định nâng cao tri thức.
Bài học để lại cho đời
Dù “đứng lớp” trong song sắt hay ngoài đời thì bài học nào của GS. Trần Văn Giàu cũng đậm chất nhân văn, giàu lòng yêu nước thương nòi. GS đi dạy trước hết là vì trách nhiệm công dân, vì nhiệm vụ lịch sử nhưng sau này còn là một lẽ khác. Đi dạy để có thêm nhiều cơ hội nghiên cứu, đi sâu vào lĩnh vực học thuật. Theo ông, có như vậy mới thành công trong sự nghiệp mình đã chọn. Kiến thức uyên bác của GS không phải tự nhiên mà có, đó là kết quả của một quá trình miệt mài lao động và không ngừng học hỏi. Những ngày mới bước vào nghề dạy học, do thiếu giáo trình nên trong một tuần ông phải dành 5 ngày nghiên cứu tài liệu, đến ngày thứ 6 mới có giáo án hoàn chỉnh lên lớp. Trong quá trình làm cách mạng, GS là người rất khắt khe với chính mình. Khi đứng vào đội ngũ nhà giáo, ông lại tự răn bản thân với phương châm: “Việc lớn nhất của người thầy chân chính không chỉ truyền thụ kiến thức mà là tấm gương sáng cho học sinh. Không chỉ làm gương cho trò mà còn phải biết làm gương làm cho người khác”. Với GS. Trần Văn Giàu, nghề giáo không chỉ mang tri thức đến với con người mà còn làm cho họ biết yêu thương, gần gũi nhau hơn: “Mình dạy được người, mình lại dạy được chính mình, vừa có lợi cho người vừa có lợi cho mình”. GS còn khuyên đồng nghiệp và học trò, dạy thế nào mình phải sống như thế đó nếu không sẽ là giả dối và không xứng đáng với cương vị của một người thầy.
Từng đọc một số tài liệu của GS. Trần Văn Giàu và những bài viết về ông, tôi có một cảm nhận: Có lẽ không giấy bút nào ghi hết các công trình và cuộc đời của GS. Trần Văn Giàu. GS mất đi để lại bao thương tiếc và một khoảng trống trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học xã hội nhất là lịch sử cận đại và hiện đại Việt Nam. Với quan niệm lịch sử là bộ môn giáo dục truyền thống có ưu thế nhất nên GS đã từng nhắn nhủ: “Học sử là học về nguồn. Chúng ta phải học sử, học để biết truyền thống lịch sử đất nước để tự hào và xác định lý tưởng. Người Việt Nam yêu nước không chỉ nghiên cứu lịch sử mà còn phải có trách nhiệm truyền bá, tuyên truyền rộng rãi lịch sử nước nhà”. Đó chính là bài học vô cùng quý giá mà GS. Trần Văn Giàu đã để lại cho các thế hệ con cháu mai sau.
Phan Ngọc Quang (ghi)