Thứ năm, 24/4/2014, 23h04

Học hệ 9+3, bài toán cho HS nghèo

Lớp học nghề tại Trường TCN Việt Giao
Hiện có tới 72 ngàn cử nhân ĐH thất nghiệp nhưng nhiều doanh nghiệp vẫn đang thiếu hụt lao động? Các con số này đã rung lên hồi chuông cảnh báo về những sai lầm trong việc lơ là đào tạo nghề nghiệp thời gian qua tại nước ta.
Các chuyên gia nhận định rằng, nếu kéo dài tình trạng này thì ở một viễn cảnh không xa, nền kinh tế đất nước sẽ vô cùng khó khăn. Để khắc phục những sai lầm đó, Đảng và Nhà nước đang ra sức tìm giải pháp và đưa ra các chính sách khuyến khích HS đặc biệt là HS tốt nghiệp THCS đi học nghề.
Giải quyết bài toán chi phí
Chính sách ưu đãi cho HS tốt nghiệp THCS đi học nghề trong những năm gần đây là một vấn đề được đặc biệt quan tâm. Cụ thể, trong nghị định số 49/2010/NĐ-CP về việc miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập đã quy định giảm 50% học phí cho HS tốt nghiệp THCS đi học nghề.
Mới đây nhất, trong Dự thảo luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dạy nghề năm 2014, 20/25 thành viên Chính phủ nằm trong Ban soạn thảo đã nhất trí thông qua đề nghị bổ sung quy định chính sách miễn học phí cho người tốt nghiệp THCS khi học trung cấp nghề (TCN) tại khoản 1 điều 65. Như vậy thì trong tương lai gần, khi Luật Dạy nghề sửa đổi chính thức có hiệu lực, HS đi học nghề sau tốt nghiệp lớp 9 sẽ được hỗ trợ rất lớn.
Rõ ràng, trong bối cảnh còn nhiều gánh nặng ngân sách như hiện nay, việc Nhà nước sẵn sàng bỏ ra một nguồn kinh phí lớn để đầu tư cho giáo dục nghề nghiệp chứng tỏ đây đang là một trong những vấn đề được quan tâm và ưu tiên hàng đầu.
Dù chưa giải quyết được toàn diện, triệt để những vấn đề liên quan đến chi phí nhưng các chính sách này cũng đã giải quyết phần nào những khó khăn trong việc phát triển học nghề, tạo động lực cơ bản để thu hút các em.
Đẩy mạnh phân luồng sau THCS
Việc các HS chọn đúng hướng đi theo những luồng được cơ cấu hợp lý dựa trên các thiên hướng năng lực, sở trường, nguyện vọng, sở thích, hoàn cảnh của mỗi em sẽ vừa phát huy được khả năng cá nhân vừa mang lại lợi ích cho xã hội.
Chính vì ý nghĩa quan trọng này, công tác phân luồng đã được khẳng định trong các nghị quyết của Đảng. Mới đây nhất là nghị quyết số 29-NQ/TƯ của Ban Chấp hành TƯ khóa XI về đổi mới căn bản toàn diện GD-ĐT, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa - hiện đại hóa. Ngoài ra, nhiều văn bản của Quốc hội đã phê duyệt về vấn đề này cũng như có các văn bản chỉ đạo của Chính phủ và các bộ ngành.
Mục 3.4 trong chỉ thị số 10-CT/TW ngày 5-12-2011 của Bộ Chính trị về tăng cường phân luồng HS sau THCS cũng đã yêu cầu: Triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm thực hiện tốt việc phân luồng HS sau khi tốt nghiệp THCS theo hướng dẫn tăng nhanh tỷ lệ HS vào học ở các trường TCCN, TCN.
Trước đây, công tác hướng nghiệp được đưa vào chương trình học của HS nhưng với số lượng thời gian ít ỏi, phương pháp không đồng bộ, tư vấn viên chủ yếu là thầy cô thì phương pháp này thực tế chưa mang lại hiệu quả. Vì vậy, thay vì 2 tiết hướng nghiệp mỗi tháng dành cho HS bắt đầu từ kỳ II lớp 8, các phòng GD-ĐT địa phương bắt đầu “đặt hàng” các trường TCN tới tư vấn trực tiếp cho các em. Phương pháp tổ chức quy mô, chuyên nghiệp, chuyên gia tư vấn không chỉ là những người đang trực tiếp dạy nghề mà còn là các nghệ nhân, những người đang thành công với nghề đã mang lại cho các em một cái nhìn đầy đủ, chính xác về nghề nghiệp, đồng thời đưa ra những lời khuyên có tính thực tế giúp các em định hướng rõ ràng hơn về nghề nghiệp trong tương lai.
Nếu mô hình này được nhân rộng và tổ chức thường xuyên, sẽ mang lại những kết quả không nhỏ trong công tác phân luồng, vừa giảm tải tình trạng thiếu hụt lao động đã qua đào tạo để đáp ứng yêu cầu xã hội, vừa giúp các trường THCS, THPT nâng cao tỷ lệ hướng nghiệp thành công theo yêu cầu của các sở ban ngành.
Liên kết doanh nghiệp, đảm bảo việc làm
Học tập là để đảm bảo tương lai, vì vậy một hình thức đào tạo sẽ được xem là lựa chọn tối ưu khi nó cụ thể được yếu tố đầu ra.
Do nhận thức sai lệch, nhiều người vẫn có suy nghĩ rằng chỉ những người học lên THPT rồi có bằng ĐH mới có thể xin được việc làm ổn định, lương cao. Trong khi thực tế nhu cầu sử dụng lao động tại các nhà máy, xí nghiệp, doanh nghiệp hiện nay lại rất cần người có kỹ năng nghề nghiệp ở bậc TCN. Các chuyên gia về hướng nghiệp cho rằng công tác phân luồng chỉ có thể hiệu quả khi gắn với doanh nghiệp. Bước đầu, chúng ta đã thực hiện những chính sách kêu gọi, đề nghị các công ty, tập đoàn tham gia vào công tác phân luồng, đồng thời ra sức khuyến khích các cơ sở đào tạo nghề đẩy mạnh liên kết với doanh nghiệp.
Hình thức đào tạo theo đơn đặt hàng đang được các sở ban ngành đánh giá cao. Nó không chỉ giúp các trường đào tạo sát nhu cầu doanh nghiệp, đảm bảo được việc làm cho sinh viên mà còn nâng cao trách nhiệm của các đơn vị tuyển dụng đối với những nhân viên tương lai của mình.
Bà Nguyễn Thị Cẩm Ngân - Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần Truyền thông Giải trí và Du lịch Việt Nam (đối tác doanh nghiệp trong nhiều năm của Trường TCN Việt Giao - một trong những đơn vị tiên phong đào tạo theo mô hình “đơn đặt hàng”) - cho biết: “Tôi nghĩ rằng tình trạng sinh viên không đáp ứng được yêu cầu của nhà tuyển dụng là vì nhà giáo dục và nhà tuyển dụng chưa hiểu ý nhau. Việc lựa chọn những trường uy tín để “đặt hàng” buộc chúng tôi phải theo sát quá trình đào tạo, có cơ hội thẩm định chuyên môn và kỹ năng của sinh viên. Với sự đồng hành như vậy, những HS tốt nghiệp lớp 9 sau ba năm học nghề của các ngành quản trị khách sạn, hướng dẫn du lịch, quản trị bếp và ẩm thực đã được chúng tôi tin tưởng nhận vào làm việc. Và với những dự án kinh doanh sắp tới, tôi vẫn muốn tạo cơ hội cho các em. Vì đối với tôi, cái gì mình đã tin tưởng thì sẽ dễ dàng hợp tác thành công hơn”.
Yến Nhi
Thạc sĩ Trần Phương, Hiệu trưởng Trường TCN Việt Giao chia sẻ: Vẫn biết phát triển chương trình đào tạo 9+3 là một chiến lược đúng đắn nhưng chúng ta cần phải biết huy động sự phối hợp của toàn xã hội để tuyên truyền một chính sách giáo dục mới nhằm mang lại những dấu hiệu tích cực và khả quan giúp chuyển biến cách thức đào tạo trong nền giáo dục Việt Nam.