Thứ tư, 7/4/2010, 08h04

Kỳ họp thứ nhất “Quốc hội trẻ”: Nhiều ý kiến mang tầm quốc gia

“Đại biểu quốc hội trẻ” đang phát biểu tại kỳ họp

Hơn 120 “đại biểu quốc hội trẻ” là học sinh, sinh viên TP.HCM và các tỉnh lân cận (Bình Dương, Vũng Tàu, Đồng Nai…) cùng bàn luận và đưa ra giải pháp khắc phục nạn bạo lực học đường, gian lận trong thi cử, học thêm tràn lan mà thiếu tính hiệu quả, thiếu sân chơi học đường… đã diễn ra tại Kỳ họp thứ nhất “Quốc hội trẻ” do Trung tâm Thanh thiếu niên miền Nam vừa tổ chức.
Tại kỳ họp, bà Phạm Phương Thảo (Đại biểu quốc hội, Chủ tịch HĐND TP.HCM) nhận định, những ý kiến phản ánh của các em tuy hồn nhiên nhưng lại mang tầm quốc gia và cũng là vấn đề quốc hội hiện đang quan tâm.
Thiếu sân chơi “thực”, thừa sân chơi “ảo”
Dường như, khái niệm về một sân chơi thực thụ còn quá xa đối với học sinh. Em Trần Thạch Thảo (Trường Quốc tế Việt Úc) nêu thực trạng nhiều học sinh sau giờ tan trường không tìm thấy được niềm vui do thiếu sân chơi. Không ít em vì thế đã lao vào kết bạn với games online và trở nên… nghiện. 
Em Đặng Trần Phú Lộc (Trường THCS Bàn Cờ, Q.3) cho biết, ở trường, các em bị hạn chế chơi các trò vận động như đá banh, đá cầu… và chỉ được phép chơi vào các giờ học môn thể dục. Thay vào đó, giờ giải lao, các em chỉ ngồi đọc sách, truyện hay … nói chuyện. Với học sinh khiếm thị, do điều kiện đặc trưng, giờ giải lao, các em chủ yếu chơi các trò vận động nhẹ, nhảy dây, hát hò… Các trường nội trú cũng rơi vào tình trạng tương tự. Em Nguyễn Đức Tài (Gò Vấp) bày tỏ, học sinh trường nội trú rất “khát” các hoạt động ngoại khóa, có sự dẫn dắt, hướng dẫn nhiệt tình của thầy cô. Cũng có những trường tạo được sân chơi thông qua các câu lạc bộ, tuy nhiên chỉ hoạt động được thời gian đầu, càng về sau càng đuối, thậm chí bị “chết” giữa chừng.
Trong điều kiện thiếu sân chơi “thực”, sân chơi “ảo” với nhiều trò mang tính bạo lực hiện đang hút rất đông học sinh. Em Vương Phước Duy Khang (lớp 11 Trường THPT Lê Quý Đôn) giải thích, các game bạo lực thường thu hút nhiều người chơi, nó tạo cho họ cảm giác được “bá chủ” nhưng thật nguy hiểm khi họ mang cảm giác này ra ngoài đời. Theo Duy Khang, chơi thể thao, hoạt động đội nhóm… là cách kéo các “game thủ” về với nếp sống lành mạnh, hữu ích.
Lịch học quá tải
Ngoài việc thiếu sân chơi, học sinh còn bị hạn hẹp thời gian chơi, tham gia các hoạt động khác. Em Phương Trâm (Trường THPT Nguyễn Du) nêu cụ thể: “Có tuần lớp em phải trải qua 5 môn kiểm tra một tiết, trong khi 1 môn phải học đến mười mấy bài. Đó là chưa tính đến kiểm tra 5 phút, 15 phút, khảo miệng…”. Phương Trâm còn phản ánh tình trạng quá tải đối với học sinh trước việc giáo viên bộ môn ra rất nhiều bài tập về nhà, trong khi khối lượng các môn học hàng tuần của các em là rất lớn. Em Võ Hoàng Sơn (Trường THPT Phú Nhuận) cũng đề nghị việc giảm bớt thời gian học chính khóa để các em có thời gian hoạt động ngoại khóa, tham gia các CLB đội nhóm cũng như có thời gian làm bài tập về nhà.
Phần đông học sinh không ủng hộ việc dạy - học thêm một cách thiếu hiệu quả như hiện nay. Nhiều em cho rằng, những kiến thức còn chưa hiểu rõ tốt nhất nên hỏi trực tiếp thầy cô, bạn bè ngay tại lớp thay vì phải “mất tiền” để cũng chỉ có được chúng ở lớp học thêm. Em Trần Phan Kiều Anh (Vũng Tàu) nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tự học bởi theo em, hiện nhiều bậc cha mẹ cứ đưa con đi học thêm theo trào lưu mà không biết con mình có theo nổi chương trình học không.
Ngay chính bản thân các em cũng “biết buồn” trước chuyện gian lận trong thi cử. Việc đề xuất tổ chức thi trắc nghiệm, thi đề mở là hướng giải pháp của học sinh để khắc phục tình trạng này.
Chủ tịch HĐND TP.HCM Phạm Phương Thảo ghi nhận những ý kiến đóng góp của các em. Chủ tịch cũng nhấn mạnh, thời gian tới thành phố sẽ tiếp tục tăng cường thực hiện các chính sách đầu tư xây dựng trường lớp, khu vui chơi… cho thiếu nhi. Khối lượng 24 nhà thiếu nhi hiện vẫn còn quá ít so với vài triệu thiếu nhi của thành phố. Đặc biệt, thành phố còn đến 1.260 ha đất theo kế hoạch sẽ tiếp tục được quy hoạch cho việc xây dựng trường lớp trong thời gian tới.
Bài, ảnh: Mê Tâm