Thứ sáu, 30/4/2010, 09h04

Kỷ niệm 35 năm giải phóng miền nam thống nhất đất nước 30-4-1975/30-4-2010: Những cuộc chiến sinh tử

Bài cuối: Đời người là những trận chiến

Bác sĩ Khánh Duy (áo blue trắng) giới thiệu Trung tâm Cai nghiện Thanh Đa với bà Trương Thị Mai, Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội Quốc hội và bà Trương Thị Kim Ngân, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh - Xã hội năm 2008

Ấn tượng đầu tiên tôi gặp ông đó là sự ân cần và chu đáo, điều thật hiếm thấy ở một người luôn bận rộn với công việc. Và khi bước vào cuộc trò chuyện, tôi nhận ra ở ông những phẩm chất đáng quý của anh bộ đội Cụ Hồ, của lòng yêu thương, trân trọng những mảnh đời lầm lỡ. Ông - người chiến sĩ cách mạng - Thiếu tá, bác sĩ (BS) Nguyễn Hữu Khánh Duy.
Dũng cảm, mưu mẹo trong lòng địch
Tôi gặp BS. Nguyễn Hữu Khánh Duy tại Trung tâm Cai nghiện Thanh Đa, nơi ông làm việc vào một buổi chiều. Năm nay, dù đã bước sang cái tuổi 65 nhưng ông vẫn giữ cho mình phong thái làm việc tràn đầy nhiệt huyết như thời còn trai trẻ. Nếu chỉ nhìn dáng người nhỏ nhắn, cách nói chuyện nho nhã, ít ai biết được rằng con người ấy đã có một thời oanh liệt khó quên. Dù không phải đối mặt với bom rơi đạn nổ, nhưng ông lại dấn thân vào một trận tuyến vô cùng nguy hiểm, đòi hỏi phải có sự khôn khéo, tinh thần cảnh giác cao và lòng gan dạ - đó là nhiệm vụ của một chiến sĩ tình báo trong lòng địch.
Với chất giọng miền Trung trầm ấm, ông kể cho tôi nghe những câu chuyện của ngày ấy. Từng câu chuyện hiển hiện ra trong dòng hồi ức của người lính già đã một thời vào sinh ra tử.
Năm 1966, ông thi đỗ vào Trường ĐH Y khoa Sài Gòn, chính thức dấn thân vào công cuộc đấu tranh giải phóng đất nước. Năm 1971, ông tham gia hoạt động an ninh vũ trang, trở thành cụm phó điệp báo A10 thuộc Ban An ninh T4 (Sài Gòn - Gia Định). Bằng lòng nhiệt huyết và sự sáng tạo, ông được cấp trên giao cho lãnh đạo và tổ chức nhiều hoạt động dưới hình thức công tác xã hội nhằm che mắt kẻ địch. Ông cùng những SV yêu nước thuộc các tổ chức cách mạng đã đến từng nhà, tiếp cận từng người dân để làm công tác tư tưởng, vận động đấu tranh đòi dân sinh, dân chủ, chống bắt lính, nâng cao nhận thức quần chúng… Từ đó kịp thời phát hiện các phần tử phản đông có âm mưu chống phá cách mạng, xây dựng mạng lưới cơ sở trong đông đảo quần chúng nhân dân, góp phần cổ vũ tinh thần đấu tranh của nhân dân miền Nam.
Tốt nghiệp bác sĩ khi vừa tròn 25 tuổi, ông bị địch bắt vào hàng ngũ quân đội Sài Gòn. Dưới sự chỉ đạo của đồng chí Trần Ngọc Ban (bí danh Mười Hương, nguyên Phó bí thư Thành ủy TP.HCM), ông bắt đầu bước vào một giai đoạn cách mạng mới với bí danh Năm Quang. Từ đây, ông phải luôn đối mặt với sự cảnh giác gắt gao của địch và chịu nhiều điều tiếng của người đời. Do có một lý lịch khá “sạch”, Năm Quang đã dễ dàng tạo được sự tin tưởng của chính quyền tay sai và có vị trí cao trong hàng ngũ của địch. Với vai trò là một BS trưởng quân y, Năm Quang một mặt tiếp tục điều hành cụm điệp báo A10, mặt khác làm giảm ý chí và tiêu hao sinh lực địch thông qua những “kĩ xảo”, thủ thuật của ngành y như kéo dài thời gian điều trị lâu hơn, tạo điều kiện cho những người lính nghỉ bồi dưỡng, giúp cho nhiều người sớm được giải ngũ trở về với gia đình… Lâu dần, việc làm đó đã khiến cho các chốt canh gác trở nên lỏng lẻo vì thiếu người. Gần gũi với những người lính, hiểu được hoàn cảnh và nguyện vọng của từng người, những lúc “chén chú, chén anh” đã được Năm Quang tận dụng để tuyên truyền tư tưởng phản chiến làm tăng sự bất mãn và lung lay ý chí chiến đấu, tư tưởng hiếu chiến của một bộ phận không nhỏ lực lượng địch. Cũng trong thời gian này, ông được phong quân hàm đại úy, được Chuẩn tướng Bùi Thế Lân (Tư lệnh Sư đoàn thủy quân lục chiến Việt Nam cộng hòa) trao tặng danh hiệu “Anh dũng bội tinh” và được nhiều tờ báo của chính quyền tay sai viết bài ca ngợi. Với vỏ bọc ấy, đã nhiều lần ông dẫn cán bộ cách mạng từ căn cứ về các địa bàn hoạt động một cách an toàn. Ông cũng biết cách lợi dụng các mối thân cận xung quanh đám tướng tá Ngụy để khai thác thông tin. Ông kể: “Vào cuối năm 1972, thời điểm căng thẳng chuẩn bị kí kết hiệp định Paris. Bên ta rất cần thông tin chính xác về việc Mỹ có chịu kí hay không và thời gian cụ thể là khi nào để lên phương án đối phó. Tôi thử mọi cách nhưng đều thất bại. May thay, lúc đó con của trưởng ban An ninh quốc phòng một hạ viện bị bệnh và nhờ tôi chăm sóc. Tôi đã dùng việc chữa bệnh để tiếp cận với người thân của hắn. Một ngày nọ, tôi than phiền với vợ hắn về tình hình chiến tranh bên ngoài thì được bà ta cho biết “Việt Cộng ép quá rồi cũng phải kí thôi”. Xong được một vấn đề, việc còn lại là phải khai thác xem thời gian chính xác là bao giờ. Tôi tiếp tục thắc mắc “Cứ nói vậy chứ biết đến bao giờ mới kí”, bà ta vội đáp “Thời gian kí kết sẽ diễn ra trước Tết Nguyên đán (tức đầu năm 1973)”. Từ sự việc đó, tôi rút ra cho mình một kinh nghiệm hài hước: Muốn khai thác tin tức các ông thì phải hỏi… mấy bà”.
Ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, Năm Quang được cấp trên chỉ đạo đi… cải tạo. “Đó là nhiệm vụ được cấp trên chỉ đạo nhằm che giấu lý lịch, tránh sự dòm ngó của các đối tượng theo chế độ cũ. Đồng thời, trong môi trường cải tạo, tôi tiếp tục tiếp cận các tướng lĩnh Ngụy quân, Ngụy quyền, kịp thời phát hiện và thu thập những thông tin, âm mưu phản động của các thành phần bất hảo trong và ngoài nước”, BS. Nguyễn Hữu Khánh Duy chia sẻ. Có một thời gian sau khi “ra trại”, ông bị chính quyền cách mạng lâm thời truy xét, xác minh lý lịch và không được phong quân hàm trong suốt thời gian sáu năm. Khi những năm tháng ấy qua đi, ông lại được giữ nhiều chức vụ quan trọng trong cơ quan an ninh, Tòa án nhân dân, Sở Y tế… tại TP.HCM. Chính ông đã đem sinh mạng chính trị của mình bảo lãnh cho nhiều bác sĩ, cán bộ y tế có lý lịch phức tạp ra nước ngoài học tập và trở về Việt Nam làm việc ngay vào thời điểm hiện tượng “chảy máu chất xám” đang rất phổ biến. Và sau những chuyến học tập ấy, những bác sĩ có tên tuổi đã trở về và có những đóng góp to lớn cho ngành y học nước nhà.
Tiếp tục giành lại những con người lầm lỡ
Sau những năm tháng đóng góp công sức cho cách mạng và công cuộc xây dựng đất nước, ông rút lui về “hậu đài”. Những tưởng rằng, con người ấy sẽ tìm cho mình thú vui an hưởng tuổi già như một quy luật bình thường của cuộc sống. Nhưng không, nhiệt huyết làm việc, tình yêu thương và dòng máu người lính trong ông vẫn nóng như ngày còn trai trẻ. Chứng kiến bao người vật vã với ma túy, người lính già năm xưa quyết tâm đương đầu cùng “cái chết trắng”, giành giật lại từng mảnh đời và đưa họ trở về hòa nhập với cuộc sống. Cái tên Công ty TNHH Điều dưỡng và Cai nghiện ma túy Thanh Đa ra đời không nằm ngoài mục đích cao cả ấy. Hàng nghìn người nghiện được đưa tới đây, mỗi người một hoàn cảnh khác nhau và điều đó đã làm ông phải băn khoăn, trăn trở. Có anh công nhân đồng lương “ba cọc ba đồng” đưa hai người em trai và một cô em dâu tới, nghẹn ngào nhìn ông không nói nên lời. Có bà mẹ gom góp những đồng bạc cuối cùng, lặn lội đưa con từ Bắc vào Nam để cai nghiện. Có người cha vượt hơn nửa vòng trái đất tìm đến trung tâm vì đứa con tái nghiện nhiều lần. Họ giao người thân cho ông với hi vọng có thể tìm lại cuộc đời của người thân họ đã bỏ quên đâu đó. Chỉ bấy nhiêu thôi cũng đủ để ông tiếp tục chiến đấu, giành giật mạng sống cho từng con người tới hơi thở cuối cùng. Sau mười năm thành lập, ông đã làm nên một huyền thoại trên mặt trận chống ma túy. Với BS. Khánh Duy, đó không còn là công việc mà là lẽ sống, là máu thịt của đời mình. Ông đau theo từng nỗi đau của học viên. Ông thấu hiểu những tâm tư, nguyện vọng của họ. Ông thành công trong việc cảm hóa những mảnh đời lầm lỡ, đưa họ tìm lại cuộc đời đã “đánh mất” của mình. “Trên mặt trận này, cái tâm phải được đặt lên hàng đầu. Cứu được một người nghiện là cứu được ít nhất ba đời người nhà họ”, ông luôn dặn nhân viên của mình những lời đầy tâm huyết như vậy. Ở đây, cả học viên lẫn nhân viên đều gọi BS. Khánh Duy bằng “bố” vì họ học hỏi được nhiều điều, tìm thấy niềm tin, tình yêu và điểm tựa của cuộc sống từ ông. “Bố già” không mong họ nhớ tới mình, nhớ tới trung tâm. Càng không mong muốn họ quay lại vì “nhớ tới nó là nhớ tới một thời quá khứ buồn đau, tủi nhục. Tốt nhất là cứ quên đi, quên được càng nhiều càng tốt”, ông tâm sự. 
Với những nỗ lực và đóng góp không ngừng nghỉ ấy, BS. Khánh Duy đã được nhận nhiều bằng khen của Đảng, Nhà nước, các tổ chức trong và ngoài nước. Nhưng có lẽ, vinh quang của ông không nằm ở đó, mà chính là sự thành công trong công tác cai nghiện, đưa học viên trở về với cuộc sống, tiếp tục giúp đỡ những người có cùng hoàn cảnh với mình vượt qua sự cám dỗ của “cái chết trắng”. Điều tưởng chừng như rất nhỏ nhoi ấy lại chính là những hạt ngọc vô giá ông trân trọng, nâng niu, chắp cánh cho nghị lực và niềm tin vào cuộc sống.
Chia tay ông, chia tay người chiến sĩ tình báo gan dạ năm xưa - người doanh nhân thành đạt hôm nay, tôi không thể nào quên được một quan niệm sống mà ông tâm đắc: “Đừng bao giờ nói tôi làm được điều này, điều kia. Bởi những điều làm được ấy còn có sự đóng góp, phấn đấu của cả một tập thể, cộng đồng”.
Bài, ảnh: Ngọc Anh
Tuổi thơ ông gắn liền với mảnh đất miền Trung đầy khắc nghiệt. Và cũng chính sự khắc nghiệt ấy đã hình thành trong ông một ý chí sắt đá, một bản lĩnh kiên cường. Xuất thân trong một gia đình hầu hết anh chị đều là chiến sĩ cách mạng hoạt động tình báo, cộng thêm những ảnh hưởng từ hai luồng tư tưởng Nho - Phật giáo đã giúp cho chàng thiếu niên Khánh Duy nhân thức được bản chất của cuộc chiến tranh phi nghĩa mà đế quốc Mỹ đã gây ra cho dân tộc Việt Nam. Cũng bắt đầu từ đó, ông nung nấu cho mình ý chí tham gia cách mạng, chống lại sự đàn áp nghiệt ngã của bọn đế quốc. Ngay từ khi còn đi học, ông đã tích cực tham gia các phong trào đấu tranh chống Mỹ - Diệm và chính quyền tay sai tại đô thị.