Thứ năm, 14/8/2014, 22h08

Mua hàng điện máy: Trong vòng vây đủ các chiêu lừa

Quảng cáo bán hàng điện máy giảm giá của một số siêu thị kim khí điện máy tại TP.HCM
Nhu cầu sử dụng các sản phẩm điện máy của người dân ngày càng cao. Tuy nhiên người tiêu dùng lại đang đối mặt với một loạt các hành vi vi phạm pháp luật của đơn vị bán hàng như: Hàng kém chất lượng bán với giá cao, cung cấp thông tin sai lệch, gian dối, gây nhầm lẫn về hàng hóa, dịch vụ, khuyến mại không trung thực, không cung cấp hóa đơn, chứng từ, từ chối bảo hành... Đó là những vấn đề được đưa ra tại hội thảo Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (BVQLNTD) trong lĩnh vực điện máy tổ chức mới đây tại TP.HCM.
Đủ kiểu bán hàng không trung thực
Ông Nguyễn Lộc An, Phó vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công thương cho rằng thị trường điện máy hiện nay đa dạng về chủng loại sản phẩm lẫn phương thức phân phối. Song song với hình thức bán lẻ thì các hình thức bán qua trực tuyến, truyền hình cũng phát triển mạnh, theo đó NTD có nhiều cơ hội lựa chọn, thỏa mãn nhu cầu tiêu dùng. Tuy nhiên, tiềm ẩn trong đó nhiều kiểu bán hàng thiếu trung thực của đơn vị bán.
“Trên thực tế không phải toàn bộ các trung tâm điện máy đều bán hàng chính hãng. Một số doanh nghiệp đã lựa chọn cách bán hàng không thương hiệu, không nguồn gốc xuất xứ. Đặc biệt các chương trình khuyến mãi hiện nay diễn ra với tần suất lớn, nhiều chương trình được quảng cáo giảm giá tới 49% nhưng phần lớn hàng giảm giá bị lỗi kỹ thuật, trầy xước, cần thanh lý... Thực trạng này gây khó khăn trực tiếp cho nhà sản xuất và tiềm ẩn rủi ro cho NTD. Ngoài ra một số các mặt hàng giảm 30-40% nhưng giá bán vẫn tương đương với các sản phẩm cùng loại ngoài thị trường”, ông An khẳng định.
Ông Cao Xuân Quảng, Trưởng phòng BVQLNTD, Cục Quản lý cạnh tranh, Bộ Công thương cũng đưa ra dẫn chứng về một số hành vi vi phạm quyền lợi NTD phổ biến trong lĩnh vực điện máy như: Đơn vị bán hàng đưa ra các loại quà tặng như quạt cây cao cấp, nồi cơm điện… và nêu trị giá ở hàng triệu đồng. Nhưng trị giá thực của hàng khuyến mại chỉ dừng lại ở vài trăm ngàn đồng, chỉ doanh nghiệp mới biết chứ NTD không thể biết. Chưa kể đơn vị bán hàng cung cấp chính sách đổi trả sản phẩm không đầy đủ, không rõ ràng, thông tin sai, hoặc gây nhầm lẫn về giá cả. Thậm chí còn sử dụng hình ảnh logo của các thương hiệu như Panasonic, Daikin... để quảng cáo nhưng thực tế không áp dụng cho 2 thương hiệu này.
Theo báo cáo về chi tiêu cho các sản phẩm điện tử tiêu dùng tại Việt Nam trong quý 1-2014 của Công ty Nghiên cứu thị trường GFK, tổng chi tiêu tăng gần 35.000 tỷ đồng so với cùng kỳ năm ngoái, cao nhất từ trước đến nay. Kết quả này cho thấy, thị trường hàng điện máy đang là mảnh đất màu mỡ của nhà sản xuất, nhà phân phối, bán hàng. Tuy nhiên với những chiêu thức bán hàng trên khiến nhiều NTD đã và đang trở thành nạn nhân “hứng lừa”. Điều đáng nói nếu chẳng may NTD gặp phải những tình huống trên, thiết bị mua về gặp hỏng hóc, sự cố… nếu khiếu nại đến trung tâm bảo hành thì dễ bị từ chối.
Bà Phan Thị Việt Thu, đại diện Hội BVQLNTD TP.HCM khi nói về việc liên quan đến trách nhiệm nhà phân phối, đơn vị bán hàng đã cho rằng có trường hợp bán hàng tồn kho, thời hạn bảo hành của nhà sản xuất đã hết nhưng cửa hàng lại không thông báo cho khách hàng, cũng không đổi phiếu bảo hành... Đến khi sản phẩm hỏng, gặp trục trặc, NTD quay lại trung tâm bảo hành của trung tâm thì bị từ chối với lý do hết hạn bảo hành tính từ ngày xuất xưởng. Ngoài ra, NTD còn bị tước mất quyền lợi của mình trước sự vi phạm về giá, định lượng của hàng hóa. Đơn cử việc tăng giá sữa, giá gas, giá thuốc gần đây hoặc đong thiếu xăng, thiếu gas…
Luật BVQLNTD chưa đi vào thực tiễn

Khách hàng xem các mặt hàng điện máy giảm giá tại một siêu thị kim khí điện máy ở TP.HCM.
Theo Hội BVQLNTD TP.HCM, Luật BVQLNTD đã có hiệu lực đến nay là hơn 3 năm. Tuy nhiên luật chưa thực sự được áp dụng vào thực tiễn, tình trạng thiếu trách nhiệm, không chấp hành pháp luật trong việc BVQLNTD của các tổ chức, cá nhân kinh doanh dẫn đến nhiều thiệt thòi cho NTD. Kết quả NTD đã giảm lòng tin đối với hoạt động xúc tiến bán hàng của doanh nghiệp.
Bà Việt Thu cho biết, các nhà sản xuất, nhà phân phối, các cá nhân kinh doanh đã và đang vi phạm trách nhiệm liên quan đến cung cấp thông tin về hàng hóa, dịch vụ, bảo hành. Chưa nói đến hiện trạng hàng kém chất lượng, cung cấp dịch vụ không tương xứng với số tiền NTD đã bỏ ra mà NTD không có khả năng  kiểm tra hoặc không có điều kiện chọn lựa… Thế nhưng việc giải quyết khiếu nại của NTD hiện tại vẫn bị bỏ ngỏ. “Các cơ quan quản lý Nhà nước về BVQLNTD chưa có biện pháp cụ thể để buộc các doanh nghiệp phải thực thi trách nhiệm. Việc giải quyết khiếu nại mới chỉ dừng lại ở cấp Trung ương, Bộ Công thương thực hiện. Riêng tại TP.HCM cũng như nhiều tỉnh thành khác, đến nay chưa có một cơ quan cấp quận, huyện chịu trách nhiệm tiếp nhận khiếu nại của NTD, các UBND phường cũng từ chối. Nếu có nhờ đến tòa án thì hệ thống tòa cũng không quan tâm”, bà Việt Thu thẳng thắn nhìn nhận.
Mặt khác, trong một số lĩnh vực kỹ thuật, chính sự hiểu biết của NTD còn hạn chế khiến cho bản thân họ luôn phải chịu thua thiệt về quyền lợi. Ông Cao Xuân Quảng cho rằng khi quyết định mua một mặt hàng, ngoài quyền lợi được an toàn, được cung cấp thông tin, được tư vấn, bồi thường, khiếu nại thì NTD cũng phải thực hiện nghĩa vụ của mình. Đó là kiểm tra hàng hóa trước khi mua - nhận, thực hiện chính xác hướng dẫn sử dụng… và thông tin cho cơ quan, tổ chức về hành vi vi phạm quyền lợi NTD. Nhưng trên thực tế, nhiều người lại không quan tâm, thực hiện. Hoặc NTD có tâm lý ngại rắc rối khi khiếu nại, bảo hành vì cho rằng giá trị sản phẩm không cao nên đành thôi. Chính tâm lý này làm cho doanh nghiệp coi thường trách nhiệm của mình cũng đồng nghĩa với việc coi thường luật pháp…
Bài, ảnh: Ngọc Trinh
“Điện máy đã và đang trở thành một lĩnh vực có sức phát triển nhanh của nền kinh tế nhưng BVQLNTD vẫn là một vấn đề mới mẻ, tồn tại nhiều bất cập” - ông Nguyễn Phương Nam, Phó cục trưởng Cục Quản lý cạnh tranh, Bộ Công thương nói.