Thứ năm, 27/11/2014, 22h11

Người nhiễm HIV: “Lơ” điều trị vì sợ bị kỳ thị

Bác sĩ khám bệnh cho bệnh nhân tại Trung tâm Giáo dục bảo trợ Phú Văn. Ảnh: N.Q
Việt Nam là một trong số 12 quốc gia ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương có số người nhiễm HIV cao nhất. Điều đáng nói ở đây là có tới 44% số người nhiễm HIV không biết tình trạng nhiễm của mình. Nguyên nhân chính vẫn là do họ sợ bị phân biệt, bị kỳ thị. Theo đó, Tháng hành động quốc gia phòng HIV/AIDS năm 2014 (từ 10-11 đến 10-12) có chủ đề “Kỳ thị và phân biệt đối xử với người nhiễm HIV”.
Gần 99% quận, huyện có người nhiễm HIV
Theo báo cáo của Liên Hợp Quốc về HIV/AIDS (UNAIDS), năm 2013 có khoảng 35 triệu người nhiễm HIV còn sống trên toàn thế giới. Tính từ đầu vụ dịch đến nay, thế giới có khoảng 78 triệu người nhiễm HIV và khoảng 39 triệu người tử vong do AIDS. Số người nhiễm mới HIV trên thế giới trong những năm gần đây dao động khoảng 2,5 triệu người/năm.
Riêng tại Việt Nam, từ trường hợp nhiễm HIV đầu tiên được phát hiện năm 1990 tính đến ngày 30-9-2014, cả nước có 224.223 trường hợp báo cáo hiện nhiễm HIV (trong đó, số bệnh nhân chuyển sang giai đoạn AIDS là 69.617) và 70.734 trường hợp người nhiễm HIV/AIDS tử vong. Số người nhiễm HIV phát hiện mới có xu hướng giảm trong 7 năm gần đây, tuy nhiên vẫn ở mức cao khoảng 12.000-14.000 ca/năm.
Theo báo cáo của Bộ Y tế, Việt Nam hiện có khoảng 260.000 người nhiễm HIV trong cộng đồng, trong đó chỉ có khoảng 56% người nhiễm HIV biết tình trạng nhiễm HIV của họ. Tính đến tháng 6-2014, toàn quốc có 86.771 bệnh nhân đang được điều trị ARV (chiếm 32% số người nhiễm HIV hiện đang sống trong cộng đồng).
Đại dịch HIV đã bao trùm trên cả nước với 80,3% số xã, phường, thị trấn và 98,9% số quận, huyện có người nhiễm. Trong đó tập trung chủ yếu ở ba nhóm quần thể có hành vi nguy cơ lây nhiễm HIV cao, là: Người nghiện chích ma túy (NCMT), nam quan hệ tình dục đồng giới (MSM) và phụ nữ bán dâm (PNBD).
Theo bà Cao Kim Thoa - Cục Phòng chống HIV/AIDS, Bộ Y tế, kết quả giám sát trọng điểm HIV năm 2013, tỉ lệ hiện nhiễm HIV trong nhóm NCMT đặc biệt cao ở các tỉnh Thái Nguyên (34%), Lai Châu (27,7%), Hà Nội (24%), Quảng Ninh (22,4%) và TP.HCM (18,2%). Đối với nhóm PNBD tỉ lệ này là 2,6%, riêng tại Hà Nội, Hải Phòng, Cần Thơ và TP.HCM là trên 10%. Trong đó, tỷ lệ hiện nhiễm HIV trong nhóm PNBD đường phố cao hơn nhóm PNBD nhà hàng. Riêng số PNBD tiêm chích ma túy có tỉ lệ hiện nhiễm HIV rất cao, từ 25-30%; trong nhóm MSM, tỉ lệ hiện nhiễm trung bình là 3,7%. Trong đó, tỉ lệ nhiễm HIV trong nhóm MSM tiêm chích ma túy là 6% và nhóm MSM không tiêm chích ma túy là 1,8%. “Trong thời gian gần đây, bạn tình của người NCMT được coi là quần thể có nguy cơ cao mới. Việc gia tăng các trường hợp phụ nữ nhiễm HIV mới được báo cáo, chiếm đến 32,5% các ca nhiễm mới trong năm 2013, phản ánh sự lây truyền HIV từ nam giới có hành vi nguy cơ cao sang bạn tình”, bà Thoa cảnh báo.
Cái kết của kỳ thị và phân biệt đối xử

Bác sĩ tắm cho bệnh nhân tại Trung tâm Giáo dục bảo trợ Phú Văn. Ảnh: N.Q
Các nghiên cứu trên thế giới cũng như tại Việt Nam đã chỉ ra rằng: Kỳ thị và phân biệt đối xử là nguyên nhân làm hạn chế những người có hành vi nguy cơ cao cũng như những người nhiễm HIV/AIDS tiếp cận các dịch vụ dự phòng, chăm sóc, hỗ trợ và điều trị nhiễm. Người nhiễm HIV không điều trị hoặc điều trị muộn khi hệ miễn dịch suy giảm mạnh sẽ là nguồn lây hết sức nguy hiểm, thậm chí là HIV đã kháng thuốc. Kỳ thị và phân biệt đối xử còn là rào cản to lớn đối với việc hưởng đầy đủ các quyền của người nhiễm HIV, bao gồm quyền học tập, lao động và sinh hoạt như những người không nhiễm HIV.
Cục Phòng chống HIV/AIDS, Bộ Y tế cũng chỉ ra rằng, chính sự kỳ thị và phân biệt đối xử đã khiến người nhiễm HIV/AIDS giấu giếm tình trạng bệnh tật, mặc cảm, không dám tiếp xúc với cộng đồng, không tiếp cận với chương trình phòng chống HIV/AIDS. Vì vậy, họ không được tư vấn về kỹ năng phòng lây truyền HIV cho người khác. Do đó, những hành động vô tình làm tiếp xúc với máu hoặc dịch sinh học của họ với người khác sẽ có khả năng làm lây truyền HIV. Cũng vì kỳ thị mà chúng ta đã không phát huy được tiềm năng của người nhiễm HIV trong việc tuyên truyền, hỗ trợ chăm sóc điều trị cho người mắc AIDS, hỗ trợ tuân thủ điều trị ARV. Vì người nhiễm HIV vẫn có thời gian dài khỏe mạnh nên họ vẫn có thể cống hiến cho gia đình và xã hội. Bà Cao Kim Thoa nhấn mạnh: “Có thể khẳng định rằng, các biện pháp tách biệt, cấm đoán, kỳ thị và phân biệt đối xử không làm hạn chế được dịch HIV/AIDS mà trái lại càng làm cho dịch HIV/AIDS ngày càng trở nên khó kiểm soát hơn. Chính vì vậy, chúng ta không nên kỳ thị và phân biệt đối xử với người nhiễm HIV/AIDS”.
Cũng theo bà Thoa, một trong những giải pháp để giải quyết tình trạng kỳ thị, phân biệt đối xử với người nhiễm HIV/AIDS, là tập trung giải thích cho người dân hiểu về khả năng lây truyền của HIV; nhất là làm rõ rằng HIV không lây truyền qua các tiếp xúc thông thường như bắt tay, nói chuyện, ăn chung, sinh hoạt thông thường trong gia đình và xã hội hàng ngày. Việc giải thích cặn kẽ trên cơ sở khoa học và thực tiễn sẽ giúp người dân tin và không còn sợ lây nhiễm khi tiếp xúc với người nhiễm HIV.
Hòa Triều
 
Hạn hẹp kinh phí và thiếu bác sĩ
Phải khẳng định rằng, các chương trình điều trị HIV/AIDS của Sở LĐ-TB&XH TP.HCM rất hiệu quả tuy nhiên nguồn kinh phí viện trợ dồi dào trước đây đang bị “teo” lại do nước ngoài chỉ tài trợ cho người mắc bệnh đang sinh sống trong cộng đồng chứ không tài trợ cho bệnh nhân tại các trung tâm giáo dục bảo trợ. Mặt khác đầu tư của Nhà nước thời gian gần đây cũng hạn hẹp hơn. Đó là những khó khăn trước tiên của chương trình. Thấy rõ nhất là bắt đầu từ năm 2010 các dự án lớn của nước ngoài dần dần rút khỏi sở. Chính vì thế bắt đầu từ năm 2013 chúng ta bắt buộc phải tăng lộ trình đầu tư từ nguồn ngân sách Nhà nước.
Nhân sự cũng là một bài toán nan giải khác của chương trình. Ít ai ngờ rằng trong 9 trung tâm hiện nay chỉ có vỏn vẹn 6 bác sĩ được phân bổ. Ngoài một số trung tâm có 1 đến 2 bác sĩ còn lại các trung tâm khác như Phú Văn, Phú Đức, Phú Nghĩa, Bố Lá (Bình Phước) và Thanh thiếu niên 2 (Củ Chi) là những “vùng trắng” vì vẫn chưa có bác sĩ điều trị HIV/AIDS. Không ít trung tâm chủ trương đào tạo nguồn bác sĩ tại chỗ mà chủ yếu là cử y sĩ đi học chuyên tu thế nhưng sau khi ra trường các bác sĩ mới này lại không chịu trở về chỗ cũ công tác dù chấp nhận bồi thường nặng học phí theo học để “bung” ra ngoài. Đây là một thực tế và chưa có gì khắc phục được mà nguyên nhân là do công việc vô cùng vất vả trong lúc chế độ đãi ngộ quá thấp. Những bệnh viện khác lương cao, thuận lợi cho việc học để tiến cử luôn là sức hút hấp dẫn để đội ngũ thầy thuốc kế cận đi tìm “miền đất mới” đó là chưa nói đến cơ hội vàng để phát huy khả năng trau dồi nghiệp vụ.
Nguyên nhân của căn bệnh thế kỷ là “chết do thiếu hiểu biết” nhất là đối với những người chích ma túy sử dụng chung kim tiêm hay quan hệ tình dục bừa bãi ở đối tượng mại dâm nam và nữ. Như đã nói ở trên, do tỷ lệ nhiễm căn bệnh HIV/AIDS giảm nên tại các trung tâm không còn bệnh nhân mới nếu có cũng không đáng kể. Nhưng thực tế có những học viên khi vô trường mới bị nhiễm. Tuy không có bằng chứng cụ thể nhưng vẫn có trường hợp ở trong trại các học viên lén lút chích ma túy bằng những con đường bất hợp pháp chưa quản lý được làm cho căn bệnh lan nhanh. Một số học viên nam lại có quan hệ tình dục qua đường hậu môn nên rất dễ bị lây nhiễm HIV. Nếu đơn vị nào làm tốt khâu quản lý thì hạn chế được số lượng học viên bị nhiễm trong trường.
BS. Vũ Đình Sơn (Trưởng phòng Y tế, Sở LĐ-TB&XH TP.HCM)