Thứ ba, 12/8/2014, 22h08

Nhìn lại 10 năm qui hoạch trường lớp: Cả xã hội đồng hành để xây trường

 (Tiếp theo và hết)

Hệ thống Trường Canada trên địa bàn Q.7 là những điểm sáng trong công tác xã hội hóa GD-ĐT của ngành GD-ĐT TP trong những năm gần đây

Trước những khó khăn về công tác giải phóng mặt bằng, đền bù giải tỏa, thu hồi kho bãi… Sở GD-ĐT đã tham mưu cho UBND TP.HCM ban hành nhiều văn bản, quyết định để quyết liệt xây trường.
Đẩy mạnh công tác xã hội hóa
Ông Ngô Xuân Đông (Trưởng phòng GD-ĐT Q.7) cho biết: Trong 10 năm qua GD-ĐT Q.7 đã có bước phát triển vượt bậc với qui mô 88 trường (4 bậc học), gần 46.000 HS. Đặc biệt, hệ thống các trường ngoài công lập như bậc mầm non (MN) từ 17 đơn vị phát triển lên đến 75 đơn vị, bậc phổ thông từ 1 đơn vị lên đến 4 đơn vị. Hàng năm trường ngoài công lập thu nhận trên 40% số HS đối với MN và 8% HS bậc phổ thông. Nói về hiệu quả trong cách kêu gọi xã hội hóa của Q.7, ông Đông cho biết: “Đặc thù về phát triển trường học trên địa bàn Q.7 là đa số những dự án xây mới trường học đều gắn với đồ án qui hoạch phát triển khu dân cư. Đây chính là điểm khác biệt lớn so với công tác đầu tư xây dựng mới các trường học trong các quận nội thành. Muốn phát triển dự án trường mới, đầu tiên phải định hướng trong một khu qui hoạch dân cư dự kiến, khu qui hoạch trường học đó có thể là trường công lập cũng có thể do nhu cầu từ chủ thể lập dự án hay nhu cầu từ đối tượng dự án mà trường tư thục được giao đất xây dựng phát triển. Trong thực tế, Q.7 đã có nhiều trường tư thục được phát triển từ những cơ sở ban đầu như: Phân hiệu Trường BCIS; RISS; THPT Sao Việt…”.
Cùng cách làm như Q.7 và đạt nhiều thành công còn có các quận 1, 3, 6, 11, Bình Thạnh… Hiện nay, Q.6 có 44 trường thuộc hệ MN và phổ thông (không tính tư thục), thu nhận gần 45.000 HS, chiếm tổng diện tích đất là 12,97ha. “Trước năm 2000, thực hiện chủ trương của UBND TP về di dời các cơ sở gây ô nhiễm, kho tàng bến bãi ra khỏi trung tâm TP, Q.6 kiến nghị và được sự chấp thuận của TP đã đầu tư xây dựng được nhiều ngôi trường mới khang trang hiện đại. Đặc biệt, nguồn vốn huy động từ công tác xã hội hóa đã giúp quận bổ sung được hàng chục tỷ đồng, qua đó giúp giải quyết được một phần không nhỏ về vốn đầu tư cho trường học”, ông Lưu Hồng Uyên - Trưởng phòng GD-ĐT Q.6 chia sẻ.
Thực hiện các dự án cấp bách
Năm 2011, UBND TP đã bố trí kế hoạch vốn chuẩn bị đầu tư cho 14 dự án cấp bách về sửa chữa, cải tạo và xây mới các trường THPT, TTGDTX, các trường TCCN và CĐ trực thuộc Sở GD-ĐT và Dự án sửa chữa nâng cấp Trường MN TP. Tiếp đó, năm 2012 HĐND TP tiếp tục thông qua chủ trương đầu tư cho 5 dự án và giao cho các trường, trung tâm trực thuộc sở, các ban quản lý đầu tư xây dựng công trình (BQLĐTXDCT) trực thuộc các quận, huyện làm chủ đầu tư để triển khai thực hiện dự án.
“Đây là những dự án đã được lập kế hoạch xây dựng từ khá lâu, một số dự án nằm trong nghị quyết Đại hội Đảng bộ của TP nhưng đến giờ vẫn chưa được triển khai xây dựng. Tại sao gọi là những công trình cấp bách, bởi đây là những ngôi trường có bề dày thành tích trong công tác “trồng người”, có vị trí nhất định trong mỗi một HSSV và người dân TP mang trong mình trách nhiệm cao về chính trị và xã hội”, ông Nguyễn Đình Thái Châu (Trưởng phòng Kế hoạch - Tài chính, Sở GD-ĐT TP) cho biết.
Trong 19 công trình cấp bách có Trường THPT Võ Thị Sáu (Q.Bình Thạnh); TTGDTX Chu Văn An, TTGDTX Tiếng Hoa (Q.5) và Trường MN TP. Tình trạng chung hiện nay là cơ sở chật hẹp, phòng học không đúng qui cách, thiếu phương tiện giảng dạy, không đảm bảo về phòng cháy chữa cháy… Đó là chưa kể đến học viên muốn tham khảo tài liệu cũng vô cùng khó vì không có thư viện. TTGDTX Chu Văn An đã có kế hoạch xây dựng, nâng cấp từ lâu với mục đích hoàn thiện CSVC cấp TP và là một trong 2 công trình trọng điểm của TP với qui mô xây dựng mới 1 khối nhà có 1 tầng hầm, 1 tầng trệt, 4 lầu và cải tạo 3 khối nhà chính hiện hữu, tổng mức đầu tư trên 80 tỷ đồng bằng nguồn vốn ngân sách TP. Ông Huỳnh Tấn Thanh, Giám đốc TTGDTX Chu Văn An cho biết: “Do cơ sở nhiều năm chưa được tu sửa nên vấn đề cấp thiết nhất là việc nâng cấp, xây dựng mới thêm cũng như trang bị cho phòng thí nghiệm, thư viện đạt chuẩn. Việc giáo viên phải dạy “chay” do thiếu đồ dùng dạy học… cũng là vấn đề khó khăn của trung tâm”.
Theo BQLĐTXDCT của Sở GD-ĐT TP, để đẩy nhanh tiến độ thực hiện các thủ tục pháp lý, sớm đưa dự án vào thi công các đơn vị trường học, Sở GD-ĐT đã có công văn đề nghị Sở Kế hoạch - Đầu tư xem xét và trình UBND TP ghi vốn, cho phép điều chỉnh chủ đầu tư của các dự án nêu trên về BQLĐTXDCT thuộc sở. Riêng Trường MN TP, kinh phí xây dựng, sửa chữa sẽ là 100% từ ngân sách TP. Ông Lê Hoài Nam (Phó giám đốc Sở GD-ĐT TP) cho biết: “Với 19 dự án cấp bách, Sở GD-ĐT đã có công văn gửi các sở ngành liên quan về chủ trương cho phép chuyển chủ đầu tư dự án và triển khai một số dự án cấp bách của Sở GD-ĐT. Ngày 14-11-2013, UBND TP đã có công văn chấp thuận chủ trương cho phép chuyển giao 4 dự án cấp bách nêu trên cho BQLĐTXDCT của sở làm chủ đầu tư. Đây là một thuận lợi để 4 trường phối kết hợp với sở nhằm đẩy nhanh tiến độ thực hiện và khởi công dự án trong năm 2014”.n
Bài, ảnh: Lê Quang Huy