Thứ sáu, 21/11/2014, 13h11

Những vì sao mãi lung linh

NGƯT Nguyễn Ngọc Ký
Trong thời khắc cả nước đang thắp lên những ngọn lửa của lòng yêu mến và tri ân người thầy, các nhà giáo ưu tú (NGƯT) cũng chất chứa trong lòng biết bao tâm tình muốn nói, muốn kể về người thầy mà họ yêu thương và kính trọng. Những người đã nâng bước để học trò mình thành nhân.
NGƯT Nguyễn Ngọc Ký: Những vì sao không tắt
Trong ký ức mỗi người trưởng thành không ai không lung linh trong tâm hồn mình hình ảnh những người thầy kính thương. Thầy mãi là những vì sao không tắt, soi sáng con đường nhân cách để mỗi người tự hoàn thiện chính mình trong bước đường đi tới.
Tôi, người học trò phải dùng chân thay đôi tay bị liệt từ nhỏ để thực hiện mọi thao tác học hành, từ vỡ lòng đến hết đại học, nếu không có người cô, người thầy tuyệt vời tôi sẽ không thể có hôm nay.
Tôi nhớ lắm những ngày đầu mon men đến lớp xem học với đôi tay buông thõng. Cô Nguyễn Thị Cương thương tình một ngày kia đã đến tận nhà dẫn tôi đến lớp. Cô có mái tóc dài óng mượt chảy dài gần chấm gót. Nước da trắng hồng. Khuôn mặt tròn trĩnh xinh xắn như một nàng tiên trong cổ tích. Cô xếp cho tôi ngồi tập viết trên manh chiếu nhỏ ngay phía sát tường ở bàn đầu tiên. Cứ xong mỗi buổi học cô lại bước đến xếp sách vào chiếc túi dết rồi đeo lên vai cho tôi và dẫn tôi ra về. Nhiều lúc tôi đang cắm cúi gò chân mải mê tập viết, giật mình ngẩng lên mới biết cô đến đứng sau lưng từ lúc nào, lặng lẽ cúi xuống nâng vạt áo lau cho tôi những giọt mồ hôi đang lã chã rơi từ hai gò má. Bây giờ cô tôi đã ở tuổi 90. Mỗi dịp về quê, hoặc ngày 20-11 tôi luôn tìm cách đến thăm và tặng cô chút quà kỷ niệm như một tri ân sâu sắc.
Khi vào học cấp 2, tôi may mắn khi năm cuối cấp được học toán với thầy Trần Ngọc Châu. Chính thầy đã gieo vào lòng tôi ước mơ học tốt môn toán khi kể về gương nhà toán học Pontriaghin người Nga mù hai mắt. Từ đó cứ chiều thứ bảy, tôi lại đi bộ 5 cây số đến nhờ thầy chấm cho những bài tập khó làm thêm. Bao giờ chia tay, thầy cũng bỏ vào túi áo tôi món quà đặc biệt. Đó là một mẩu giấy nhỏ ghi sẵn những đề khó mới sưu tầm. Khi đạt giải học sinh giỏi tỉnh thầy đưa tôi về ở chung nhà trọ với thầy để bồi dưỡng. Không phụ công thầy, kỳ thi ấy tôi đạt giải 5 học sinh giỏi toán miền Bắc. Để tri ân thầy tôi đã trân trọng kính biếu thầy làm kỷ niệm chiếc huy hiệu cao quý đó trong ngày chia tay thầy vào học cấp 3.
Tôi nhớ mãi thầy Nguyễn Ngọc Lập dạy văn lớp 10 (lớp 12 hiện nay). Biết tôi chuyển ước mơ từ toán sang văn khi phải lòng hình tượng Paven, hiện thân tác giả Nikolai A. Ostrovsky trong Thép đã tôi thế đấy, thầy đã dành sự quan tâm đặc biệt cho tôi. Cứ sau mỗi buổi học thầy lại đưa tôi về căn phòng tập thể chật chội để bồi dưỡng thêm kiến thức. Thầy “bí mật” cho tôi cầm về nhà đọc tập thơ chép tay về các bài trong phong trào Thơ mới 1930-1945 mà lúc ấy không được phép lưu hành. Chính nhờ những bài thơ đầy chất thơ ấy đã thúc đẩy tôi viết những vần thơ đầu tiên trên hành trình đến với văn chương hôm nay. Dù đã mấy mươi năm trôi qua song mỗi lần có dịp thầy vào Sài Gòn hoặc tôi có cơ hội ra Hà Nội, thầy trò tôi cũng tìm mọi cách đến với nhau để tri kỷ những điều tâm đắc.  
Những năm học đại học tôi không bao giờ quên được hình ảnh giáo sư Hoàng Như Mai. Chính thầy đã hết lòng tạo điều kiện hướng dẫn tôi viết khóa luận rồi luận văn tốt nghiệp. Chính thầy đã nối nhịp cầu để tôi có dịp được gặp trực tiếp Thủ tướng Phạm Văn Đồng. Chính thầy đã về dự ngày vui hạnh phúc của tôi tại miền quê nghèo Hải Hậu. Chính thầy đã viết thư động viên và tìm mọi cách kết nối để tôi có điều kiện chuyển công  tác từ Nam Định vào TP.HCM. Chính thầy đã không quản tuổi già, sức yếu nhiệt tình đọc và viết lời giới thiệu hàng loạt cuốn sách của tôi trong suốt nhiều năm qua. Trước ngày đi xa, tôi lo lắng khi đến thăm thầy tại Viện 175, thầy gượng cười bảo: “Ký yên tâm, thầy khỏi thôi. Có tác phẩm nào mới cứ đưa thầy đọc và viết lời tựa cho”. Điều tâm đắc nhất của tôi là chính thầy đã truyền lại cho tôi ngọn lửa cháy hết mình vì học trò, ngọn lửa của lòng đam mê vì những giá trị nhân văn cao cả, ngọn lửa của nghệ thuật lên lớp không chỉ bằng những kiến thức sâu sắc, chuẩn mực, độc đáo, mới mẻ mà trước hết bằng cả trái tim cồn cào cảm xúc thăng hoa với tiếng lòng dâng trào yêu thương cuộn sóng.
Cảm ơn những người thầy cao cả. Cảm ơn những vì sao mãi mãi còn lung linh thắp sáng nơi góc thẳm ký ức tôi.
 
NGƯT Nguyễn Văn Ngai: Bài học đầu thầy dạy “Không nói dối”

NGƯT Nguyễn Văn Ngai

Trong đời đi học, tôi học thầy nhiều hơn cô. Và mỗi thầy cô tôi đều có ấn tượng, tình cảm riêng. Tuy nhiên, thầy Vương Văn Lý, người thầy đầu tiên luôn có vị trí đặc biệt trong lòng tôi. Còn nhớ khi ấy tôi vào lớp năm (như lớp 1 bây giờ). Thầy là người đầu tiên đã mở trí và giáo dục nên nhân cách tôi.
Tôi vốn là con gia đình nông dân nghèo, ở vùng quê sâu nên cha mẹ tôi không quan trọng việc học của con cái như bao nhiêu gia đình khác. Vùng quê tôi cũng không có trường học. Nhân một dịp Tết, mẹ đưa tôi đi thăm một người họ hàng ở Trảng Bàng. Dì hỏi mẹ tôi: “Chị đã cho cháu đi học ở đâu chưa?”. Mẹ tôi liền trình bày hoàn cảnh khó khăn vì không có trường lớp. Vậy là dì đã lập tức ngỏ ý cho tôi ở trọ và đi học ở đó. Nghe được đi học, tôi rất ham thích. Vậy mà khi trở lại nhà, mẹ chẳng hề đề cập đến chuyện cho tôi đi học như đã bàn với dì. Một buổi trưa tôi làm nũng không ăn cơm để đòi được đi học. Mẹ tôi bực mình liền ra bờ rào bẻ mấy cây trúc nhỏ và đánh vào mông tôi. Nhưng sau đó mẹ lại lấy quần áo bỏ vào giỏ và dẫn tôi đến nhà người họ hàng để gửi gắm cho tôi trọ học. Phần tôi, tuy đòi đi học nhưng lúc mới đến tôi rất nhớ nhà nên thỉnh thoảng lại ra sau nhà ngồi khóc.
Lúc tôi vào lớp 1 tại Trường Tiểu học Trảng Bàng (Tây Ninh) là thời điểm đã bắt đầu vào học kỳ 2. Thầy giáo không mảy may khó chịu, mà còn quan tâm, chăm sóc tôi chu đáo. Thầy cho tôi vào ngồi bàn đầu vì thấy dáng tôi nhỏ thó. Thầy tận tình hướng dẫn những kiến thức mà các bạn trong lớp đã học qua. Cuối giờ học, thầy giữ tôi lại lớp và rèn thêm kiến thức cho tôi. Thầy cầm tay tôi nắn nót từng nét chữ. Lại có khi thầy viết bút chì cho tôi đồ theo. Thầy giúp tôi sửa tư thế ngồi cho đúng. Thầy hướng dẫn tôi cách ngồi giữ khoảng cách mắt và tập cho phù hợp, đi học về thì phải đi thưa về trình, đưa vật gì cho người lớn thì phải đưa bằng hai tay. Thầy còn dạy tôi điều tối kỵ là không nên nói dối, không được tham của rơi. Thầy còn dạy tôi phải cắt móng tay cho sạch sẽ và cố gắng giữ góc tập cho thẳng thớm “vì biết quý tập thì con cũng sẽ học giỏi”. Nhờ có bàn tay thầy nâng đỡ, tôi nhanh chóng biết đọc, biết viết và theo kịp các bạn trong lớp. Nhờ vậy mà cuối năm đó tôi được lên lớp. Và tôi biết rằng nhờ “cái nền” kiến thức mà thầy đã xây, đã giúp tôi vào cuối năm học lớp tư (lớp 2 bây giờ) được chọn là học sinh danh dự của toàn trường.
Thầy tôi thương học trò nhưng cũng rất nghiêm khắc, khi học trò phạm lỗi, thầy bắt cuộn tròn người và đánh phạt vào mông chứ không phải bạ đâu đánh đó. Ngoài dạy chữ,  thầy đã chú trọng dạy tôi học về nhân cách làm người. Đó là những điều mà cho đến bây giờ tôi vẫn nhớ mãi. Và cũng cho đến bây giờ khi đã về hưu, tôi vẫn hiểu rằng thầy tôi đánh học trò để sửa dạy chứ không phải vì ghét bỏ hay xả giận.
Từ hình ảnh người thầy tôi quý mến, cùng với niềm ước mơ cả đời của ba, cùng với niềm say mê của bản thân, tôi đã chọn ngành sư phạm là cái nghề để gắn kết cuộc đời mình. Mỗi mùa xuân đến, hoặc vào dịp mừng Ngày Nhà giáo, tôi lại về thăm thầy và đây cũng chính là dịp thầy trò tôi cùng ôn lại những kỷ niệm cũ. Bao nhiêu vui buồn với nghề, thầy cũng là người san sẻ với tôi. Thấm thoát đã gần 20 năm, thầy đã rời xa tôi để đi về cõi vĩnh hằng, nhưng hình ảnh thầy trong lòng tôi, trong tâm trí tôi chưa bao giờ phai nhạt. Tôi vẫn thắp cho thầy những nén nhang để bày tỏ lòng kính yêu mỗi dịp về thăm. Suốt cuộc đời tôi, niềm tri ân vẫn luôn cháy bỏng.
Bích Vân (ghi)