Thứ hai, 9/4/2012, 09h04

Ôn thi tốt nghiệp THPT ở Đà Nẵng: Lo lắng vì nhiều môn học thuộc bài

Ngoài việc ôn tập chuẩn kiến thức theo chương trình, các trường trên địa bàn Đà Nẵng tăng cường cho HS làm quen với các đề thi năm trước để rèn luyện kỹ năng làm bài

Mặc dù đã chuẩn bị từ đầu năm với tinh thần học tới đâu ôn tới đó nhưng có không ít trường bất ngờ khi năm nay lại thi môn địa lý. Với số lượng đến 3 môn học thuộc bài, không chỉ học sinh (HS) mà cả nhà trường, thầy cô bộ môn đều tỏ ra lo lắng…
Tăng giờ trái ca
Mặc dù đã chuẩn bị tâm lý từ đầu năm học với phương châm học đều, không xem nhẹ môn xã hội và học đến đâu ôn bài đến đó nhưng khi Bộ GD-ĐT công bố môn thi tốt nghiệp, Trường THPT Hòa Vang (Q.Cẩm Lệ, Đà Nẵng) vẫn khá bất ngờ khi năm nay là năm thứ 4 liên tiếp thi môn địa lý. Cô Nguyễn Thị Thanh, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Ngay từ đầu năm, chúng tôi chủ trương “học tới đâu, ôn thi tới đó”. GV dạy 8 môn “rơi” vào môn thi tốt nghiệp đều phải tích cực hướng các em vào phương pháp học, ôn bài dựa trên SGK. Chuẩn bị là thế nhưng từ khi có môn thi chính thức, chúng tôi đã họp các tổ bộ môn yêu cầu giáo viên soạn đề cương theo chuẩn kiến thức và thường xuyên kiểm tra bài cũ HS. Bên cạnh đó chúng tôi cũng tổ chức họp phụ huynh thông báo cho gia đình hỗ trợ nhà trường trong việc theo dõi, nhắc nhở HS tự học ở nhà; khuyến khích các em theo phương pháp đôi bạn tự học”.
Là trường có truyền thống đạt nhiều giải cao về môn lịch sử trong các kỳ thi HS giỏi, tỷ lệ đỗ tốt nghiệp hàng năm cao (năm 2011: 99,36%). Tuy nhiên trong năm học 2011-2012 này, khối lớp 12 của Trường THPT Hòa Vang có 554 HS thì trong đó có đến 46% HS có học lực trung bình, 4% HS yếu. Bởi vậy, sau khi có môn thi tốt nghiệp cụ thể, nhà trường đã gấp rút họp tổ các bộ môn nằm trong chương trình thi, yêu cầu các thầy cô giáo bộ môn soạn đề cương, thống nhất theo chương trình chuẩn để bắt tay vào ôn tập cho HS. “Do năm nay có đến 3 môn học thuộc bài nên cường độ làm việc của giáo viên bộ môn vất vả hơn rất nhiều. Đa số HS của trường đều theo khối A, B nên rất lo lắng. Để ổn định tâm lý cho các em, đồng thời củng cố kiến thức căn bản nhà trường đã phân nhóm HS theo trình độ học lực để có hướng bồi dưỡng kiến thức riêng. Bên cạnh đó, tăng cường dạy trái ca vào mỗi chiều thứ năm và chủ nhật. Phương pháp chủ yếu là khuyến khích việc tự học của các em”, cô Thanh nhấn mạnh.
Ngoài ra, nhà trường cũng thông báo tình hình, năng lực học cụ thể của từng HS để phụ huynh hỗ trợ trong việc đảm bảo kết quả thi đỗ tốt nghiệp của các em như chăm sóc sức khỏe cho con trong thời gian học thi; cùng các em xây dựng thời gian biểu học tập phù hợp, dò bài giúp các em đối với các môn xã hội…
Chỉ mong đạt điểm trung bình
Là điểm trường nằm ven đô - nơi tập trung của con em vùng nông thôn, điều kiện kinh tế còn nhiều hạn chế so với thành phố. Đặc biệt, có nhiều con em đồng bào dân tộc thiểu số đang theo học nên nhìn chung mặt bằng học lực của HS Trường THPT Phạm Phú Thứ (xã Hòa Sơn, huyện Hòa Vang, Đà Nẵng) còn thấp. Thầy Phan Khôi, Hiệu trưởng nhà trường lo lắng: Qua việc tính kết quả trung bình điểm thi học kỳ 1 của 8 môn “rơi” vào thi tốt nghiệp vừa rồi thì tỷ lệ HS có thể đỗ tốt nghiệp chỉ chiếm khoảng 57%. Mặc dù đã có sự chuẩn bị kỹ càng ngay từ đầu để có hướng ôn tập, củng cố kiến thức cho HS trong suốt năm học nhưng nhà trường vẫn rất lo lắng khi có đến 3 môn học thuộc bài trong kì thi tốt nghiệp này.
Để có kết quả tốt, nhà trường đã tận dụng các giờ học tự chọn để ưu tiên cho môn thi tốt nghiệp; tăng cường kiểm tra bài cũ vào 20 phút đầu giờ học. Bên cạnh đó, đối với HS dân tộc thiểu số ở nội trú thì cử giáo viên kiểm tra hàng đêm, nhắc nhở các em ôn bài. “Mặt bằng chung về lực học của HS trong trường còn thấp. Đối với HS khá các môn khối A, B thì sẽ dễ dàng đạt điểm trung bình các môn xã hội và ngược lại. Nhưng nếu đã học kém thì môn nào cũng kém. Dù không nằm trong chương trình bắt buộc của Bộ GD-ĐT và sở nhưng sắp tới nhà trường sẽ tổ chức thi thử để kiểm tra thêm một lần nữa về năng lực của HS. Sau đó căn cứ vào kết quả này để BGH và GV có những điều chỉnh trong phương pháp tổ chức ôn thi, có hướng ôn tập cho các em các kỹ năng, kiến thức cần thiết nhất. Là một trường ven đô có điểm đầu vào thấp, thêm vào đó các đối tượng con em đồng bào thiểu số được tuyển thẳng nên dẫn đến lực học của các em còn “khiêm tốn” so với HS các trường thành phố. Mặt khác do điều kiện kinh tế khó khăn nên phụ huynh không quan tâm tới tầm quan trọng của việc học. Với họ, chỉ cần con cái biết chữ để kiếm được việc làm nuôi thân. Bởi vậy, chủ trương là làm sao cho các em đỗ tốt nghiệp chứ không tham vọng điểm cao”, thầy Khôi chia sẻ. 
Tại Trường THPT Phạm Phú Thứ, sau khi thi học kỳ 2, BGH nhà trường sẽ dành một khoảng thời gian để HS ôn tập dưới dạng các đề thi theo đúng cấu trúc đề của Cục Khảo thí. “Nếu HS không làm quen với cách làm đề thi, không có kỹ năng phân tích đề thi, trình bày bài làm, kỹ thuật làm bài trắc nghiệm… thì những nỗ lực của cả GV lẫn HS trong quá trình ôn thi đều không mang lại hiệu quả cao”, thầy Khôi giải thích.
Bài, ảnh: Phan Vĩnh Yên