Thứ hai, 21/11/2011, 09h11

Phó chủ tịch UBND TP Hứa Ngọc Thuận: Nhà giáo được ưu tiên về chương trình nhà ở

Phó chủ tịch UBND TP Hứa Ngọc Thuận trao bằng tuyên dương các giáo viên đạt giải Võ Trường Toản

Nhiều năm liên tục, chất lượng giáo dục và đào tạo (GD-ĐT) của ngành GD-ĐT TP.HCM luôn được đánh giá cao, đó chính là do sự nỗ lực của đội ngũ cán bộ quản lý và thầy cô giáo.
Theo Phó chủ tịch UBND TP.HCM Hứa Ngọc Thuận thì, để có kết quả này, đó là nhờ sự nỗ lực của đội ngũ GV và CBQL, của HSSV và phụ huynh; đồng thời cũng do sự quan tâm lãnh đạo của Thành ủy, HĐND và UBND TP.HCM. Trong những năm qua, GD-ĐT TP phát triển tương đối đồng bộ về chất lượng, cơ sở vật chất và đội ngũ; mặc dù còn có nhiều khó khăn cần có biện pháp khắc phục.
Năm học 2010-2011, ngành GD-ĐT TP hoàn thành xuất sắc 14 chỉ tiêu thi đua của Bộ GD-ĐT, được Thủ tướng Chính phủ tặng bằng khen vì đã có nhiều thành tích trong công tác triển khai thực hiện chống tiêu cực và khắc phục bệnh thành tích trong GD; được Bộ GD-ĐT tặng cờ thi đua đơn vị tiêu biểu xuất sắc. Bên cạnh những phần thưởng cao quý dành cho toàn ngành, các trường học và cán bộ, giáo viên cũng nhận được nhiều danh hiệu thi đua cấp cao, được tặng thưởng huân chương, bằng khen của Chủ tịch nước, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT, của Chủ tịch UBND TP.
Chất lượng đào tạo cũng được thể hiện ở số học sinh giỏi, học sinh đoạt giải trong các kỳ thi; năm học vừa qua, toàn TP có 3.868 học sinh giỏi cấp TP; 123 học sinh đạt giải quốc gia; 5 học sinh đạt thủ khoa trong kỳ thi tốt nghiệp THPT... Việc thực hiện các cuộc vận động, các phong trào thi đua do các cấp phát động, ngành GD-ĐT TP cũng tích cực triển khai thực hiện bằng nhiều hình thức sáng tạo, nhiều tấm gương sáng, nhiều điển hình tiên tiến xuất hiện và được nhân rộng góp phần tích cực trong sự nghiệp phát triển GD-ĐT TP.
Những thành tích đã đạt được của GD-ĐT TP năm học vừa qua là rất đáng tự hào và trân trọng.
PV: Vậy để giữ và phát huy tốt hơn nữa kết quả này, Phó chủ tịch có những chỉ đạo gì?
- Ông Hứa Ngọc Thuận: Trong thời gian tới, ngành GD-ĐT cần tập trung thực hiện tốt các nhiệm vụ trọng tâm sau:
Thứ nhất: Học tập, quán triệt đầy đủ và sâu sắc trong toàn ngành các nội dung của Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TP lần thứ IX. 
Thứ hai: Tiếp tục triển khai có hiệu quả, sáng tạo cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” và các phong trào thi đua do Bộ GD-ĐT phát động.
Thứ ba: Thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả các nhiệm vụ trọng tâm năm học 2011-2012 đã được Bộ GD-ĐT đề ra; tiếp tục đổi mới toàn diện nhà trường, xây dựng trường học dân chủ, coi trọng GD truyền thống, lý tưởng, đạo đức; phát huy năng lực sáng tạo của học sinh, đào tạo ra những công dân phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế, xã hội thời kỳ hội nhập của TP.
Thứ tư: Hoàn thành Đề án phổ cập mầm non cho trẻ năm tuổi; triển khai thực hiện Đề án phổ cập và nâng cao năng lực sử dụng tiếng Anh cho học sinh phổ thông và chuyên nghiệp TP.
Thứ năm: Trên cơ sở quy hoạch đã được phê duyệt của các quận huyện, tiếp tục thúc đẩy quy trình xây dựng trường lớp, góp phần quan trọng phục vụ yêu cầu học tập ngày càng cao của con em nhân dân. Đẩy mạnh hơn nữa xã hội hóa GD.
Thứ sáu: Tích cực tham mưu đổi mới quy chế nhà trường, không ngừng nâng cao phẩm chất và năng lực của đội ngũ, đảm bảo điều kiện tốt cho lực lượng sư phạm phát triển mạnh về quy mô và chất lượng. Mỗi thầy cô giáo không ngừng nâng cao lòng yêu nghề, tinh thần tự học và sáng tạo trong quá trình tổ chức hướng dẫn học sinh học tập.
Thứ bảy: Đẩy mạnh giao lưu quốc tế nhằm thu hút đầu tư, giao lưu hợp tác, trao đổi kinh nghiệm, học tập lẫn nhau giữa các nước trong khu vực và các nước có nền GD phát triển. Củng cố và quản lý có hiệu quả các trường quốc tế và các cơ sở GD có yếu tố nước ngoài.
Thời gian qua, TP đã đầu tư xây dựng, sửa chữa và nâng cấp nhiều trường học, đặc biệt là các quận, huyện ngoại thành. Dù thế, cơ sở vật chất vẫn chưa đáp ứng đủ so với yêu cầu phát triển. Vậy thời gian tới TP có những ưu tiên gì cho ngành GD-ĐT?
- Mỗi năm, TP dành ngân sách để xây dựng mới trên 1.000 phòng học, tiếp tục đầu tư sửa chữa tăng cường trang thiết bị dạy học. Trong bối cảnh ngân sách TP rất hạn hẹp, nhưng lãnh đạo TP vẫn ưu tiên bố trí kinh phí đầu tư các công trình GD và y tế; ngoài các dự án đã duyệt đợt 1, đợt 2 năm 2011; UBND TP.HCM chấp thuận chủ trương đầu tư từ nguồn vốn ngân sách TP với tổng mức đầu tư: 15.565.075 triệu đồng với 306 dự án nhằm tiếp tục xây dựng trường lớp chuẩn bị năm học 2012-2013, thống nhất chủ trương ghi vốn khởi công mới cho 59 dự án xây dựng trường học với kinh phí dự kiến 483.848 triệu đồng; trong đó, ưu tiên các dự án xây dựng trường mầm non để bảo đảm thực hiện Đề án phổ cập GD mầm non năm tuổi theo Quyết định số 565/QĐ-UBND ngày 9-2-2011 của UBND TP đã được phê duyệt và các trường ở 58 xã theo chương trình xây dựng nông thôn mới trong năm 2012.
Với thu nhập chủ yếu dựa vào đồng lương nên khó có điều kiện tích lũy để có thể tạo dựng cho bản thân và gia đình một căn nhà. Một số thầy cô giáo đành phải ở chung nhà với cha mẹ hay ở nhờ nhà anh chị, thậm chí có người phải ở nhà thuê, vậy TP có những chính sách gì về nhà ở cho đội ngũ nhà giáo TP.HCM hay không?
- Trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội TP.HCM 5 năm 2011-2015 về lĩnh vực phát triển nhà ở đã đề ra: Bình quân mỗi năm, TP xây dựng mới khoảng 8 triệu m2 nhà ở, phấn đấu đến năm 2015 đạt 17m2/người, đáp ứng nhu cầu cải thiện chỗ ở, thực hiện tốt chính sách an sinh - xã hội về nhà cho cư dân TP, từng bước xây dựng đô thị khang trang, hiện đại. Trong kế hoạch cũng nêu việc tiếp tục đẩy nhanh việc triển khai thực hiện chương trình nhà ở xã hội, dự báo trong giai đoạn 2011-2015 có khoảng 22.200 người làm việc trong khu vực quản lý Nhà nước, lực lượng vũ trang có nhu cầu về nhà ở xã hội. Để đáp ứng nhu cầu đó dự kiến có 26 dự án hoàn thành với tổng diện tích sàn là 1.494.129m2 (tương đương với 22.412 căn hộ).
Ngoài ra TP cũng tập trung xây dựng các chung cư mới thay thế chung cư hư hỏng; cũng như xây dựng các nhà ở phục vụ công tác định cư và giải tỏa nhà ở trên và ven kênh rạch.
Chắc chắn rằng đội ngũ giáo viên TP cũng là một đối tượng ưu tiên được tham gia Chương trình nhà ở xã hội cũng như các chương trình về nhà ở khác của TP.
Nhân Ngày Nhà giáo Việt Nam 20-11, với tư cách lãnh đạo TP, ông có điều gì muốn gửi đến đội ngũ cán bộ, giáo viên, công nhân viên ngành GD-ĐT TP.HCM?
- Nhân kỷ niệm 29 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam 20-11, thay mặt Thành ủy, UBND TP tôi chúc mừng những thành tích, những danh hiệu cao quý mà các tập thể sư phạm và thầy cô giáo đã đạt được trong thời gian qua; lãnh đạo TP luôn trân trọng và ghi nhận công lao, tấm lòng tận tụy của quý thầy giáo, cô giáo của những nhà quản lý GD cho sự phát triển sự nghiệp GD-ĐT TP. Kính chúc quý thầy, quý cô sức khỏe, hạnh phúc và đạt được nhiều thành tích mới.
Xin trân trọng cám ơn Phó chủ tịch!
Trần Thanh Quang (thực hiện)
Ông Hứa Ngọc Thuận - Phó chủ tịch UBND TP: “Ngành GD-ĐT TP luôn được các cấp ủy Đảng, chính quyền, các tổ chức chính trị, xã hội và người dân đặc biệt quan tâm, tạo điều kiện cho GD-ĐT phát triển; trong đó, vai trò đội ngũ giáo viên, cán bộ, nhân viên với tính năng động, sáng tạo, yêu nghề yêu trẻ, có tinh thần vượt khó vươn lên đã tạo nên sự phát triển bền vững của ngành trong thời gian qua”.