Thứ bảy, 21/1/2012, 18h01

Tết - cuộc sống mà loài người chờ đợi

Ai cũng biết Tết là lễ hội cổ truyền quan trọng bậc nhất của người Việt Nam, và hẳn còn của nhiều dân tộc khác. Ngoài sự kết thúc một năm sinh hoạt và nhận được thêm một năm tuổi đời, Tết là thời khoảng dành riêng cho nghỉ ngơi, thư giãn, chờ đợi tham gia vào một chu kỳ sản xuất với những ước vọng gặt hái được nhiều thành quả như lòng mong ước.
Tết còn là dịp để những thành viên trong một gia đình sum họp, sau những phân tán, cách ly vì những nhu cầu sinh hoạt và không chỉ với những người đang sống mà qua hương khói nhang trầm còn mong hội ngộ với những người vĩnh viễn đi xa.
Trên con đường dài diệu vợi về một cõi đời lý tưởng mà bao ngàn năm con người lê bước chân đi, hẳn có nhiều lúc con người cảm thấy hoài nghi hay thất vọng. Nhưng không, giấc mơ ấy là chính đáng, lý tưởng ấy thật là tuyệt vời, không thể không cùng động viên để mà bền lòng phấn đấu cho sự hiện thành - một ngày nào đấy - về một xã hội như lòng ước nguyện.
Để nuôi dưỡng niềm phấn khích hướng về tương lai tươi đẹp của xã hội này, và của loài người, ông bà ta đã dựng một mô hình thu nhỏ về cái cuộc sống đáng mơ ước ấy - là ba ngày Tết - để mà phần nào nguôi khuây bớt niềm khát vọng từng đã chờ đợi mỏi mòn.
Vì vậy, ngày Tết ít nhiều ai cũng có thịt, có cá để ăn, và ai cũng đều có thể ăn no và cả ăn ngon. Quanh năm, có thể rách rưới, nhưng ba ngày Tết cũng có một bộ quần áo lành lặn, có thể bôn ba xuôi ngược nhưng vào ngày ấy có thể chung vui, sum họp dưới một mái nhà. Chỉ trong ngày Tết những người lao động cực nhọc thường ngày mới có những buổi nghỉ ngơi thong thả và cũng chỉ trong ngày Tết, trẻ em mới được quan tâm như thế, người già mới được quý trọng như thế, phụ nữ mới được mặc đẹp và đi thăm viếng đền đài, thăm viếng bà con, mới có được sự tự do và sự thanh nhàn như thế. Quà lì xì cho con trẻ, lễ chúc thọ cho ông bà, tất cả là những đặc ân của Tết. Và chỉ có Tết bao nhiêu giá trị ở trong cuộc sống, từ những giá trị truyền thống đến những giá trị hiện đại, mới được tôn vinh như thế.
Điều quan trọng nữa là ba ngày Tết con người không dám nói lời lỗ mãng, thô tục, tránh sự gây gổ, tránh mọi giận hờn. Quan hệ giữa người với người trở nên tốt đẹp hơn bao giờ hết. Sự tôn trọng nhau - như một kiêng kỵ thiêng liêng và phải chăng đó là sự sống lý tưởng mà chúng ta mơ ước trên cuộc đời này?
Tết có cả trăm nghi thức cũng như kiêng kỵ, chỉ với mục đích là làm cho cuộc sống có được ý nghĩa đáng yêu, đáng quý, đáng nên trân trọng bảo trì. Người ta chỉ chúc cho nhau những điều tốt đẹp, chỉ gặp gỡ nhau trong một không khí an lành, chỉ được nói cho nhau những gì chờ đợi, với hoa, với lá, với bánh, với trái, với sự cẩn trọng và lòng trách nhiệm.
Nếu phân tích thêm, ta sẽ còn gặp biết bao nhiêu điều mơ ước lớn lao được dồn ép lại, chứa chất trong mô hình ấy. Trên con đường dài vạn dặm, ngày Tết là trạm dừng chân, để tìm lại được sức mạnh của một niềm tin về một cõi đời cao đẹp sẽ đến với nhân loại này.
Chẳng lẽ, khát vọng lớn lao và chân chính ấy cứ mãi thu hẹp trong ba ngày Tết, và một cuộc sống thực sự ấm no, thật sự yên bình, với lòng yêu thương, tôn trọng lẫn nhau giữa những con người vẫn chỉ là một mơ ước xa vời?
Chúng ta vững tin cuộc sống lý tưởng, như được gói gọn trong ba ngày Tết, rồi sẽ trở thành hiện thực, và là một nếp sống thường xuyên của nhân loại này. Con đường dẫn dắt đến mục đích ấy, là ngắn hay dài, tùy thuộc ở sự phấn đấu của chính chúng ta. Hãy gieo vào trong tâm não của các em bé, từ lớp mầm non đến những cấp học cao hơn, một cái ý tưởng rằng là con người ở trong xã hội phải có trách nhiệm cao nhất là làm chuyển hóa cuộc sống từng ngày cho tốt đẹp hơn. Dĩ nhiên, sự khuyên dạy ấy phải được thể hiện thường xuyên và phù hợp từng lứa tuổi, có thể gây được ấn tượng sâu sắc, lâu bền để việc nâng cấp cuộc sống trở thành một sự đòi hỏi từ trong máu tủy con người.
Như thế, cái Tết hằng năm sẽ loại bỏ được những thứ tệ nạn như là cờ bạc, rượu chè cùng các trò phi văn hóa để mang những màu sắc mới giúp nâng cao trí tuệ, ấm thêm tình yêu và ai cũng hiểu thấm thía hơn rằng cái Tết thật sự phải là cuộc sống hàng ngày của họ, của cả đồng bào và đồng loại.
Vũ Hạnh