Chủ nhật, 21/12/2014, 21h12

TP.HCM: Phải mạnh tay xử lý người xả rác

Công an và nhân viên vệ sinh môi trường đang cải tạo một con rạch ở quận 6. Ảnh: I.T

Kinh phí thực hiện công tác vớt rác tại các kênh rạch không còn, hệ thống xử lý nước thải tại các cơ sở sản xuất, bệnh viện đang dần trở nên lạc hậu, ý thức người dân chưa cao, và nhất là những bất cập trong công tác quản lý, xử phạt vi phạm xả thải là những nguyên nhân dẫn đến thực trạng ô nhiễm nghiêm trọng nguồn nước tại các hệ thống kênh rạch trên địa bàn TP.HCM.
Nhiều kênh rạch đang bị ô nhiễm nặng
Tại hội thảo “Giải pháp cải thiện chất lượng nguồn nước sông, kênh, rạch trên địa bàn TP.HCM”, ông Cao Tung Sơn, Phó chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường, Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM cho biết: Chất lượng nước thải trên kênh rạch sông Sài Gòn đã có cải thiện từ năm 2008-2013, nhất là sau những nỗ lực của thành phố trong công tác cải tạo các con kênh “đen” trong nội thành TP.HCM như Nhiêu Lộc - Thị Nghè, Tàu Hủ - Bến Nghé. Tuy nhiên, mức độ ô nhiễm (đặc biệt là ô nhiễm hữu cơ) đang có dấu hiệu tăng trở lại trong năm 2014. Khảo sát tại 6/26 trạm thuộc khu vực dành cho mục đích cấp nước trên sông Sài Gòn - Đồng Nai cho thấy chỉ số BOD5 tăng 18,06%, nồng độ COD tăng 3,58% so với năm 2012 (trong năm 2013, các chỉ số này đã giảm đáng kể). Hệ thống kênh Tham Lương - Vàm Thuật là trục tiêu thoát nước của KCN Tân Bình, khu dân cư Gò Vấp, Bình Thạnh ra sông Sài Gòn bị ô nhiễm nặng, ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng nước sông Sài Gòn từ khu vực Bình Phước đến Phú An.
Đứng ở góc độ nghiên cứu, TS. Nguyễn Thị  Thanh Phượng, Viện Môi trường và Tài nguyên TP.HCM cho biết: Nước sông Sài Gòn và hệ thống kênh rạch trong TP.HCM bị ô nhiễm bởi nước thải sinh hoạt và nước thải công nghiệp xả thải mà không qua hệ thống xử lý hoặc có xử lý nhưng không đạt tiêu chuẩn thải. Nước xả thải có hàm lượng ôxy hòa tan thấp, nhiều nơi có mức ô nhiễm hữu cơ và vô cơ cao gấp hàng chục, thậm chí hàng trăm lần mức tiêu chuẩn cho phép. Kết quả tính toán trên 1,3 triệu m3 nước thải xả của 5 nguồn nước gây ô nhiễm chính đối với hệ thống kênh rạch trên địa bàn TP.HCM gồm nước thải sinh hoạt, công nghiệp, chăn nuôi y tế và bãi rác cho thấy tải lượng các chất ô nhiễm trong nước thải sinh hoạt đều rất cao, cụ thể BOD5 chiếm 94,15%, COD chiếm 95,73%, T-N chiếm 92,52%, TSS chiếm 96,01%. Ở các tuyến kênh rạch kênh Nước Đen, kênh 15, 17, 18, Rạch Chiếc, kênh Thầy Cai... bị ô nhiễm nghiêm trọng vì các bãi rác thẩm thấu vào đất hay do hòa tan cùng nước mưa chảy vào kênh rạch.
Ý thức người dân chưa cao
Phân tích về nguyên nhân gây ô nhiễm nguồn nước tại sông Sài Gòn và hệ thống kênh rạch, bà Phượng cho rằng: Ngoài nguồn nước thải được xả “lén” từ các nhà máy, cụm công nghiệp thì nước thải sinh hoạt là vấn đề đáng lo ngại nhất từ trước đến nay. “Việc rác thải được xả vô tội vạ từ người dân, từ các chợ vào kênh rạch và sông Sài Gòn cũng tạo áp lực rất lớn về ô nhiễm môi trường. Điều đáng nói là nguồn nước xả thải trực tiếp không qua bể tự hoại nhà vệ sinh từ các hộ dân, chợ và các phòng trọ sống dọc 2 bên kênh rạch là nguyên nhân chính phát sinh ra các loại khuẩn Coliform, Ecoli… gây ra các bệnh về đường ruột. Người dân dù đã được tuyên truyền, giáo dục về bảo vệ, giữ gìn vệ sinh môi trường song ý thức tự giác vẫn chưa cao”. Nhìn nhận vấn đề này, ông Nguyễn Minh Hoàng, Phó giám đốc Công ty Môi trường đô thị cũng bức xúc: Mỗi ngày nhân viên công ty vớt được khoảng 4-5 tấn ngay trên tuyến kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè. “Số rác thu gom được đa phần là lục bình, rác thải sinh hoạt, xác động vật, gia cầm thối rữa, còn có cả ghế sofa, chậu bông, giường nệm cũ. Tôi được biết UBND Q.Tân Bình còn gắn cả camera, kêu gọi mức thưởng lên đến 500 ngàn cho những ai phát hiện hành động xả rác lén trên kênh song vẫn không hiệu quả”. Ông Nguyễn Văn Tân, người dân làm nhiệm vụ thu gom rác tại khu vực kênh Cầu Mé (Q.11) đã 20 năm thừa nhận: Dù đã làm công tác tuyên truyền song lượng rác tại khu vực này mỗi ngày một nhiều thêm, nhiều lần vớt đến 1 giờ đêm nhưng sáng hôm sau lại thấy rác ngập tràn.
Để khắc phục thực trạng người dân xả rác, ông Nguyễn Minh Hoàng cho rằng: Cần phải xử phạt thật nặng đối với các trường hợp vi phạm. “Kinh phí để thực hiện việc tuyên truyền, giáo dục người dân đến nay đã lên đến hàng tỷ đồng song vẫn không đạt được hiệu quả như mong muốn. Theo tôi, chờ ý thức người dân được cải thiện thì phải mất hàng chục năm, phải qua vài thế hệ, trong khi vấn đề môi trường lại là một trong những vấn đề cấp thiết hiện nay. Hệ thống quản lý hiện nay xử phạt hành chính mới chỉ nhắm đến các nhà thầu, doanh nghiệp chứ chưa có thói quen xử phạt người dân vi phạm”. Cùng ý kiến với ông Hoàng, bà Phượng cũng trăn trở “Trong khi những hành động hái hoa, bẻ cành bị xử phạt rất nặng thì việc xử phạt người dân xả rác dường như không được quan tâm, thậm chí có trường hợp nhìn thấy vứt rác mà không xử phạt vì nghĩ người dân nghèo, còn khó khăn. Trong khi lượng dân cư đổ về TP.HCM ngày một tăng thì việc xây dựng quy chế xử phạt cùng sự mạnh tay của chính quyền khi xử lý các đối tượng gây ô nhiễm là việc làm hết sức cần thiết để góp phần trả lại sạch đẹp cho các dòng kênh”, bà Phượng nhấn mạnh.
Linh Vy