Thứ sáu, 16/7/2010, 08h07

Vào mùa... trẻ mắc sốt xuất huyết

Bệnh nhi Bì Vũ Gia B. đang điều trị tại phòng cấp cứu, Khoa Nhiễm BV Nhi đồng 2 (ảnh chụp sáng 15-7).

Số bệnh nhân mắc sốt xuất huyết (SXH) nhập viện trong những ngày gần đây bắt đầu tăng mạnh khiến cho các bệnh viện vốn đã quá tải lại càng quá tải hơn.
Ngày 15-7, bác sĩ Đỗ Châu Việt - Trưởng khoa Nhiễm, Bệnh viện (BV) Nhi đồng 2 cho biết: “Hiện Khoa Nhiễm đang điều trị nội trú cho 36 bệnh nhi SXH, trong đó có 3 bệnh nhi nặng phải nằm ở phòng cấp cứu. Số trẻ nhập viện tuy không tăng đột biến nhưng đang tăng dần dần”. Tương tự, mỗi ngày Khoa SXH BV Nhi đồng 1 tiếp nhận từ 15-20 trẻ mắc SXH nhập viện.
SXH nặng vì… béo phì
Ngày 15-7, bà Bùi Thị Chung (bà ngoại của bệnh nhi Bì Vũ Gia B. - 4 tuổi, Đồng Nai) cho biết: “Hôm qua nghe các bác sĩ nói tình trạng của cháu Gia B. đã ổn, gia đình chúng tôi mới thở phào nhẹ nhõm. Mẹ cháu đã ăn, uống trở lại sau hai ngày nhịn đói mà khóc”…
Trước đó, ngày 8-7, bé Gia B. có dấu hiệu nóng, sốt nên chị Huyền (mẹ bé) đưa đi bác sĩ tư khám. Bác sĩ chẩn đoán bé bị viêm họng và cho thuốc về nhà uống, hẹn ngày 10-7 tái khám. Uống hết thuốc mà bé vẫn sốt tới 39, 40 độ C nên chị gọi điện cho mẹ là bà Bùi Thị Chung và được bà “ra lệnh” phải đưa đi BV gấp. Mới 4 giờ sáng ngày 11-7 (chủ nhật), vợ chồng chị Huyền vội vã đưa con tới BV Nhi đồng 2. Tại đây, các bác sĩ chẩn đoán bé bị SXH và có nguy cơ trở nặng vì bé bị béo phì.
Bác sĩ Đỗ Châu Việt nói: “Khi nhập viện, bệnh nhi có biểu hiện nôn ói và chuyển từ độ 2 sang độ 3. Theo đó ngay trong đêm 11-7, bệnh nhi được đưa vào phòng cấp cứu để truyền dịch. Do cơ địa béo phì nên diễn biến của bệnh nhi ngày càng phức tạp như suy hô hấp, có dấu hiệu đông máu. Bệnh nhi phải thở máy, truyền dịch…”.
“Ngày 13-7 là một ngày kinh hoàng nhất của cả gia đình chúng tôi. Lúc đó tình trạng của bé hết sức nguy hiểm, cả chục bác sĩ đã phải cố gắng hết sức để giành giật sự sống cho con tôi. Gia đình tôi mang ơn các bác sĩ nhiều lắm”, cha của bé Gia B. xúc động nói.
Tại phòng cấp cứu Khoa Nhiễm, BV Nhi đồng 2, bệnh nhi Nguyễn Hà Đông Ph. (SN 2007), ngụ tại Dĩ An - Bình Dương cũng vừa thoát khỏi lưỡi hái của tử thần do sốc SXH độ 3. 6 ngày trước đó, bệnh nhi có dấu hiệu sốc SXH nên được gia đình đưa tới BV Nhi đồng 2. Ngay lập tức bé được chuyển vào phòng cấp cứu với một chế độ điều trị đặc biệt… Hiện tại sức khỏe của bệnh nhi Đông Ph. đã qua cơn nguy kịch.
Trước đó, BV Nhi đồng 1 cũng đã cứu sống bệnh nhi Trần Duy T. (9 tuổi) bị SXH sau khi cắt amidan. Sau phẫu thuật 1 ngày, T. bắt đầu sốt cao liên tục trong 6 ngày. Đến ngày thứ 7 thì hết sốt nhưng xuất hiện triệu chứng khạc ra máu từ vết mổ, da nổi nhiều chấm xuất huyết, đau bụng và đi cầu phân đen. Bệnh nhi được chẩn đoán SXH độ 2 và phải chuyển gấp lên BV Nhi đồng 1. Xét nghiệm cho thấy tiểu cầu giảm, thiếu máu nên được truyền dịch, truyền tiểu cầu. Sau đó gây mê nội khí quản để đốt điện cầm máu ở chỗ cắt amidan. Một ngày sau nhập viện, bệnh nhân không còn xuất huyết ở hai vị trí cắt amidan, sức khỏe tốt...
Sốt 2 ngày là phải đi bệnh viện
Bác sĩ Nguyễn Minh Tuấn - BV Nhi đồng 1 cho biết: “Bệnh SXH xảy ra do muỗi vằn mang siêu vi gây bệnh SXH chích lây truyền từ người này sang người khác. Sau khi bị muỗi mang siêu vi chích, thời gian ủ bệnh không triệu chứng có thể từ 3-6 ngày, một số trường hợp có thể kéo dài đến 15 ngày. Bệnh nhân thường sốt cao đột ngột kéo dài từ 2-7 ngày, cơ thể mệt mỏi, đau nhức. Những dấu hiệu xuất huyết bất thường trên cơ thể như chấm xuất huyết, chảy máu mũi, chảy máu nướu răng, ói ra máu, đi cầu phân đen, xuất huyết. Giai đoạn nặng thường vào lúc trẻ hết sốt, đa số vào ngày thứ tư, thứ năm của bệnh, nhưng đôi khi cũng có thể sớm hơn hoặc trễ hơn. Những dấu hiệu báo động cần đưa trẻ đến ngay BV để khám bệnh là trẻ hết sốt nhưng vẫn không thấy khỏe hơn, đau bụng, chân tay mát lạnh, lừ đừ, bứt rứt, ói mửa nhiều, xuất huyết tiêu hóa, mạch nhanh nhẹ, tiểu ít”.
Để tránh những trường hợp đáng tiếc có thể xảy ra: “Khi thấy trẻ sốt từ ngày thứ hai trở đi, phụ huynh nên đưa bé đến cơ sở y tế khám để được chẩn đoán, điều trị kịp thời”, bác sĩ Đỗ Châu Việt khuyến cáo.
Cũng theo bác sĩ Châu Việt, những trường hợp SXH nặng phải nhập viện phần lớn là do phụ huynh thiếu hiểu biết, đưa con tới BV trễ.
Về cơ bản, SXH không phải là bệnh nguy hiểm, với những trường hợp SXH độ 1, độ 2 có thể chăm sóc và điều trị tại nhà. Nhưng trẻ phải được đưa đến cơ sở y tế để khám và chẩn đoán đúng bệnh. “Khi trẻ SXH, cần phải cho uống nhiều nước để hạn chế việc truyền dịch. Vì truyền dịch không tốt cho sức khỏe của trẻ, chỉ trong trường hợp bất khả kháng bác sĩ mới phải chỉ định truyền dịch cho bệnh nhi”, bác sĩ Châu Việt nói tiếp.
Đây đang là mùa dịch SXH nên phụ huynh cần thực hiện các biện pháp phòng ngừa cơ bản như diệt lăng quăng, diệt muỗi; cho trẻ ngủ mùng (kể cả ban ngày) và mặc quần áo dài.
Bài, ảnh: Hòa Triều