Thứ năm, 17/7/2014, 22h07

Bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc: Làm “giang hồ vặt” để viết sách

Bác sĩ Đồ Hồng Ngọc ký sách tặng độc giả
Vừa qua, tại TP.HCM, bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc đã có buổi chuyện trò thân mật với bạn đọc yêu văn học nhân dịp ông ra mắt cuốn sách Ghi chép lang thang. Điều thú vị đối với độc giả chính là “hậu trường” của những trang sách từ các chuyến làm “giang hồ vặt” của tác giả.
Ghi chép lang thang, lang thang ghi chép
Những câu chuyện trong sách của bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc rất đời thường nhưng ẩn sâu trong nó là nỗi đau đáu về tình người, cái giả - thật đâu đó trong đời sống cũng được ông chuyển tải qua cuốn Ghi chép lang thang (Nhà xuất bản Văn hóa Văn nghệ). Lần làm “giang hồ vặt” ở xứ sở sương mù, ông không lưu lại trung tâm Đà Lạt mà tìm về vùng ven, nơi còn chút hoang sơ của một Đà Lạt xưa. Ông đến làng Cù Lần, chụp hình với Cù Lần để xem mình… cù lần đến mức nào. Một sáng lang thang Hồ Xuân Hương, thấy một chị gánh hàng rong với đủ các loại bắp, khoai… Nhìn qua, biết củ khoai đã bị cháy nhưng ông vẫn mua. “Có thể người bán khoai nghĩ rằng mình cù lần nhưng thật ra tôi cố tình mua những củ khoai nướng cháy ấy vì đêm hôm trước tôi bị tào tháo rượt, rất cần than hoạt tính để… cầm”, ông dí dỏm.
Hay như câu chuyện dở khóc dở cười xảy ra vào năm 1997. Lúc bấy giờ, lịch làm việc dày đặc khiến đầu óc căng thẳng đến mức bị tai biến và được can thiệp phẫu thuật kịp thời. Bữa nọ nằm trong phòng hậu phẫu, người trần truồng chỉ đắp ngang một chiếc khăn mỏng. Đến giờ, một cô điều dưỡng trẻ vào phòng tiêm thuốc. Đọc tên bệnh nhân, cô điều dưỡng reo lên: “Có phải Đỗ Hồng Ngọc mực tím không?” (Thời gian này ông cộng tác với Báo Mực tím - PV). Ông không nói được mà ra dấu. Đúng người, cô này lại reo lên: “Các bạn ơi, ra coi bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc nè”. Các cô ùa chạy đến quanh giường bệnh. Người nhìn chằm ông. Người huyên thuyên hỏi han mà quên rằng người ông đang thế kia trên giường khiến ông ngượng chín mặt.
Mẩu chuyện vui này càng có giá trị khi nó đã lên trang sách và tất nhiên là rất có hậu. Bởi theo ông, nhờ những tình huống “trớ trêu” vậy mà đầu óc nhẹ nhàng, quên đi mọi thứ, kể cả di chứng sẽ để lại sau tai biến được tiên lượng là khó tránh khỏi. Nhưng như có phép nhiệm mầu, chỉ 3-4 ngày sau, ông tự đi lại được vài bước mà không cần ai dìu đỡ.
Chuyện mình, chuyện người và sách
Bên cạnh thuốc men, liệu pháp tinh thần giúp ông hồi phục nhanh chóng là không tham cầu sân si, sống trải lòng thêm nữa. Ông đọc lại Tâm Kinh Bát Nhã mà ông đã có lần đọc qua nhưng chưa hiểu hết. Sau đó, ông bắt tay viết cuốn sách Nghĩ từ trái tim rồi mang bản thảo viết tay tìm đến ni sư Trí Hải. Sau một đêm đốt đèn cầy để đọc, được ni sư khen hết lời. Ông tự tin mang nó đến gặp đại diện nhà xuất bản. Sau một thời gian do dự, nhà xuất bản cũng đã đồng ý in 1.000 cuốn và bán hết liền sau đó. Đến nay, Nghĩ từ trái tim - viết về Phật học từ góc nhìn của một thầy thuốc đã được tái bản hàng chục lần.
Năm 1954, ông đang học ở Phan Thiết thì gia đình chuyển về Lagi, tỉnh Bình Tuy (nay là thị xã Lagi, huyện Hàm Tân, tỉnh Bình Thuận) sinh sống, chuyện học cũng dở dang. Lần vào Sài Gòn bổ hàng cho mẹ, ông lang thang qua rạp Đại Nam và tình cờ tìm được cuốn sách Kim chỉ nam dành cho tuổi học trò của học giả Nguyễn Hiến Lê. Đọc, nghiền ngẫm thấy mình đang ở đâu đó trong sách và quyết định gửi thư cho tác giả. Thật bất ngờ là được tác giả hồi âm, trả lời rất trân trọng. Trong thư, ông chia sẻ về việc học bị gián đoạn và rất muốn học nhảy lớp. Nguyễn Hiến Lê là người cực lực phản đối chuyện này nhưng khi đọc và cảm nhận, ông trả lời: “Với trình độ của cháu là có thể được”. Từ đó, trên mỗi bước đường học vấn của ông đều có sự hướng dẫn, dìu dắt của người thầy Nguyễn Hiến Lê. Ba năm sau khi tốt nghiệp trường y, ông đã cho ra mắt cuốn Những tật bệnh thông thường của tuổi học trò, bổ sung cuốn sách Kim chỉ nam dành cho tuổi học trò, được chính thầy Nguyễn Hiến Lê viết lời giới thiệu.
Bài, ảnh: Trần Tuy An
Đọc sách của bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc, dù là sách chuyên môn y khoa hay văn học, người đọc đều có cảm nhận rằng những trải nghiệm, cảm xúc và suy nghĩ được tác giả chia sẻ một cách nhẹ nhàng, chân thành qua trang sách. Có lẽ vì thế mà không ít người có cùng nhận xét: “Sách của bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc là giáo khoa thư”. Còn ông thì khiêm tốn: “Đó là phát hiện thú vị của người yêu văn học”.