Thứ ba, 24/2/2015, 12h02

“Báu vật, đặc sản” của người Thái

Ông Lò Văn Biến bên những “báu vật” của người Thái
Nằm sát cửa ngõ thị xã Nghĩa Lộ, cuối đất Văn Chấn, Yên Bái, cánh đồng Mường Lò được coi là nơi chôn nhau, cắt rốn của người Thái trên đất Việt Nam. Tương truyền rằng, người Thái khi mất đi, họ gửi hồn mình về Mường Lò rồi mới về Mường trời. Những điệu xòe Thái làm say đắm bao người cũng từ mảnh đất này sinh ra.

Hiện nay, người giữ hồn những điệu xòe cổ là ông Lò Văn Biến. Không muốn những điều xòe chỉ theo mình về Mường trời, ông Biến đang hàng ngày truyền lại cho thế hệ sau và người góp sức với ông không ai khác chính là người bạn đời của ông, bà Lò Thị Poong.
Soạn giáo trình tiếng Thái
Đến đất Nghĩa Lộ, hỏi ông Lò Văn Biến hình như ai cũng biết. Căn nhà sàn nằm cuối con ngõ nhỏ của phường Cang Nà dường như vẫn còn chút phảng phất của một bản làng xưa kia chưa bị đô thị hóa. Gặp ông Biến, không khỏi ngỡ ngàng khi ông có nét hao hao giống nhạc sĩ Văn Cao, mái tóc bạc phơ, đôi mắt hóm hỉnh, chòm râu bạc đầy chất nghệ sĩ và không ai nghĩ ông đã ngoài 80. Bởi ông vẫn còn tinh anh, vẫn còn tràn đầy nhiệt huyết, vẫn có thể thao thao cả buổi để nói về 6 điệu xòe cổ, về chữ Thái cổ. Ông kể: “Thấy con thông minh, lại ham học hỏi, bố mẹ cho ông đi học. Ngày ấy cả vùng chỉ có ông mo Lò Văn Phớ là giỏi chữ Thái. Mỗi đêm học phải trả công cho ông một bung thóc 15kg. Chữ Thái cổ khó học bởi không có dấu ngắt câu và dấu thanh điệu, hệ thống phụ âm thay thế cho dấu thanh lại rất phức tạp. Được hai đêm, người bạn cùng học bỏ vì không theo được. Còn tôi chỉ sau năm đêm miệt mài với than củi viết trên mo cau đã bắt đầu biết ghép vần và đọc được”.

Thời Pháp ông học hết tiểu học, sau khi Nghĩa Lộ được giải phóng tháng 10-1952, ông tham gia dạy bình dân học vụ. Rồi ông được đi học sơ cấp sư phạm đặt tại Khu tự trị Thái Mèo. Năm 1956 ra trường, ông về Than Uyên (nay thuộc Lai Châu) dạy học. Hồi ấy dạy song ngữ, chữ Thái và chữ quốc ngữ. Đến năm 1963 thì tạm dừng dạy chữ Thái, ông được điều về Mường Lò dạy học. Sau đó, ông tham gia làm Trưởng ban Văn hóa Giáo dục của xã. Cũng tại đây, ông gặp người con gái Thái đẹp người đẹp nết Lò Thị Poong.
Ông đã dành nhiều thời gian để sưu tầm những pho sách cổ viết bằng chữ Thái trên những tờ giấy dó, hay những cuốn sách màu thời gian đã nhuộm đen trên những trang giấy rách nát không còn nhìn rõ chữ. “Tôi đã đi lang thang khắp các thôn bản sưu tầm những câu dân ca, điệu múa, những bài cúng bản, cúng ma… rồi ghi chép dịch ra thành sách”, ông Biến nhớ lại. Lo ngại sự mai một về chữ viết của người Thái đã được sáng tạo từ ngàn năm trước do cha ông để lại, ông đã mở lớp dạy chữ Thái ngay tại ngôi nhà của mình cho con cháu và những ai yêu mến chữ Thái. Năm 2006, ông soạn thành giáo trình 100 tiết dạy cho những ai yêu quý chữ Thái. Hiện có 7 tỉnh dạy chữ Thái theo giáo trình do ông soạn, có 19 nguyên âm và 19 cặp phụ âm. Không chỉ yêu chữ Thái cổ, ông Lò Văn Biến còn là người say mê sưu tầm và dịch sách cổ viết bằng chữ Thái. Ông không nhớ hết mình đã sưu tầm và dịch bao nhiêu quyển sách, trong đó có cuốn: Cầm Hánh đánh giặc cờ vàng, Tìm hiểu tục cúng vía dân tộc Thái đen Mường Lò, Cúng mường, cúng bản, Lễ hội Hạn Khuống, Cúng người chết về Mường trời (Xống phi tai), Cúng vía trâu (Tam khuôn quai)… Ông kể, thông điệp của người xưa được ghi trong sách cúng cũng như được truyền miệng từ thế hệ này sang thế hệ khác: Mường Lò là đất tổ của người Thái đen ở Việt Nam và một số nước trên thế giới. Hàng năm, nhiều người Thái đen ở Mỹ, Thái Lan, Lào… đã tới Mường Lò thăm quê cha đất tổ (đin pẩu pú) của người Thái đen, thăm thác Nặm Tốc Tát, nơi người Thái đen khi băng hà linh hồn đều tới đó tắm rửa trước khi ngược theo dòng thác lên Mường trời.
Giữ hồn các điệu xòe cổ

Ông Lò Văn Biến và vợ
“Tiếng khèn réo rắt cùng các điệu múa mềm mại của những người con gái Thái đã ăn sâu vào thịt da tôi. Đến giờ, tôi vẫn còn nhớ như in những buổi theo mế đi xem múa xòe và hình ảnh vua Thái Đèo Văn Long. Chính vì vậy mà những gì tôi nhớ được, học được đã theo tôi đi khắp các vùng núi phía Bắc để truyền lại cho thế hệ sau”, ông Biến thổ lộ. Có lẽ vì mê người con trai tài hoa này mà bà Lò Thị Poong đã theo ông về làm vợ dù kém ông tới 20 tuổi. Giờ bà cũng là giáo viên “bất đắc dĩ” cùng ông dạy lại các điệu xòe cho con em dân tộc Thái tại Nghĩa Lộ và các vùng lân cận. Cứ tối đến, chị em trong bản tạm gác lại những lo toan đồng áng, gia đình để thắt lưng ong, mặc áo cóm, quấn dây xà tích sẵn sàng cho buổi tập. Bà Poong nói: “Chiếc khăn của người Thái chính là “đạo cụ” duy nhất để múa xòe. Hằng năm cứ vào cuối tháng 9 hoặc đầu tháng 10, khi mùa vụ đã gặt xong, cây ngô đông phủ màu xanh trên các thửa ruộng là khi thị xã Nghĩa Lộ mở hội xòe”.
Mường Lò là cánh đồng lớn thứ hai ở miền núi phía Bắc, chỉ sau Mường Thanh - Điện Biên (còn hai cánh đồng nhỏ hơn là Mường Than - Than Uyên và Mường Tấc - Phù Yên). Điệu múa Khắm khăn mơi lẩu nghĩa là nâng khăn mời rượu chỉ có ở người Thái đen đất Mường Lò và cũng chỉ có ở đây thì bạn mới có thể được nâng chén cùng lời ca mời rượu, cùng điệu xòe Thái dập dìu bên bếp lửa nhà sàn. Bởi không ai có thể từ chối chén rượu do những người phụ nữ chưng cất từ hạt gạo họ làm ra, men rượu và men tình người đã kết nối tình thân giữa chủ và khách, tình đoàn kết anh em của các dân tộc ngày càng bền chặt hơn. Một buổi chiều chân núi, bên mâm rượu với canh rau suối, châu chấu rang khô và thịt trâu sấy bản Đêu, Mường Lò bạn sẽ chẳng thể cầm lòng bên ly rượu đầy: Ly rượu đầy như tấm lòng không bao giờ vơi/ Anh có muốn làm quen/ Anh hãy uống cạn ly này/ Một ly là để em chào/ Hai ly là để làm quen/ Em không biết hát/ Em hát không hay/ Em vẫn hát mời anh ly rượu này...
Ông Biến cũng đã đi khắp các tỉnh phía Tây Bắc của Việt Nam để dạy, để giữ lấy cái hồn của người Thái. 6 điệu xòe cổ do ông nhiều năm tìm kiếm nay đã nở hoa trên mảnh đất này. Không ai khác, ông chính là một “báu vật, một đặc sản” của người Thái hiện nay.
Nghiêm HUê
6 điệu xòe cổ gồm: Điệu xòe vòng (xé vóng); điệu vòng tròn vỗ tay (ỏm lọm tốp mứ); điệu tung khăn (nhôm khăn); điệu bổ bốn (phá xí); điệu tiến lùi (đổn hôn); điệu nâng khăn mời rượu (khắm khăn mơi lảu) chính là khởi nguồn cho 36 điệu xòe khác hiện nay.