Thứ ba, 24/2/2015, 13h02

“Bệ phóng” của tài năng trẻ quốc tế tuổi Mùi

Ánh Hoàng cùng ba mẹ và em gái
Trò chuyện với chúng tôi vào những ngày đầu xuân, những người cha người mẹ ấy đều cảm thấy rất hạnh phúc và tự hào. Bằng sự dạy dỗ đúng cách, họ đã trở thành “bệ phóng” vững chắc, giúp cho con của mình phát triển được tài năng, trở thành những gương mặt được nhiều người trong nước lẫn quốc tế yêu mến, nể phục.
Cha mẹ của cựu “Thần đồng tin học”
Có thể gọi anh Nguyễn Long Khánh và chị Nguyễn Thị Kim Anh với danh xưng như thế, bởi anh chị chính là người đã ươm mầm cho tài năng trẻ tin học Nguyễn Khánh Ánh Hoàng (sinh năm 1991) bay cao, bay xa trên bầu trời tin học. Tính từ năm 2003 đến 2010, Ánh Hoàng đã nhận hơn 30 giải thưởng, danh hiệu trong nước lẫn quốc tế cho bộ môn tin học. Đặc biệt, Hoàng từng là tài năng trẻ nhất tính đến thời điểm này nhận giải Quả cầu vàng; gương mặt trẻ tuổi nhất trong 40 gương mặt được Thành đoàn TP.HCM bình chọn “Gương mặt trẻ thành phố 30 năm”; danh hiệu Công dân trẻ tiêu biểu 2010… Sau khi tốt nghiệp THPT chuyên Lê Hồng Phong, Hoàng thi đậu vào Trường ĐH Y dược TP.HCM, sau đó cậu nhận được suất học bổng của Úc, theo học tại La Trobe University. Hiện Hoàng đang sống ở  Melbourne, Australia và làm việc tại HT Tutoring Centre.
Anh Khánh là kỹ sư cơ khí, rất giỏi về vi tính. Chính anh là người đã phát hiện ra năng khiếu tin học của Ánh Hoàng và từng bước tạo mọi điều kiện để phát triển tài năng của con. Thời Hoàng còn học tiểu học, sách viết về tin học cho thiếu nhi không có, chính anh đã tự soạn ra những giáo án về lập trình riêng để dạy cho con. Các phần mềm do Hoàng tạo ra, anh luôn là người thẩm định đầu tiên và hướng cho con nâng cao từng bước những phần mềm ấy. Còn chị Kim Anh lúc nào cũng chăm sóc đầy đủ các vấn đề về dinh dưỡng cho Hoàng. Thời gian đó, nhìn thấy con được Thủ tướng Thái Lan, nguyên Thủ tướng Chính phủ Phan Văn Khải và nguyên Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Minh Hiển đến bắt tay, khen ngợi, anh chị đã lén lau nước mắt trong niềm sung sướng tột cùng. Tuy nhiên, trước mặt con, anh chị vẫn tỏ ra không biết gì, bởi anh chị ngại nếu để Hoàng nhìn thấy sẽ phát sinh tính tự cao. Và anh chị cũng chỉ chúc mừng con bằng một chầu kem, một bữa ăn ngon chứ không phải vì thế mà chiều chuộng đến mức Hoàng đòi hỏi và muốn gì cũng được. Chính nhờ sự giáo dục đúng cách của cha mẹ mà Hoàng - ở nhà hay ở lớp - đều rất vui vẻ, hòa đồng với bạn bè, mọi người chứ không hề tỏ ra mình là “sao”. Được biết, hiện tại, ở Úc, Hoàng vừa đi làm vừa học tiếp cao học, đồng thời vẫn tiếp tục sáng tạo cho ra những phần mềm mà mình yêu thích.
“Vượt dốc” cùng con

Anh Khoa trên “đường đua xanh”
“Nếu không có mẹ em làm điểm tựa, chắc chắn em sẽ không có được những thành công hôm nay…”, đó là phát biểu của vận động viên khuyết tật Võ Huỳnh Anh Khoa (hiện là sinh viên năm cuối Trường ĐH FPT APTECH). Tính từ năm 2003-2010, “kình ngư” này đã làm kinh ngạc giới thể thao với thành tích gần 60 HCV, HCB cho bộ môn bơi lội tại các giải đấu trong nước và quốc tế. Năm 2011, tham dự ASEAN Para Games tại Indonesia, Khoa đã giành HCV với thành tích 1 phút 6 giây, phá kỷ lục năm 2008 do chính mình thiết lập là 1 phút 11 giây 77. Tại Đại hội thể thao người khuyết tật Đông - Nam Á lần thứ 7 (ASEAN Para Games 7) 2014 ở Myanmar, Khoa đoạt 2 HCV ở nội dung bơi tự do 200m nam. Với những thành tích đó, Võ Huỳnh Anh Khoa nhiều năm liền được bình chọn là vận động viên khuyết tật tiêu biểu xuất sắc nhất toàn quốc, được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng III năm 2006, được Thủ tướng Chính phủ tặng bằng khen… Có thể nói Khoa là một trường hợp đặc biệt nhất trong làng thể thao Việt Nam đạt được thành tích này.
Mẹ của Khoa - chị Huỳnh Thị Phát quả thật là một người mẹ phi thường. Chị kể: “Năm 1991, tôi hạ sinh một đứa con trai kháu khỉnh. Niềm vui mừng khôn xiết kéo dài đến năm Khoa lên 6 tuổi, đang học lớp 1 bỗng phát bệnh ung thư cột sống và tiêu tiểu không tự chủ. Qua nhiều ca phẫu thuật, Khoa dù thoát khỏi bàn tay tử thần nhưng lại bị một di chứng khác là đôi chân bị teo, phải đi lại rất khó khăn bằng đôi giày sắt. Cứ mỗi lần nhìn con, nước mắt tôi lại trào ra…”.
 

Anh Khoa và mẹ
Nghe theo lời khuyên của bác sĩ là chỉ có bơi lội mới giúp Khoa cải thiện được sự teo chân, chị Phát đã đưa con đi học bơi. Ngày nào chị và con cũng trầm mình dưới nước suốt mấy giờ đồng hồ. Chỉ sau một năm tập luyện, đôi chân của cậu đã được cải thiện và khả năng bơi lội của Khoa đã khiến các huấn luyện viên phải kinh ngạc. Ngày Khoa chính thức trở thành vận động viên năng khiếu của quận Bình Thạnh, chị ôm con vào lòng, niềm sung sướng hòa lẫn nước mắt. Mặc dù bị bệnh tim, bệnh đau bao tử hoành hành nhưng chị vẫn cố gắng chịu đựng. Đôi lần bệnh tật cũng quật ngã chị, nhưng nghĩ đến đứa con trai duy nhất của mình, vậy là chị gượng dậy quyết cùng con “vượt dốc”. Tất cả những cuộc thi bơi lội trong nước hay quốc tế mà Khoa tham gia, chị Phát đều sát cánh bên con để chăm sóc, động viên, an ủi. Rồi khi về nhà, cả hai mẹ con cùng gò lưng chép bài. Khoa ngồi học là chị cũng ngồi bên cạnh, chị sợ con kiệt sức và đổ bệnh bất ngờ. Những thành quả của Khoa hôm nay là phần thưởng xứng đáng cho sự hy sinh của chị.
Lữ Đắc Long - Nguyễn Phúc