Thứ năm, 18/9/2014, 10h09

Giả thuyết mới về Chánh cung Hoàng hậu vua Quang Trung

Lâu nay, sử liệu ghi nhận Chánh cung Hoàng hậu của vua Quang Trung quê gốc ở Quy Nhơn, nhưng tư liệu vừa tìm thấy ở Quảng Nam đã đặt giả thuyết mới về thân phận và quê quán vị hoàng hậu này.
 
Gia phả lập năm 1927 có ghi “Hoàng chánh hậu Phạm Thị Ngọc Dẫy” - Ảnh: C.T.V
Gia phả cùng ngôi mộ cổ
Từ nguồn tư liệu cổ ở H.Thăng Bình (Quảng Nam), Phòng An ninh chính trị nội bộ (PA83) Công an Quảng Nam phối hợp với cán bộ Sở VH-TT-DL, Bảo tàng Quảng Nam vào cuộc tìm hiểu và bước đầu ghi nhận một số thông tin mới. Bản gia phả tộc Phạm viết năm 1927 hé lộ nhiều thông tin đáng chú ý. Trong đó, cụ Phạm Văn Phước (đời thứ 4) từng làm quan ở trấn Quảng Nam dưới thời chúa Nguyễn, sau được phong Đại tư không, Thiển Quận công dưới thời Tây Sơn. Hai người con gái của cụ Phước được ghi là “Hoàng chánh hậu Phạm Thị Ngọc Dẫy”, “Tả cung Đức Bá Phạm Thị Doanh”.
Giả thuyết mới về vị Chánh cung Hoàng hậu bắt đầu từ đây, kết hợp với câu chuyện dân gian lưu truyền trong khu vực. Chuyện kể, trên đường hành quân từ Bình Định, do mưa to gió lớn, Nguyễn Huệ tạm nghỉ chân tại tư gia viên quan họ Phạm ở Quảng Nam, rồi yêu thương cô con gái lớn và đưa ra Phú Xuân. Người em gái theo hầu chị, khi chị mất, triều đình cho người em về quê (H.Thăng Bình) dựng chùa thờ tự. Mộ người em sau này cũng an táng gần ngôi chùa đó.
Nhóm nghiên cứu tại Quảng Nam đang tiến hành rất thận trọng các bước khảo sát, điền dã tại ngôi chùa và các mộ cổ ở lân cận. Trong số đó, có ngôi mộ của bà Phạm Thị Doanh, được cho là em gái của “Hoàng chánh hậu Phạm Thị Ngọc Dẫy”. Theo thông tin thu thập ban đầu, năm 1978 ngôi mộ của bà Phạm Thị Doanh từng bị kẻ xấu dùng thuốc nổ công phá để tìm đồ tùy táng, nhưng chỉ phá được phần nấm bên trên. Riêng phần thành mộ lộ thiên hiện vẫn lưu giữ một số hoa văn, xây dựng bằng hợp chất rắn chắc. Gần đó, có thêm 2 ngôi mộ hợp chất khác.
Đến hôm 17.9, các thành viên nhóm nghiên cứu vẫn chưa công bố cụ thể về địa điểm phát hiện các tư liệu, di tích cổ... vì đang tiếp tục xác minh thông tin và đảm bảo an toàn cho di tích. Mặc dù vậy, một số người dân khi biết tin đã chủ động cung cấp hiện vật liên quan để hỗ trợ nghiên cứu. Trong đó có một số hiện vật quý, có giá trị khảo cổ do người dân nhặt được từ các lần xâm hại mộ cổ trước đó, số khác được tìm thấy trong quá trình người dân chôn cất thân nhân (do đây là khu vực nghĩa địa).
Cần thời gian để “giải mã”
Tại Quảng Nam, cho đến nay mới chính thức ghi nhận ngôi mộ bà thứ phi của vua Quang Trung. Ông Nguyễn Chí Trung, Giám đốc Trung tâm quản lý bảo tồn di sản văn hóa TP.Hội An, cho biết mộ bà thứ phi họ Trần tọa lạc tại xã Cẩm Thanh. Tương truyền sau khi Nguyễn Ánh lật đổ nhà Tây Sơn, bà giả dạng thường dân cùng 2 tì nữ trở về quê cũ Quảng Nam làm nghề đưa đò tại Cẩm Kim, nhưng vẫn bị quan quân nhà Nguyễn truy lùng, xử chém. Phần thi thể của bà bị thả trôi trên sông Thu Bồn rồi dạt vào bờ, được dân làng bí mật an táng…
 Ngôi mộ được cho là của bà Phạm Thị Doanh
Ngôi mộ được cho là của bà Phạm Thị Doanh
Được mời tham gia nhóm nghiên cứu, ông Tôn Thất Hướng (Phòng Nghiệp vụ Sở VH-TT-DL tỉnh Quảng Nam) cho biết để giải mã thân phận Phạm hoàng hậu cần tổ chức hội thảo huy động các chuyên gia uy tín về lịch sử, khảo cổ, mộ táng, Hán - Nôm tham gia. Việc mở rộng nghiên cứu sâu hơn về gia phả của các dòng họ khác trong khu vực cũng phải sớm xúc tiến, kết hợp với công tác nghiên cứu sâu văn bản học, thực địa và tìm hiểu chủ nhân các ngôi mộ cổ bằng hợp chất.
Trước nghi vấn mới liên quan đến lịch sử thời Tây Sơn, ông Hồ Xuân Tịnh, Phó giám đốc Sở VH-TT-DL tỉnh Quảng Nam cũng lưu ý phải có thêm nhiều thời gian và các nguồn tư liệu khác nhau để đối sánh. Trao đổi với PV Thanh Niên, ông Tịnh gợi ý bước đầu chỉ nên ghi nhận tư liệu mới có nội dung đề cập về Chánh cung Hoàng hậu như vậy. “Ở đây cần có thêm yếu tố may rủi của nguồn tư liệu, chẳng hạn may mắn có các tư liệu về gia đình Quang Trung, nhất là sự vào cuộc của chuyên gia và từ phía tỉnh Bình Định”, ông Tịnh nói.
Các nguồn sử liệu chỉ nhắc đến vị Chánh cung Hoàng hậu của vua Quang Trung là bà Phạm Thị Liên, quê ở Bình Định, mộ được táng dưới chân núi Kim Phụng phía tây TP.Huế. Trong cuốn Các triều đại VN (NXB Văn hóa - Thông tin, 2009), các tác giả Quỳnh Cư - Đỗ Đức Hùng chép rằng, theo tài liệu để lại, dù không rõ Quang Trung có bao nhiêu bà vợ nhưng có 2 hoàng hậu gồm Chánh cung Hoàng hậu và Bắc cung Hoàng hậu. Bắc cung Hoàng hậu chính là công chúa Lê Ngọc Hân. Còn chánh cung được cho là người họ Phạm, ở phủ Quy Nhơn, chị cùng mẹ khác cha với Hình bộ Thượng thư Bùi Văn Nhất và Thái sư Bùi Đắc Tuyên. Bà được lập chánh cung năm 1789, sinh 3 người con trong đó có Nguyễn Quang Toản, tức vua Cảnh Thịnh sau này.
Theo TNO